1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ: Hàng chục hành khách đứng nhìn thanh niên bị đâm hơn 30 nhát

(Dân trí) - Một thanh niên tại Mỹ bị sát hại dã man trên tàu điện ngầm Washington hôm 4/7, với khoảng 30-40 nhát dao đâm giữa lúc cả chục người xung quanh đứng nhìn. Vụ việc đang khiến dư luận Mỹ tranh luận mạnh mẽ về việc liệu các nhân chứng có nên can thiệp.

Vụ việc xảy ra hồi thứ Bảy tuần trước vẫn đang gây xôn xao dư luận Mỹ. Theo tờ Bưu điện Washington, nghi phạm Jasper Spires lên chuyến tàu vào khoảng 13 giờ (giờ địa phương) tại khu vực Đại lộ Rhode Island để hướng tới các địa điểm tổ chức ăn mừng ngày Độc lập 4/7.

Nghi phạm Jasper Spires (Ảnh: Police Dept.)
Nghi phạm Jasper Spires (Ảnh: Police Dept.)

Sau khi tàu khởi hành được khoảng 3 phút, Spires, 18 tuổi, đã tìm cách giật điện thoại di động đeo ở hông của một thanh niên vừa tốt nghiệp đại học Hoa Kỳ. Theo cảnh sát, Spires khi đó có dấu hiệu đang phê ma túy tổng hợp. Ẩu đả xảy ra sau đó.

Cảnh sát và các nhân chứng cho biết những người xung quanh dạt ra hai đầu toa tàu, trong khi Spires đấm Kevin Joseph Sutherland, 24 tuổi, cho đến khi người này ngã xuống sàn. Sau đó, nghi phạm liên tục đâm nạn nhân, khoảng 30 – 40 lần vào ngực, bụng, lưng, bên hông, tay.

Sau khi nạn nhân bất động, nghi phạm còn dùng dao, uy hiếp những hành khách khác để cướp tài sản.

Vô cảm hay khôn ngoan?

Vụ việc đang khiến dư luận Mỹ tranh cãi sôi nổi về việc các nhân chứng còn lại lẽ ra nên làm gì? Trên các diễn đàn tràn ngập những bình luận, đưa ra những cách thức phản ứng khác nhau.

Spires, theo mô tả của cảnh sát cao khoảng 1m65, nặng chừng hơn 60kg, rõ ràng không phải một người cao lớn. Trong khi đó, trên toa tàu điện ngầm có khoảng 10 người. Đây chính là một trong những yếu tố khiến nhiều người cho rằng các hành khách đã vô cảm, và tin rằng vụ việc phản ánh những gì đang diễn ra khắp nước Mỹ.

Nạn nhân Sunderland vừa tốt nghiệp đại học (Ảnh: WP)
Nạn nhân Sunderland vừa tốt nghiệp đại học (Ảnh: WP)

Cảnh sát Mỹ thì luôn kêu gọi các nhân chứng tránh đối đầu với tội phạm có vũ khí.

Trên mạng xã hội Reddit cũng như bất kỳ đâu có thảo luận về đề tài này, rất nhiều “người dũng cảm” ẩn danh lên tiếng.

“Tôi hầu như lúc nào cũng ra đường với một chiếc ba lô. Giả sử tôi chọn “chống lại” (mà tôi nghĩ mình sẽ làm vậy, tôi không có nhiều thứ để mất như nhiều người khác), tôi sẽ dùng nó để đánh kẻ tấn công, một bình luận viết.

“Là một người cao lớn và từng chứng kiến nhiều vụ bạo lực hơn những nam giới khác, tôi có lẽ sẽ thử tìm cách giúp/bảo vệ mình. Nhưng tôi cũng mang theo một sợi xích phòng thân (nắm đấm khỉ)”, một người giấu mặt trực tuyến khác tuyên bố.

Ngay cả người trông trẻ của tôi, cô Teresa còn nghĩ rằng cô ấy sẽ phải hành động. “Tôi sẽ quát tháo hắn ta”, cô ấy nói khi mới tới nhà tôi tuần này. “Mọi người ở đất nước này cần quát tháo nhau nhiều hơn. Tôi sẽ làm như vậy. Làm sao người ta cứ để mọi chuyện diễn ra mà không nói nửa lời?”, một phụ nữ bình luận.

Trên thực tế, các nhân chứng đã hành động. Một người đàn ông cho biết mình và vợ đã chứng kiến vụ việc, và bản thân tìm cách nhấn nút gọi cho lái tàu, còn vợ gắng chạy sang toa kế bên để báo cho nhân viên trên tàu. Tuy vậy, hung thủ đã giơ dao lên yêu cầu người đàn ông “im ngay”.

Khi nạn nhân tử vong, nhân chứng cho biết ông đã đỡ lấy đầu của người này.

Ông và vợ mình đã hàng giờ liền tự căn vặn liệu họ đã có thể làm gì. Cảnh sát thì khẳng định vợ chồng họ đã hành động đúng.

Chắc chắn việc liều mình xông vào ngăn cản một vụ tấn công bằng dao luôn nguy hiểm. Có rất nhiều người phải khóc thương người thân và ước rằng họ đã không cố gắng đánh cược sinh mạng để cứu người khác.

Nhưng cũng có rất nhiều người thấy khó chấp nhận việc không hành động gì. Nếu những hành khách trên chuyến bay 93 của hãng United không chống cự những kẻ khủng bố ngày 11/9/2001, máy bay của họ có thể đã lao xuống Nhà Trắng hoặc tòa nhà Quốc hội, khiến thêm hàng trăm người thiệt mạng.

Còn những người từng trong cuộc nói gì? Dylan Rawls, 31 tuổi, một nhân viên văn phòng đã xông vào ngăn chặn một vụ ẩu đả hồi tháng 5 năm ngoái, khi đang trên đường ra chỗ đậu xe. Cảnh sát cho biết nhờ hành động của Rawls, nạn nhân đã bảo toàn được tính mạng.

“Tôi đã nghĩ lại về buổi tối hôm đó cả triệu lần. Tôi nghĩ rằng: “Thật ngu ngốc. Tôi đã không suy nghĩ”, Rawls nói. “Nhưng chuyện đó đã xảy ra. Tôi hành động mà không suy nghĩ. Nếu tôi dừng lại và nghĩ về nó, cân nhắc thiệt hơn, nếu tôi có đủ thời gian để phản ứng, có thể tôi đã tự khiến mình lo sợ và sẽ không giúp đỡ”.

Rawls chưa từng qua huấn luyện đối kháng, cũng không học võ, “trừ khi việc xem phim võ thuật cũng được tính là học võ”, anh nói vui. Công việc hàng ngày của Rawls suốt cả ngày chỉ xoay quanh giấy tờ.

Suốt cả tuần qua, anh đã nghĩ về vụ án trên tàu điện ngầm và những người chứng kiến. Anh và bạn mình thử đưa ra các giả thuyết. Liệu có thể đoạt con dao đó với một chiếc cặp? Liệu có thể quật ngã kẻ tấn công?

Rawls không dám chắc và có chút giận dữ với bình luận của những “người hùng bàn phím” khi chỉ trích các nhân chứng.

“Tôi không muốn ai quá hà khắc”, Rawls nói. “Bạn thực sự không thể biết trừ khi bạn có mặt ở đó”.

Thanh Tùng
Theo Washington Post