1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ quyết giải mật thông tin tình báo về nguồn gốc Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Quốc hội Mỹ nhất trí dự luật yêu cầu chính phủ liên bang giải mật mọi thông tin liên quan đến nguồn gốc đại dịch Covid-19.

Mỹ quyết giải mật thông tin tình báo về nguồn gốc Covid-19 - 1

Các nhà điều tra WHO đến Vũ Hán, Trung Quốc điều tra nguồn gốc Covid-19 hồi đầu năm 2021 (Ảnh: AP)

Với 419 phiếu thuận, Hạ viện Mỹ ngày 10/3 thông qua dự luật yêu cầu giải mật mọi thông tin liên quan đến nguồn gốc đại dịch Covid-19. Tuần trước, Thượng viện cũng thông qua dự luật tương tự với 100% phiếu thuận. Dự luật sẽ được chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden ký ban hành luật.

Khi đó, Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ sẽ có trách nhiệm trình báo cáo giải mật thông tin nguồn gốc Covid-19 lên quốc hội trong vòng 3 tháng.

Về phần mình, Tổng thống Biden gần đây cho biết, ông chưa quyết định có ký thông qua dự luật hay không. Mặc dù Nhà Trắng nói rằng, ông Biden quyết tâm tìm đến cùng nguồn gốc cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này, nhưng giới chức Mỹ cũng nhấn mạnh đến việc cần thiết phải bảo vệ thông tin mật.

Covid-19 xuất hiện từ khoảng cuối năm 2019 khi Trung Quốc thông báo các ca nhiễm bệnh đầu tiên. Nó nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu, khiến hàng triệu người thiệt mạng. Đến nay, nguồn gốc virus gây Covid-19 vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

Một số cơ quan chính phủ của Mỹ gần đây bất ngờ xới lại tranh luận khi cho rằng Covid-19 khả năng cao là do sự cố từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc. Bắc Kinh đã chỉ trích và bác bỏ nhận định này.

"Các bên liên quan phải ngừng việc khuấy động những tranh luận về giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm, ngừng bôi nhọ Trung Quốc và ngừng chính trị hóa vấn đề nguồn gốc virus. Giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm được đánh giá là rất khó xảy ra. Đó là kết luận của nhóm chuyên gia của Trung Quốc và WHO sau khi đến phòng thí nghiệm Vũ Hán và trao đổi với giới nghiên cứu", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm 27/2 phát biểu.

Theo RT