1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ đặt điều kiện bỏ cấm vận Nga cuối năm nay

Các lệnh trừng phạt Nga có thể được dỡ bỏ một cách phù hợp khi thỏa thuận Minsk được thực hiện đầy đủ.

Ngày 22/1, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức ở thành phố Davos (Thụy Sĩ), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, ông tin rằng với sự nỗ lực và thiện chí từ cả hai phía, các thỏa thuận Minsk về Ukraine có thể được thực thi trong những tháng tới, để cho phép dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Mỹ đặt điều kiện bỏ cấm vận Nga cuối năm nay - 1

Mỹ có thể dỡ bỏ các lệnh cấm vận chống Nga ngay trong năm 2016

Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết, ông cùng Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp gỡ Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko để đảm bảo việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk.

Trước đó, hôm 17/1, điều phối viên về chính sách trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ Daniel Fried cũng tuyên bố những lệnh trừng phạt mà nước này áp đặt nhằm vào Nga có thể được được dỡ bỏ trong năm nay và điều này có thể xảy ra nếu Moscow chứng tỏ quyết tâm đạt được một giải pháp cho cuộc xung đột vũ trang tại miền Đông Ukraine thông qua các kênh ngoại giao.

Trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, ông Fried nêu rõ: "Ngay khi thỏa thuận Minsk được thực thi, các cuộc bầu cử tại Donbass sẽ được tổ chức, các hoạt động quân sự sẽ chấm dứt và biên giới phía Đông của Ukraine sẽ được khôi phục. Dường như Nga hiện đang chuẩn bị một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này. Chúng ta chỉ có thể hoan nghênh và hy vọng rằng điều này sẽ đạt được trong năm nay".

Theo ông, việc dỡ bỏ trừng phạt Nga có thể diễn ra trước cuối năm nay nếu Nga quyết tâm tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Donbass.

Tương tự, đồng minh của Mỹ là Liên minh châu Âu (EU) cũng gắn việc dỡ bỏ trừng phạt Nga với việc thực hiện các thỏa thuận Minsk, vốn đã được Ukraine và các nền cộng hòa tự xưng ở Donbass đặt bút ký.

Từ tháng 3/2014, một loạt các nước châu Âu đã bắt đầu thực hiện các lệnh cấm vận chống lại Nga sau khi cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình Ukraine và nhất là sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea.

Các lệnh cấm vận chống Nga của Mỹ và phương Tây bao trùm một loạt lĩnh vực, từ năng lượng, quốc phòng, tài chính, thương mại… Mỹ là quốc gia đầu tiên ban hành các lệnh cấm vận chống Nga có hiệu lực trong một năm, sau đó đến EU tuyên bố thực hiện bước đi này.

Đến cuối năm 2015, Mỹ và các nước châu Âu lại quyết định kéo dài các lệnh cấm vận chống Nga đến hết ngày 31/7/2016.

Để đáp trả các lệnh cấm vận này của Mỹ, EU và các nước khác, tháng 8/2014 Nga cũng ban hành một loạt các lệnh cấm vận lương thực nhằm vào Mỹ, các nước EU, Australia, Canada và Na Uy. Đến tháng 6/2015, Nga đã quyết định sẽ kéo dài thời hạn các lệnh cấm vận này thêm một năm nữa.

Theo Minh Thái (Tổng hợp)

Đất Việt