1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ-Cuba bước sang trang mới: Di sản đối ngoại để đời của ông Obama

(Dân trí) - Quan hệ thù địch Mỹ - Cuba là một trong những di chứng cuối cùng còn sót lại của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ông Obama đã là người dũng cảm xóa bỏ nó bất chấp sự phản đối dữ dội của đảng Cộng hòa và một bộ phận dư luận Mỹ, ông Obama sẽ được lịch sử ghi nhận là vị tổng thống Mỹ đã chấm dứt Chiến tranh Lạnh ở Mỹ Latinh.


Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro ngồi cạnh nhau xem một trận bóng chày ở Havana ngày 22/3 (Ảnh: AFP)

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro ngồi cạnh nhau xem một trận bóng chày ở Havana ngày 22/3 (Ảnh: AFP)

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến công du đến Cuba trong 3 ngày từ 20 đến 22/3, với sự đón tiếp nồng nhiệt của chính phủ và nhân dân Cuba. Đây là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm chính thức Cuba kể từ năm 1928.

Chuyến thăm cùng với những động thái ngoại giao trước đó đã khép lại hơn nửa thế kỷ thù địch giữa hai quốc gia láng giềng chỉ cách nhau hơn 100 km. Đã có nhiều cách đánh giá khác nhau, nhưng giới nghiên cứu và dư luận đều quan tâm đến các điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm lịch sử này.

“Chủ nghĩa Obama” về đối ngoại

Dư luận hẳn còn nhớ, tại cuộc họp báo sau khi Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ (OAS) kết thúc (10/4/2015), phóng viên Chuck Todd của kênh truyền hình NBC đã đề nghị Tổng thống Mỹ Obama mô tả “Chủ nghĩa Obama” về chính sách đối ngoại, ông đã trả lời:

Nguyên tắc số 1, Mỹ vẫn là quốc gia mạnh nhất và giàu có nhất trên hành tinh. Tuy nhiên, nước Mỹ không thể một mình đối mặt với các băng đảng buôn bán ma túy, biến đổi khí hậu, chống khủng bố…

Nguyên tắc số 2, nước Mỹ đang sung sức và Mỹ đại diện cho một loạt các giá trị và lý tưởng toàn cầu về dân chủ, tự do ngôn luận, tôn giáo, nhân quyền… Tuy nhiên, Mỹ vẫn tôn trọng những nền văn hóa khác biệt, triển vọng khác biệt và có lịch sử khác biệt.

Cũng trong lần xuất hiện đầu tiên trước LHQ (9/2009) ông Obama đã cam kết “hành động mạnh dạn và mang tính tập thể nhân danh công lý và sự thịnh vượng cả ở trong và ngoài nước”. Trong số những sáng kiến táo bạo mà Tổng thống Mỹ đề cập trong bài phát biểu, trong đó có việc đóng cửa nhà tù Vịnh Guantanamo và nối lại quan hệ với Cuba. Và giờ đây ông đã, đang và sẽ làm điều đó.

Như vậy, theo chủ thuyết ngoại giao Obama, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục cống hiến cho các giá trị của tự do và dân chủ, nhưng ngày càng miễn cưỡng là một nước bá chủ toàn cầu, và nói chung, Mỹ nghiêng mạnh về việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.

Vì thế, chuyến thăm Cuba của ông Obama thực sự là một trong những điểm nhấn quan trọng của chính sách ngoại giao của Chính quyền Mỹ và xứng đáng được ghi nhận trong hai nhiệm kỳ ở Nhà Trắng của ông.

Sự khác biệt về ý thức hệ và tư tưởng có thể vẫn tồn tại, nhưng về kinh tế thì chính sách ngoại giao Obama sẽ mang lại những lợi ích rất to lớn, cụ thể và thiết thực cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Và điều quan trọng hơn là nước Mỹ đã dần khôi phục lại quan hệ với Mỹ Latin nơi đã từng được coi là “sân sau” của Mỹ.

