Mỹ "quyết đấu" với Trung Quốc
Ngân sách quốc phòng mới của Mỹ phê chuẩn việc đóng tàu sân bay thứ 12 và 13 tàu chiến mới, mua 77 máy bay chiến đấu F-35...
Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành hôm 13-8 cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Washington trong việc kiềm chế sự mở rộng hoạt động quân sự của Trung Quốc trên không gian ảo và tại các vùng biển, trong đó có biển Đông.
"Thương vụ đầu tư đáng kể nhất"
NDAA cho phép khoản chi tiêu quân sự 716 tỉ USD vào năm tới (cao hơn 16 tỉ USD so với ngân sách hiện nay). Khoản chi này gồm 616,9 tỉ USD cho ngân sách Lầu Năm Góc, 69 tỉ USD cho các chiến dịch quân sự ở nước ngoài có sự can dự của Washington và 21,9 tỉ USD cho các chương trình vũ khí hạt nhân chịu sự quản lý của Bộ Năng lượng.
Ngoài ra, NDAA 2019 còn mở đường cho việc đáp trả các vụ tấn công trên mạng trong lúc phê chuẩn việc đóng tàu sân bay thứ 12 và 13 tàu chiến mới, mua 77 máy bay chiến đấu F-35... Phát biểu sau khi ký NDAA 2019, ông Trump gọi đây là "thương vụ đầu tư đáng kể nhất" vào quân đội trong lịch sử hiện đại, cho phép quân nhân sở hữu "những máy bay, tàu chiến, xe tăng, tên lửa tốt nhất".
Trong động thái khác được cho là nhằm vào Trung Quốc, đạo luật còn mở rộng các loại thỏa thuận mua bán, sáp nhập liên quan đến công ty nước ngoài mà Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) có thể xem xét để đánh giá liệu chúng có đe dọa an ninh quốc gia hay không. Luật mới cũng tăng cường các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và cho phép Washington "soi" các thỏa thuận ở nước ngoài, như lập liên doanh.
Động thái này diễn ra giữa lúc Washington lo ngại các công ty Trung Quốc sử dụng hoạt động đầu tư và thâu tóm doanh nghiệp tại Mỹ để tiếp cận công nghệ của mình. Đây cũng là một trong những nỗi lo chính đằng sau cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa 2 nước.
Ngay cả trước khi có luật mới nói trên, đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ đã giảm đáng kể do chính quyền nước chủ nhà tăng cường kiểm tra các thỏa thuận liên quan. Theo công ty nghiên cứu Rhodium Group, các công ty Trung Quốc hoàn tất số lượng thương vụ có tổng giá trị 1,8 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2018, giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất trong 7 năm qua.
Bắc Kinh chỉ trích
Không có gì lạ khi Trung Quốc lên tiếng cho biết sẽ đánh giá toàn diện những nội dung liên quan đến CFIUS và chú ý đến tác động đối với doanh nghiệp nước này. "Mỹ nên đối xử khách quan và công bằng với các nhà đầu tư Trung Quốc, tránh để CFIUS trở thành một trở ngại đối với sự hợp tác đầu tư giữa các công ty Trung Quốc và Mỹ" - tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh. Đáng chú ý, đạo luật này nới lỏng những hạn chế dành cho Tập đoàn viễn thông ZTE bất chấp một số nghị sĩ Mỹ muốn trừng phạt mạnh công ty Trung Quốc này vì vi phạm lệnh trừng phạt nhằm vào Iran và Triều Tiên.
Ngoài việc kêu gọi Mỹ xem "sự cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc" là ưu tiên hàng đầu, NDAA mới còn chọc giận Bắc Kinh khi thúc giục Washington tăng cường hợp tác quân sự, an ninh với Đài Loan, bán thêm vũ khí và đẩy mạnh tập trận chung với hòn đảo này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức ra tuyên bố cảnh báo những nội dung "tiêu cực" nói trên có thể phá hoại quan hệ hai nước. Theo bộ này, Mỹ nên từ bỏ tư duy thời chiến tranh lạnh, triết lý "được ăn cả, ngã về không" và có đánh giá khách quan về mối quan hệ với Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng gọi đạo luật đã "phóng đại cuộc đối đầu Trung - Mỹ", phá hoại niềm tin giữa quân đội 2 nước và can dự vào chuyện Đài Loan - được xem là vấn đề quan trọng, nhạy cảm nhất trong quan hệ 2 nước. "Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ ai tách Đài Loan khỏi Trung Quốc vào bất kỳ lúc nào và dưới bất kỳ hình thức nào" - bộ này nhấn mạnh.
Bước đi hợp lý tiếp theo?
Sau khi NDAA 2019 được ký ban hành, bước đi hợp lý tiếp theo của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang với Trung Quốc gọi họ là quốc gia thao túng tiền tệ. Giá trị của đồng USD đã tăng 5% so với nhân dân tệ trong năm nay và phần lớn sự gia tăng này xảy ra trong 1-2 tháng gần đây.
Nhà lãnh đạo Mỹ thường xuyên cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ khi còn tranh cử nhưng lại ít nói về chuyện này sau khi vào Nhà Trắng. Dù vậy, ông Thanos Vamvakidis, chuyên gia tại Ngân hàng America Merrill Lynch (Mỹ), cho rằng điều này có thể sớm thay đổi bởi thao túng tiền tệ có thể là một công cụ nữa được Mỹ mang đến bàn đàm phán. Trong khi đó, bà Michala Marcussen, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty Tài chính Societe Generale (Pháp), nhận định sự rớt giá của đồng nhân dân tệ giúp ông Trump có thêm "đạn" khi công kích Trung Quốc và thực hiện những chính sách thuế quan của Mỹ gần đây.
Báo cáo công bố hồi tháng 4 của Bộ Tài chính Mỹ tránh gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ nhưng chỉ trích "hướng đi phi thị trường" của nền kinh tế nước này. Người ta đang chờ xem báo cáo tiếp theo của bộ này, dự kiến công bố vào tháng 10, có công kích Bắc Kinh mạnh mẽ hơn về vấn đề tiền tệ hay không. Nếu bước đi này diễn ra, bức tranh kinh tế toàn cầu có nguy cơ thêm xấu. Hôm 8-8, Trung Quốc công bố áp thuế 25% lên 16 tỉ USD sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ nhằm trả đũa chính sách tương tự của Washington, dự kiến có hiệu lực trong tháng này.
Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền ông Trump có lý khi cáo buộc Trung Quốc cố tình giảm giá đồng nhân dân tệ hay không? Nhiều chuyên gia nhất trí rằng đồng nhân dân tệ suy yếu thực ra không tốt cho Trung Quốc bởi phần lớn chuỗi cung ứng của họ đặt tại nhiều nơi ở châu Á. Điều này có nghĩa sản phẩm Trung Quốc có giá cao hơn khi sử dụng thành phần nhập khẩu. Chưa hết, khoản nợ bằng đồng USD của Trung Quốc có thể tăng trong trường hợp đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm giá. Tóm lại, bà Marcussen nhận định một chiến lược hạ giá đồng nhân dân tệ không phải là điều tốt đối với Trung Quốc.
Xuân Mai
Theo Hoàng Phương
Người lao động