1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ “gặt hái” lớn nhờ bán vũ khí cho châu Á

(Dân trí) – Chiến lược xoay trục an ninh sang châu Á – Thái Bình Dương đã giúp các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Mỹ “vớ bẫm” từ hàng loạt hợp đồng buôn bán vũ khí và thiết bị chiến tranh với nhiều quốc gia châu Á.

 

Tranh chấp biển đảo càng nóng, Mỹ càng có đất xuất khẩu vũ  khí sang châu Á – Thái Bình Dương.
Tranh chấp biển đảo càng nóng, Mỹ càng có đất xuất khẩu vũ  khí sang châu Á – Thái Bình Dương.

Gặt hái lớn trong năm 2012

Theo số liệu công bố ngày đầu năm mới 1/1/2013, trong tài khóa 2012, tổng giá trị các hợp đồng bán vũ khí do Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ phụ trách đạt doanh số lên tới 13,7 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2011, chưa kể các hợp đồng đang trong quá trình thương thảo.

Trong đó, riêng các hợp đồng bán vũ khí cho Ấn Độ chiếm tới 8 tỷ USD, tăng vọt từ con số gần như bằng 0 hồi năm 2008. Mỹ dự kiến xuất khẩu vũ khí sang Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới do New Delhi có chủ trương chi tới 100 tỷ USD trong thập niên tiếp theo cho kế hoạch nâng cấp kho thiết bị chiến tranh.

Ngoài Ấn Độ, đồng minh Nhật Bản ở Đông Bắc Á cũng là một trong các thị trường "hút" các hợp đồng bán vũ khí của Mỹ. Trước những diễn biến ngày càng căng thẳng liên quan đến các tuyên bố và hành động gần đây của các nước trong khu vực, từ Trung Quốc, Hàn Quốc đến Triều Tiên, Nhật Bản đã quyết định chọn loại máy bay đa năng F-35 thay thế cho phi đội máy bay F-4 già nua của mình với tổng giá trị hợp đồng đã ký và sẽ ký lên tới 5 tỷ USD.

Trong khi đó, tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ nhận được hợp đồng 1,85 tỷ USD trang bị hệ thống radar hiện đại cho toàn bộ 145 máy bay F-16 của Đài Loan.

Trong tháng cuối cùng của năm 2012, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã đề nghị Quốc hội phê chuẩn kế hoạch bán cho Hàn Quốc 4 máy bay do thám hiện đại không người lái Global Hawk (RQ-4) với giá 1,2 tỷ USD. Đây là nước đầu tiên ở châu Á – Thái Bình Dương được mùa máy bay Global Hawk của Mỹ, mặt hàng hiện cũng đang được Australia, Nhật Bản và Singapore để mắt.

Ngoài Global Hawk, Hàn Quốc và Singapore đang cân nhắc đặt mua máy bay F-35 của Mỹ, trong khi Đài Loan tiếp tục tìm kiếm thêm các hợp đồng sắm máy bay F-16 hiện đại, bất chấp phản đối của Trung Quốc đại lục.

Ở Trung Đông, một số nước vùng Vịnh vẫn tiếp tục là bạn hàng lớn của các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Mỹ. Điển hình trong số này phải kể đến  A-rập Xê-út với hợp đồng lớn chưa từng có 29,4 tỷ USD mua máy báy F-15 của hãng Boeing.

Như vậy, tính trong cả năm 2012, Quốc hội Mỹ nhận được tổng cộng 65 đơn mua vũ khí của các nước và vùng lãnh thổ, với tổng trị giá hơn 63 tỷ USD. Con số này thấp hơn mức 66,3 tỷ USD của năm 2011, nhưng nếu tính cả các hợp đồng do Văn phòng Bộ Ngoại giao Mỹ trực tiếp xử lý, tổng giá trị bán vũ khí của Mỹ trong năm qua tăng với tốc độ chóng mặt. Hơn 85.000 giấy phép bán vũ khí được cấp, ghi dấu kỷ lục mới ở quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đàu thế giới này.

