Mỹ lại "dậy sóng" khi ông Trump dọa dùng vũ lực ngăn chặn người di cư
Tổng thống Mỹ Trump cảnh báo sẽ đóng cửa toàn bộ biên giới với Mexico, thậm chí cho phép quân đội sử dụng “vũ lực” ngăn người di cư.
Tổng thống Mỹ Trump hôm 22/11 cảnh báo sẽ đóng cửa toàn bộ biên giới với Mexico, thậm chí “bật đèn xanh” cho quân đội sử dụng “vũ lực” nếu tình hình vượt quá kiểm soát, trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại rằng hàng nghìn người di cư từ Trung Mỹ có thể gây ra bạo lực và hỗn loạn, đe dọa tới an ninh biên giới.
Lý giải cho lựa chọn này, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông dường như không còn cách nào khác, khi trong đoàn người di cư Trung Mỹ đang chuẩn bị tràn vào Mỹ có “ít nhất 500 tội phạm nguy hiểm”.
Cách đây 2 ngày, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh đóng cửa biên giới trong thời gian ngắn để lắp đặt các hàng rào mới chặn người di cư và dự kiến thời điểm Mỹ có thể đóng cửa hoàn toàn biên giới với Mexico là vào đầu tháng 12 tới. Cụ thể, các tuyến đường từ thành phố Tijuana thuộc bán đảo Baja California (Mexico) qua thành phố San Diego, bang California (Mỹ) bị đóng cửa “nhằm lắp đặt thêm vật liệu tăng cường an ninh cửa khẩu”.
Bên cạnh việc siết chặt an ninh biên giới, nhà lãnh đạo Mỹ cũng vừa nhất trí cho phép quân đội mạnh tay hơn với dòng người di cư từ Trung Mỹ hiện cắm trại phía bên kia biên giới Mexico.
Những bước đi mới nhất này của Mỹ càng thể hiện rõ quyết tâm của chính quyền Washington muốn quân đội đóng vai trò tích cực hơn trong việc ngăn đoàn người di cư tràn qua biên giới Mỹ. Thậm chí Tổng thống Mỹ cũng vừa lên tiếng cảnh báo chính phủ Mỹ có thể phải đóng cửa vào tháng 12 vì vấn đề an ninh biên giới với Mexico, trong đó liên quan tới việc xây dựng bức tường biên giới.
Trong một động thái mới nhất nhằm kiềm chân di dân, chính phủ Mỹ còn đang xem xét chính sách mới là buộc người di cư muốn xin tị nạn Mỹ phải chờ đợi ở Mexico trong lúc đơn của họ được duyệt xét.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động ủng hộ quyền lợi người di cư phản đối mạnh mẽ những bước đi mới của chính phủ Mỹ, cho rằng Nhà Trắng đang tăng cường sức mạnh chống lại người di cư và tạo ra môi trường thù địch có thể dẫn đến đối đầu chết người.
Ông Eduardo Sisosa giới chức Ủy ban Nhân quyền Mexico cho biết: “Cái đang bị bỏ lỡ đó chính là luồng thông tin để những người nhập cư thấy rõ được sự lựa chọn của họ. Nếu họ muốn qua biên giới, họ phải có tên trong danh sách hợp pháp và nhận thức rõ được hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư của nước sở tại”.
Hiện không ít người dân Mexico cũng đang tỏ ra hết sức lo ngại về việc đoàn người di cư sẽ ở lại nước này, có thể kéo theo một cuộc khủng hoảng di cư với nhiều hệ lụy một khi Mỹ kiên quyết không chịu để bất kỳ người di cư nào đặt chân vào nước Mỹ thông qua việc đóng cửa biên giới với Mexico. Bởi lẽ, từ xưa đến nay, chuyện Mỹ đóng cửa biên giới với Mexico rất hiếm xảy ra khi đây là một trong những biên giới bận rộn nhất thế giới với hàng chục nghìn người Mexico qua Mỹ mỗi ngày để học tập và làm việc.
Vấn đề người nhập cư bất hợp pháp tìm kiếm tị nạn ở Mỹ cũng đang là tâm điểm tranh cãi nảy lửa giữa các thẩm phán Mỹ và Nhà Trắng. Bất đồng nảy sinh khi chính quyền của Tổng thống Trump bị các cấp toà án chặn sắc lệnh cấm người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ bằng việc nộp đơn xin tị nạn. Người đứng đầu nước Mỹ hôm 22/11 đã lên tiếng chỉ trích hệ thống tòa án nước này, cáo buộc các thẩm phán đang làm cho nước Mỹ trở nên không an toàn.
Trên trang cá nhân mạng xã hội Twitter, Tổng thống Donald Trump đã đăng hàng loạt dòng tweet công kích các thẩm phán không có thẩm quyền xây dựng luật an ninh tại biên giới hoặc bất kỳ đâu, nhấn mạnh giới chức thực thi pháp luật cần phải được cho phép làm nhiệm vụ của mình, nếu không sẽ chỉ mang lại tình trạng hỗn loạn, lộn xộn, bạo lực và thương vong.
Một thực tế không thể phủ nhận, vấn đề tiếp nhận người nhập cư đang là vấn đề nổi cộm trong nhiều cuộc tranh cãi chính trị, thậm chí có thể gây chia rẽ nội bộ một nước, mà điển hình ở đây là Mỹ. Lập trường cứng rắn đối với người nhập cư trái phép của Tổng thống Trump vốn được cho là góp phần giúp ông trúng cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và cũng được xem là phép thử chính trị quan trọng của nhà lãnh đạo này trên con đường “thay đổi nước Mỹ”.
Tuy vậy, có vẻ như chính sách nhập cư theo kiểu mạnh tay này lại không mấy được lòng dân, khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump bị sụt giảm đáng kể thời gian qua. Và việc Tổng thống Mỹ nhiều lần thất bại trong việc ban hành các chính sách, sắc lệnh về vấn đề nhập cư phần nào phản ánh rõ thực tế chia rẽ đã sớm xuất hiện ngay trong lòng nước Mỹ hay chính trong Nhà Trắng./.
Theo Phương Anh
VOV1