1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ: Phe nổi dậy Libya có thể bán dầu

(Dân trí) - Bộ Tài chính Mỹ hôm qua cho hay dầu thô do lực lượng nổi dậy Libya bán không nằm trong khuôn khổ lệnh trừng phạt của Mỹ, nếu dầu được sản xuất bên ngoài Công ty dầu lửa quốc gia hoặc các công ty không có liên hệ với chính quyền của ông Gadhafi.

 
Mỹ: Phe nổi dậy Libya có thể bán dầu - 1

Quân nổi dậy Libya tại một cơ sở dầu mỏ ở Ras Lanuf, ngày 10/3.
 

Thông tin trên được một quan chức của Bộ Tài chính Mỹ khẳng định. Theo ông, phe nổi dậy phải thiết lập hệ thống thanh khoản không thông quan ngân hàng trung ương Libya hay bất kỳ cơ quan chính phủ nào.

  

“Quân nổi dậy không phải là một phần của chính phủ Libya. Họ không phải là đối tượng chịu lệnh trừng phạt”, quan chức khẳng định.

 

Ngày 25/2 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã cấm Mỹ giao dịch với nhà sản xuất dầu mỏ nhà nước, ngân hàng trung ương cùng các cơ quan nhà nước khác của Libya, trong nỗ lực cắt nguồn tiền cung cho chính quyền của nhà lãnh đạo Gadhafi.

 

Sau đó, Bộ này còn đặt 14 chi nhánh của Công ty dầu lửa quốc gia Libya vào “danh sách đen” và cũng tìm kiếm đóng băng bất kỳ tài sản nào của chính quyền ông Gadhafi dưới quyền hạn của Mỹ.

 

Trong khi đó hôm chủ nhật vừa qua, một thủ lĩnh cấp cao của phe nổi dậy Libya tuyên bố Qatar, cũng là một nhà sản xuất dầu lửa lớn trong khu vực, đã đồng ý bán ra thị trường dầu thô được sản xuất ở các giếng dầu tại miền đông hiện không còn nằm trong tay của ông Gadhafi.

 

Được các cuộc không kích của phương Tây yểm trợ, phe nổi dậy Libya đã tái chiếm được các thành phố dầu lửa chiến lược ở miền đông, trong đó có Es Sider, Ras Lanuf, Brega, Zueitina Tobruk. Ngày hôm qua họ tiếp tục tiến về thành phố quê nhà của ông Gadhafi, Sirte.

 

Ali Tarhouni, người phụ trách về các vấn đề kinh tế, tài chính và dầu lửa của phe nổi dậy cho biết sản lượng từ các giếng dầu ở miền đông Libya do phe này chiếm giữ đang vào khoảng 100.000-130.000 thùng/ngày. Trước cuộc khủng hoảng, Libya sản xuất khoảng 1,6 triệu thùng/ngày, chiếm gần 2% sản lượng của thế giới.

 

Phan Anh

Theo Reuters