Tiếp tục đà tiến trong năm 2013

Các chuyên gia dự báo, trong năm 2013 và nhiều năm tới, nhu cầu mua vũ khí của thế giới sẽ tiếp tục tăng mạnh, nhất là trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo nhiều khả năng sẽ tiếp tục căng thẳng hơn tại khu vực châu Á -  Thái Bình Dương.

Tranh chấp biển đảo càng nóng, Mỹ càng có đất xuất khẩu vũ  khí sang châu Á – Thái Bình Dương.
Máy bay Tia chớp II thuộc dòng F-35 của Mỹ thả bom thông minh có gắn bộ điều khiển quỹ đạo ở phần đuôi JDAM GBU-32 trên biển Đại Tây Dương trong cuộc thử nghiệm ngày 8/8/2012.

“Chiến lược xoay trục sẽ tiếp tục đem lại cơ hội béo bở cho ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của chúng tôi. Doanh số bán máy bay, hệ thống phòng thủ tên lửa và những thiết bị tối tân khác sẽ tăng vọt nhờ các hợp đồng bán vũ khí cho nhiều quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương”, Phó Giám đốc phụ trách an ninh thuộc Hiệp hội Công nghiệp Vũ trụ Mỹ, ông Fred Downey nhận định.

Hiệp hội này là một trong các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu ở Mỹ, tập hợp nhiều tập đoàn cung cấp vũ khí cho Lầu Năm Góc như Lockheed Martin, Boeing và Northrop Grumman.

Cũng theo ông Fred Downey, các hợp đồng chủ yếu đến từ các nước láng giềng của Trung Quốc và Triều Tiên do lo ngại về các hành vi gây hấn của hai nước này. Với Trung Quốc, đó là việc Bắc Kinh không ngừng gia tăng áp lực tại Biển Đông và Hoa Đông. Còn với Triều Tiên là kế hoạch phát triển tên lửa đạn đạo và chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

“Nhu cầu mua sắm vũ khí Mỹ được kỳ vọng tiếp tục bùng nổ trong ít nhất vài năm tới”, Hiệp hội Công nghiệp Vũ trụ Mỹ nhận định trong báo cáo đánh giá công bố cuối năm 2012.

Cũng theo báo cáo này, tâm lý lo ngại về mức tăng mạnh chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc sẽ thôi thúc nhiều quốc gia Đông Á và Nam Á mua thêm vũ khí của Mỹ. Tổng giá trị các hợp đồng mới đủ để giúp Mỹ khỏa lấp phần hao hụt từ sự sụt giảm mua sắm vũ khí của châu Âu do tác động của bão nợ công.

“Triền vọng tăng mạnh các hợp đồng bán vũ khí cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ làm nhẹ gánh nỗi lo ám ảnh về nguy cơ thâm thủng doanh số do tình hình kinh tế ảm đạm ở châu Âu”, một trong các quan chức hàng đầu ở Văn phòng Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Andrew Shapiro, phát biểu hôm 5/12/2012.

Đô đốc hải quân Samuel Locklear thuộc hạm đội Thái Bình Dương Mỹ ở Hawaii cũng tiết lộ Lầu Năm Góc dự định sẽ tập trung đẩy mạnh các hợp đồng bán thiết bị nhận dạng thông minh và máy bay do thám không người lái nhằm hạn chế thương vong về người.

Theo tính toán của các nhà sản xuất vũ khí Mỹ, bốn tập đoàn Lockheed, Boeing, Northrop và Raytheon sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ chủ trương này của Lầu Năm Góc, vì đều là những tập đoàn có thế mạnh trong sản xuất vệ tinh, radar, trạm theo dõi hoạt động vệ tinh và máy bay đánh chặn tên lửa.

Linh Giang
Theo Reuters, AFP