Mỹ lo ngại việc Nga nâng cấp máy bay do thám "Bầu Trời Mở"
Dù Nga chỉ mới có kế hoạch nâng cấp các thiết bị công nghệ điện tử trên các máy bay do thám phục vụ các chuyến bay thám thính theo Hiệp ước “Bầu Trời Mở”, giới chức an ninh và quốc phòng Mỹ đã tỏ ra lo lắng.
Một cuộc tranh luận đang diễn ra trong nội bộ nước Mỹ về vấn đề này, trong khi Nga cho rằng việc nâng cấp máy bay do thám sử dụng công nghệ kỹ thuật số nằm trong giới hạn cho phép của Hiệp ước “Bầu Trời Mở”.
Từ tháng 2-2016, Nga đã lên kế hoạch cho việc sử dụng các thiết bị công nghệ mới trên các máy bay Tupolev (gồm hai lớp Tu-214R và Tu-214ON) trong các chuyến bay do thám trên bầu trời Mỹ và Canada.
Ngày 18-2, Moscow đã nộp yêu cầu lên Ủy ban tham vấn “Bầu Trời Mở” tại Vienna yêu cầu cho phép các máy bay do thám trên bầu trời Mỹ và Canada được gắn các camera kỹ thuật số theo công nghệ mới để thay thế các camera cũ sử dụng phim ướt. Mỹ có 4 tháng để đưa ra quyết định có đồng ý cho phép Nga thực hiện việc này hay không.
Ông Mikhail Ulyanov, Cục trưởng Cục Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và Kiểm soát vũ khí Bộ Ngoại giao, khẳng định lý do chính của việc chuyển sang sử dụng các camera kỹ thuật số trên máy bay do thám là vì công nghệ phim ướt (phải rọi ảnh trong buồng tối) hiện nay đã lỗi thời, trên thế giới hiện không còn mấy nhà sản xuất loại phim ảnh này nữa. Nhiều nước cũng đang chuyển sang sử dụng camera do thám kỹ thuật số thay phim ướt cũng vì lý do này.
Xét về mặt kỹ thuật, việc Nga dự định lắp đặt các camera kỹ thuật số không vi phạm các điều khoản đã thỏa thuận trong Hiệp ước “Bầu trời mở”. Độ phân giải của các camera mới cải thiện độ nét khá nhiều so với thiết bị cũ, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
Mặt khác, các camera kỹ thuật số công nghệ cao khi được lắp trên các máy bay sẽ tạo thuận tiện rất nhiều cho hoạt động do thám. Vartan Shakhgedanov, kỹ sư trưởng phụ trách thiết kế hệ thống camera kỹ thuật số mới khẳng định, các kỹ thuật viên làm việc trên máy bay có thể trực tiếp quan sát các vị trí do thám theo thời gian thực, không phải qua quy trình xử lý hình ảnh như trước đây. Các camera kỹ thuật số mới sẽ cho phép Nga tiến hành hoạt động do thám nhanh hơn và hiệu quả hơn, độ tin cậy cao hơn.
Hiệp ước “Bầu Trời Mở” được ký kết vào năm 1992, có hiệu lực thi hành từ năm 2002, là một trong những giải pháp nhằm chấm dứt Chiến tranh lạnh giữa hai cực Đông-Tây. Tham gia ký kết Hiệp ước có 34 quốc gia trong đó bao gồm Mỹ, Nga, Canada và Liên minh châu Âu (EU).
Kể từ khi Hiệp ước “Bầu Trời Mở” có hiệu lực, Nga và Mỹ, giữa Nga và EU đã tổ chức nhiều chuyến bay do thám trên bầu trời của nhau. Mỗi năm, Nga và Mỹ thực hiện vài chuyến bay do thám.
Chẳng hạn, năm 2014 Nga thực hiện 5 chuyến bay, năm 2015 thực hiện 4 chuyến bay, và năm nay dự kiến bay 6 chuyến. Khi Nga thực hiện các chuyến bay do thám ở Mỹ và Canada, luôn luôn có từ 7 đến 10 nhân sự an ninh, tình báo Mỹ tháp tùng trên máy bay để bảo đảm thực thi đúng Hiệp ước đã ký kết. Về phía Mỹ và EU, số lượng chuyến bay cũng tương tự.
Các mục tiêu do thám của Mỹ ở Nga bao gồm các địa điểm nhạy cảm về quân sự và lãnh thổ, các cơ sở hạt nhân, khu công nghệ cao và khu vực xung quanh Moscow. Ở những khu vực nhạy cảm ở Chechnya và quanh Moscow, Nga đặt ra giới hạn độ cao cho phép máy bay do thám Mỹ được bay (không được quá thấp).
Những bất đồng giữa Mỹ và Nga về các trang thiết bị do thám mà Hiệp “Bầu Trời Mở” cho phép sử dụng không có gì mới, mà đã từng xảy ra từ cách đây hơn 2 năm. Tháng 9-2013, Mỹ đã từng ngăn chặn Nga lắp đặt một camera kỹ thuật số do Nga thiết kế trên các máy bay do thám “Bầu trời mở”.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, Nga đã chứng minh được tính năng sử dụng của chiếc camera do thám trên không do mình thiết kế là hợp lệ khi do thám trên bầu trời châu Âu. Lần này, Mỹ không thể viện lý do gì khác để tiếp tục ngăn cản Nga nâng cấp thiết bị do thám, sử dụng camera kỹ thuật số sau khi đã được chứng thực ở châu Âu.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, Mỹ buộc phải cho phép Nga sử dụng camera kỹ thuật số, vì hầu hết các quốc gia tham gia ký kết Hiệp ước “Bầu trời mở” đều ủng hộ xu hướng dùng camera kỹ thuật số để thay thế camera dùng phim ướt.
Vấn đề nằm ở chỗ, Mỹ lo ngại việc trang bị camera kỹ thuật số cho các máy bay do thám sẽ giúp Moscow cải tiến đáng kể năng lực công nghệ do thám trên không, khiến cho Mỹ mất đi ưu thế tuyệt đối trong việc thu thập dữ liệu tình báo chiến lược so với Nga.
Mặc dù có công nghệ, kỹ thuật quân sự tiên tiến, nhưng Mỹ vẫn luôn phụ thuộc vào Hiệp ước “Bầu trời mở” để thu thập dữ liệu tình báo liên quan đến nước Nga. Các thiết bị công nghệ cao trang bị trên các máy bay do thám của Mỹ cho phép nước này quan sát được nhiều mục tiêu, thu thập được nhiều dữ liệu hơn các vệ tinh.
Để xoa dịu cuộc tranh luận nội bộ đang diễn ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng đề nghị gắn camera kỹ thuật số của Nga chỉ là một nhượng bộ nhỏ mà nước Mỹ có thể làm được, và nó có thể giúp duy trì hiệu lực của Hiệp ước “Bầu trời mở”, vốn có ích lợi cho đồng minh EU nhiều hơn.
EU đã thực hiện nhiều chuyến bay “Bầu trời mở” trên không phận Ukraine và miền Tây Nga từ tháng 2-2014, thu thập được nhiều thông tin bổ ích trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây quanh cuộc khủng hoảng Ukraine. Chính vì vậy mà EU đã “nghĩ thoáng” hơn Mỹ và đã cho phép Nga bay do thám sử dụng camera kỹ thuật số cải tiến từ hơn một năm qua.
Theo Nguyên Khang (tổng hợp)
An ninh thế giới