1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ nêu lý do đưa thêm quân tới Syria

Thành Đạt

(Dân trí) - Lầu Năm Góc thông báo Mỹ đã gửi thêm binh sĩ đến Syria để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng nhằm vào các lực lượng của Washington.

Mỹ nêu lý do đưa thêm quân tới Syria - 1

Các binh sĩ Mỹ bên cạnh xe bọc thép chở quân tại Syria (Ảnh: CBS News).

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder tuyên bố Mỹ hiện có khoảng 2.000 quân nhân tại Syria, không phải 900 quân như đã thông báo trước đó. Cơ cấu bao gồm, 900 quân nhân là lực lượng thường trực, còn 1.100 quân nhân được triển khai làm lực lượng tạm thời để tham gia nhiệm vụ hỗ trợ bảo vệ, vận chuyển, bảo dưỡng hoặc các yêu cầu hoạt động khác mới phát sinh, theo Lầu Năm Góc.

"Số lượng lực lượng tạm thời bổ sung này vẫn dao động trong vài năm qua dựa trên nhu cầu nhiệm vụ, nhưng nhìn chung đã tăng theo thời gian khi mối đe dọa đối với các lực lượng thường trực tăng lên", người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố vào ngày 23/12.

Trước đó, ông Ryder xác nhận lực lượng Mỹ được triển khai nhằm "tăng cường cho nhiệm vụ đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và có mặt ở đó trước khi chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad sụp đổ".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 14/12 thông báo phía Mỹ đã liên hệ với nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) và các nhóm đối lập khác ở Syria. Đây là lần đầu tiên chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công khai thừa nhận liên lạc với phe đối lập Syria.

HTS đã bị Mỹ liệt vào danh sách "tổ chức khủng bố nước ngoài" kể từ năm 2018 và Mỹ phần lớn tránh đàm phán với các nhóm như vậy. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng trừng phạt HTS vào năm 2014 vì lý do tương tự, đóng băng tài sản tài chính của họ ở nước ngoài và áp lệnh cấm vận vũ khí với HTS.

Tuy nhiên, ông Blinken đặt cuộc thảo luận với HTS trong bối cảnh các mục tiêu rộng lớn hơn của Mỹ cho tương lai của Syria.

Ông Blinken cũng cho biết đội ngũ của ông đã tìm kiếm sự hỗ trợ của HTS cho một "bộ nguyên tắc" mà các nhà ngoại giao từ Mỹ, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và 8 quốc gia thuộc Liên đoàn Ả Rập đã thảo luận về quá trình chuyển đổi chính phủ một cách hòa bình ở Syria.

Tuy nhiên, khó có khả năng Mỹ sẽ sớm đồng ý dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với HTS.

Cuối tháng 11, HTS và các nhóm đồng minh đã mở một chiến dịch tấn công lớn và nhanh chóng lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar Assad sau chưa đầy 2 tuần.

Hiện chưa rõ chính sách của phe đối lập, song lãnh đạo của lực lượng này phát tín hiệu cho thấy họ không mong muốn các cuộc xung đột, mà muốn tập trung tái thiết đất nước.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng đặt câu hỏi về lý do Mỹ cần duy trì sự hiện diện tại Syria. Vào năm 2019, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã ra lệnh rút quân Mỹ khỏi Syria, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Lầu Năm Góc và các cơ quan an ninh tại Washington. Cuối cùng, sự hiện diện hạn chế của Mỹ vẫn được duy trì trong khu vực.

Tuy nhiên, kể từ khi chính quyền Assad sụp đổ, ông Trump đã kiên quyết cho rằng Mỹ không nên có vai trò gì. Ông viết trên mạng xã hội: "Đây không phải là cuộc chiến của chúng ta".

Theo Sputnik