1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ đòi Nga phá hủy hệ thống tên lửa mới

(Dân trí) - Mỹ hôm nay đã kêu gọi Nga phá hủy một hệ thống tên lửa hành trình mới mà Washington nói là “vi phạm trực tiếp và liên tục” Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), và cáo buộc Moscow gây bất ổn cho an ninh toàn cầu.

Mỹ đòi Nga phá hủy hệ thống tên lửa mới  - 1

Đại sứ Mỹ về giải trừ quân sự Robert Wood (Ảnh: Reuters)

 

Reuters ngày 21/1 đưa tin, phát biểu tại một hội nghị về giải trừ quân bị do Liên hợp quốc bảo trợ ở Geneva (Thụy Sĩ), Đại sứ Mỹ về giải trừ quân sự Robert Wood cho hay, hệ thống tên lửa hành trình mới của Nga có khả năng mang cả đầu đạn hạt nhân lẫn thông thường và gây ra “mối đe dọa mạnh mẽ và trực tiếp đối với châu Âu và châu Á” vì nó có tầm xa từ 500 đến 1.500km.

“Không may là Mỹ ngày càng nhận thấy rằng Nga không đáng tin cậy trong việc tuân thủ các nghĩa vụ kiểm soát vũ khí và các hành động cưỡng ép và nguy hiểm của nước này khắp toàn cầu đã làm gia tăng căng thẳng”, ông Wood nói.

Phái đoàn Nga không có phản ứng tức thì nào tại diễn đàn Geneva gồm 65 quốc gia thành viên.

Theo ông Wood, Nga đã phóng thử “tên lửa trái phép”, được biết tới với tên gọi SSC-8/9M729, và không có các bước đi thích hợp nhằm quay lại việc tuân thủ hiệp ước INF.

“Nga phải phá hủy một cách có kiểm chứng tất cả các tên lửa SSC-8, các bệ phóng và thiết bị liên quan để quay trở lại tuân thủ Hiệp ước INF”, ông nói, tái khẳng định kế hoạch của chính quyền Mỹ Donald Trump nhằm rút khỏi thỏa thuận năm 1987 vào đầu tháng 2 tới.

 Ngoài ra, ông Wood cũng chỉ trích sự ủng hộ của Nga đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và việc Moscow cung cấp cho Iran các vũ khí tiên tiến như hệ thống phòng thủ tên lửa S-300.

Cũng theo ông Wook, vụ đầu độc nhằm vào cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia tại Anh hồi tháng 3 năm ngoái cho thấy “hành động liều lĩnh” của Nga và sự thất bại trong việc tuân thủ các nghĩa vụ của nước này theo Hiệp ước INF vốn cấm sử dụng vũ khí hóa học.

Anh cáo buộc các nhân viên tình báo quân đội Nga liên quan tới vụ đầu độc trên, nhưng Moscow kịch liệt bác bỏ mọi sự liên quan trong vụ việc.

Hiệp ước INF được ký kết giữa Mỹ và Liên Xô vào năm 1987 nhằm loại bỏ tên lửa đạn đạo thông thường và hạt nhân phóng từ mặt đất, cũng như tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500-5.000km. Mỹ đã tuyên bố sẽ rút hỏi Hiệp ước vào đầu tháng 2 tới, dựa trên lý do Nga không tuân thủ các điều khoản của hiệp ước này.

An Bình