Ngay từ khi tranh cử vào Nhà Trắng (2008), ông Obama khẳng định: “Đã đến lúc phải lật sang một trang mới, bỏ lại phía sau sự ngạo mạn của Washington và chủ nghĩa chống Mỹ trong khu vực đã làm cản đường tiến bộ”. Đã nói là làm, và giờ đây ông đã thực hiện được lời cam kết của mình.

Quan hệ thù địch Mỹ - Cuba là một trong những di chứng cuối cùng còn sót lại của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ông Obama đã là người dũng cảm xóa bỏ nó bất chấp sự phản đối dữ dội của đảng Cộng hòa và một bộ phận dư luận Mỹ, ông Obama sẽ được lịch sử ghi nhận là vị tổng thống Mỹ đã chấm dứt Chiến tranh Lạnh ở Mỹ Latinh.

Trước đó, thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 cũng được ghi nhận là thành công sáng chói của ngoại giao đa phương theo chủ thuyết Obama. Trong đó, vai trò của Washington và Tehran là cực kỳ quan trọng, thậm chí báo giới còn đánh giá là một kiệt tác ngoại giao.


Chủ tịch Cuba tiễn Tổng thống Obama ra sân bay để rời Havana hôm 22/3 (Ảnh: AP)

Chủ tịch Cuba tiễn Tổng thống Obama ra sân bay để rời Havana hôm 22/3 (Ảnh: AP)

Những di sản lớn “đáng nể”

Năm 2009, khi ông Obama làm Tổng thống nước Mỹ chưa đầy 9 tháng, ông được trao giải Nobel Hòa bình. Khi đó, cả thế giới ngỡ ngàng với sự lựa chọn của Ủy ban Nobel Na Uy, bởi khi đó ông Obama chưa làm được bất cứ điều gì, ngoại trừ những lời tuyên bố.

Giải thích về lý do lựa chọn ông Obama, Ủy ban Nobel Na Uy cho rằng “vì những nỗ lực phi thường của ông ấy nhằm tăng cường sức mạnh ngoại giao quốc tế và sự hợp tác giữa các dân tộc”.

Giờ đây, các thành viên Ủy ban Nobel Na Uy chắc hẳn cũng thở phào nhẹ nhõm vì sau 7 năm, quyết định gây tranh cãi, bị nhiều người cho là “quá vội vã” và “không xứng đáng” vào lúc đó của họ, thì cuối cùng cũng được chứng minh là hợp lý.

Trong bài phát biểu tại Đại sứ quán Mỹ ở Havana, điểm dừng chân đầu tiên của ông Obama trong chuyến công du 3 ngày. Ông đã nhấn mạnh: “Đây là cơ hội lịch sử để gắn kết trực tiếp với người dân Cuba”. Ông còn hài hước rằng: “Tổng thống Coolidge đến đây trên tàu chiến. Ông ấy phải mất 3 ngày để tới nơi, nhưng tôi chỉ mất 3 giờ đồng hồ”.

Giới truyền thông cho biết, quang cảnh thật náo nhiệt, người dân Cuba ùa ra đường chào đón phái đoàn của Tổng thống Obama, họ đứng kín lề đường hoặc quan sát từ ban công của các tòa nhà. Khi trông thấy gia đình đệ nhất, họ hô vang khẩu hiệu: “Fidel muôn năm, Obama muôn năm”.

Dù đâu đó vẫn còn có tiếng chê bai ông Obama là một Tổng thống yếu đuối trong nhiều vấn đề quốc tế trọng yếu như, giải quyết vấn đề xung đột Syria, quan hệ với Nga, an ninh Biển Đông… Tuy nhiên, thỏa thuận hạt nhân Iran, việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba, ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… là những di sản mà ông Obama có thể tự hào.

Như vậy, sau hơn 7 năm cầm quyền, Tổng thống Obama đã để lại dấu ấn về một “Chủ nghĩa Obama” về ngoại giao. Đúng như lời nhận xét của Ủy ban Nobel Na Uy rằng: Yếu tố quan trọng nhất chính là xây dựng hòa bình bằng “ngoại giao và hợp tác quốc tế”.

Quang Huy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm