1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Ngoài áp thuế, Mỹ có thể tung các đòn thương mại mới với Trung Quốc

(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng ngoài biện pháp áp thuế, Mỹ còn có một loạt biện pháp thương mại khác có thể gây tác động lớn đối với Trung Quốc trong cuộc chiến giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp bên lề hội nghị Thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này, các chuyên gia dự đoán rằng 2 nhà lãnh đạo có thể bàn bạc về một thỏa thuận nhằm giảm nhiệt cuộc chiến thương mại. Phía Washington cũng cảnh báo sẽ gây thêm áp lực nếu Trung Quốc không đưa ra những đề xuất hợp lý, cụ thể có thể làm vừa lòng Mỹ.

Bản thân Tổng thống Trump đã không ít lần cảnh báo sẽ tăng thuế áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào năm sau, hay áp thuế lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Bắc Kinh để đạt được mục tiêu khiến Trung Quốc phải chịu nhượng bộ.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Peter Harrell của trung tâm nghiên cứu New American Security (Washington), Mỹ có nhiều hơn một lựa chọn để gây lực lên Trung Quốc. Ngay cả khi ông Trump và ông Tập đạt được một thỏa thuận về thuế suất sau cuộc gặp ở G20, Mỹ vẫn có thể sử dụng các đòn đánh khác để đảm bảo họ vẫn tác động đủ mạnh để buộc Bắc Kinh làm theo yêu cầu.

“Vũ khí” đầu tiên mà chính quyền ông Trump có thể triển khai là việc tăng cường truy tố các điệp viên, tin tặc Trung Quốc nghi có hành vi xâm nhập, chiếm đoạt quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Trong 2 tháng qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố ít nhất 3 hồ sơ truy tố công dân Trung Quốc với cáo buộc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mỹ cũng dẫn độ nghi phạm Trung Quốc từ Bỉ về Ohio, Mỹ để xét xử. Động thái trên cho thấy các cơ quan hành pháp Washington đang dồn sự tập trung vào hành vi gián điệp kinh tế của Trung Quốc khi Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đã lợi dụng các hành vi này nhằm trục lợi để phát triển nền kinh tế mà không cần trải qua quá trình nghiên cứu và sáng chế.

“Vũ khí” thứ 2 mà Mỹ có thể dùng đó là áp lệnh trừng phạt vào các công ty hưởng lợi từ việc chiếm đoạt công nghệ Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ đã ra quy định nhằm hạn chế các công ty Mỹ hợp tác với một nhà sản xuất chip điện tử Trung Quốc bị cáo buộc chiếm đoạt bí mật kinh doanh. Trước đó, Washington đã mạnh tay cấm 44 cá nhân, tổ chức có liên quan tới lĩnh vực quốc phòng Trung Quốc mua sắm công nghệ Mỹ. Ông Harrell nhận định rằng Mỹ có thể sẽ mở rộng quy mô áp dụng vũ khí này trong tương lai, nhằm vào các công ty có hành vi chiếm đoạt tài sản sở hữu trí tuệ hoặc gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ.

(Ảnh minh họa: Market Plus)
(Ảnh minh họa: Market Plus)

“Vũ khí thứ 3” là việc Mỹ có thể sẽ thực hiện đạo luật mới được thông qua nhằm tăng cường giám sát các hoạt động đầu tư nước ngoài vào Mỹ và kiểm soát xuất khẩu công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, phương tiện không người lái tới Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh khác. Ông Harrell cho rằng điều này sẽ hạn chế khả năng Bắc Kinh tiếp cận và lấy được công nghệ hiện đại của Mỹ một cách trái phép.

Cuối cùng, chính quyền ông Trump có thể sử dụng công cụ ngoại giao để vận động các đồng minh và đối tác liên minh chống lại Trung Quốc. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer gần đây đã bàn bạc với phía châu Âu, Nhật Bản nhằm thiết lập giải pháp chung đối phó với Trung Quốc. Ngoài ra, sự ra đời của hiệp định thương mại Bắc Mỹ mới cải tiến từ NAFTA, Mỹ đã đưa vào điều khoản nói rằng Mỹ có quyền phủ quyết thỏa thuận, nếu Canada và Mexico ký thỏa thuận thương mại tự do với một “nền kinh tế phi thị trường”, thuật ngữ dường như ám chỉ Trung Quốc.

Những “vũ khí” trên được đánh giá là sẽ có tác động ít nghiêm trọng tới người tiêu dùng Mỹ, do nhằm thẳng vào các công ty và quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm quy tắc thương mại. Các đòn đánh này cũng gửi một thông điệp rõ ràng rằng sự quyết liệt trong chính sách thương mại của Mỹ là nhằm ép Trung Quốc phải dừng các hoạt động kinh doanh bị cho là thiếu công bằng. Điều này đã vượt xa quy mô của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, ông Harrell nhận định.

Đức Hoàng

Theo The Hill