1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Ấn Độ - Pakistan
  3. Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày
  4. Mỹ thúc đẩy đàm phán về xung đột Ukraine

Mỹ "nhập khẩu" nghi lễ cưới từ Ấn Độ

(Dân trí) - Giá một “cuộc hẹn” với Minnie là 8.500 USD, còn với Sadie, Cindy hoặc Penelope chỉ khoảng 500 USD/giờ. Đó là tên của những “cô” voi và ngựa trắng chuyên phục vụ đám cưới kiểu truyền thống Ấn Độ trên đất Mỹ.

Chàng thanh niên Manan Shah ấp ủ một ước mơ từ thuở niên thiếu là xuất hiện thật nổi bật trong đám cưới của mình trên lưng một con voi. Năm ngoái, mơ ước ấy lại có dịp bùng lên sau khi anh xem bộ phim “bom tấn” của Ấn Độ, Haathi Mere Saathi, kể về một cậu bé làm bạn với những con voi.

 

Mới đây, đám cưới của một người họ hàng ở Ấn Độ, mà ở đó ông thấy chú rể ngồi trên lưng voi tiến đến chỗ cô dâu càng khiến mơ ước từ thuở thiếu thời của Manan Shah trở nên cháy bỏng.

 

“Biết đó là mơ ước cả đời của nó nên tôi đã quyết định giúp con trai biến giấc mơ thành hiện thực dù rất tốn kém,” bố của Manan Shah, ông Suresh Shah, nói. Gia đình ông đã định cư tại Mỹ từ hơn 30 năm nay.

 

5-6 năm trước, đây là mơ ước không thể thực hiện, nhưng giờ đã khác. Một vài người đã gọi điện cho một công ty chuyên tổ chức đám cưới, và Minnie, “cô” voi xám cân nặng 3.175kg, đang trên đường từ Connecticut tới Washington DC (Mỹ).

 

“Voi là mốt mới nhất, và vì không có nhiều voi phục vụ đám cưới ở Mỹ, nên cung luôn không đáp ứng kịp cầu, và giá thuê khá cao,” cô Sonal Shah, người điều hành công ty tổ chức sự kiện Save The Date ở Mỹ cho biết.

 

Mỹ "nhập khẩu" nghi lễ cưới từ Ấn Độ - 1

Một đám cưới truyền thống của người Ấn Độ, với chú rể ngồi trên lưng voi

 

Cũng theo cô Shah, giá thuê một con voi có thể lên tới 30.000 USD, tuỳ thuộc vào khoảng cách, nhưng dường như mọi người vẫn đủ khả năng chi trả. Những vị khách Ấn Độ giàu có ngày càng yêu cầu cô tổ chức những đám cưới lớn và cầu kỳ hơn.

 

Nở rộ thị trường dịch vụ đám cưới

 

Trên thực tế, ngành kinh doanh dịch vụ tổ chức đám cưới cho người Ấn Độ đang nở rộ trên khắp nước Mỹ. Các nghề “ăn theo”, như quay phim chụp ảnh, chuyên gia trang điểm và làm tóc, nghệ sĩ vẽ móng…, cũng có cơ hội kiếm tiền từ những đám cưới cao cấp của người Ấn Độ. Âm nhạc và những vũ điệu dùng cho đám cưới cũng phải theo phong cách Ấn Độ, với các DJ và biên đạo múa chuyên nghiệp.

 

Ông Kumar Singh, người có con trai vừa mới kết hôn, cho biết cách đây 10 năm, việc tìm được những thứ cần thiết để tổ chức một lễ cưới cầu kỳ theo truyền thồng của người Hindu không hề đơn giản ở Mỹ. Nhưng giờ đây thì hoàn toàn có thể tổ chức một đám cưới “rình rang” đúng như ở Ấn Độ ngay tại Mỹ.

 

Nhiều người tổ chức đám cưới không hề sinh ra hay lớn lên trong cộng đồng người Ấn, và sự nở rộ của ngành dịch vụ này có vai trò khuyến khích sự giao thoa văn hoá và góp phần quảng bá văn hoá truyền thống Ấn Độ với thế giới.

 

Gia đình Commerford đang sở hữu “cô” voi Minnie có truyền thống kinh doanh từ các loại vật suốt 35 năm qua, như tổ chức biểu diễn thú hay cho khách du lịch thuê ngựa pony và lạc đà để cưỡi.

 

“Năm ngoái chúng tôi đã nhận được cuộc gọi đầu tiên hỏi thuê voi để dùng trong một đám cưới truyền thống Ấn Độ, và sau đó chúng tôi nhận ra rằng đây là một cơ hội làm ăn đầy hứa hẹn,” ông Darlene Commerford nói.

 

5 năm trước, Midge Harmon, người sáng lập công ty Harmon's Hayrides giờ đây chuyên cho thuê ngựa trắng ở Virginia và Washington DC, thậm chí không biết tí gì về phong tục cưới của Ấn Độ mà ở đó chú rể tiến vào hôn trường trên lưng ngựa. Khi đó cô chỉ cho thuê ô tô dùng cho các đám cưới của người Mỹ, và không có một con ngựa trắng nào. Nhưng giờ thì cô có hẳn 3 “nàng”: Sadie, Cindy và Penelope.

 

“Nhu cầu rất lớn và tôi đã đầu tư cho việc huấn luyện chúng. Thậm chí tôi còn có đủ vải thêu kim tuyến và trang phục cưới truyền thống của Ấn Độ để cho thuê” cô Harmon tự hào nói. Giờ đây cô đã hiểu nhiều hơn về các phong tục tập quán của Ấn Độ và có thể phân biệt một đám cưới Sikh với một đám cưới Gujarati.

 

Giải thích về lý do tại sao ngành kinh doanh dịch vụ cưới theo truyền thống Ấn Độ gần đây lại nở rộ tại Mỹ, cô Midge Harmon cho biết những người Ấn Độ thế hệ thứ hai giờ đây đã đến tuổi lập gia đình và có nhiều người Ấn đang ở độ tuổi 20-30. “Họ có quốc tịch Mỹ, muốn kết hôn ở Mỹ, nhưng lại theo lễ nghi truyền thống của quê hương Ấn Độ. Đó là lý do các dịch vụ ra đời để giúp họ tổ chức đám cưới như ý muốn,” cô Harmon nói.

 

Hoàng Lê

Theo BBC