1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ cấp lá chắn thép "hiệu quả 100%" giúp Ukraine đánh chặn tên lửa Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,3 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm tổ hợp phòng không NASAMS.

Mỹ cấp lá chắn thép hiệu quả 100% giúp Ukraine đánh chặn tên lửa Nga - 1

Mỹ đã chuyển cho Ukraine hệ thống NASAMS (Ảnh: Kongsberg).

"Thông báo này thể hiện sự khởi đầu của quá trình ký kết hợp đồng nhằm cung cấp thêm các năng lực ưu tiên cho Ukraine", Lầu Năm Góc thông báo hôm 20/7.

Gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,3 tỷ USD gồm 4 tổ hợp tên lửa phòng không NASAMS, đạn pháo 152mm, tên lửa chống tăng TOW và đạn chính xác cao.

Máy bay không người lái (UAV) Phoenix Ghost và Switchblade, các thiết bị chống UAV và tác chiến điện tử cũng được Mỹ cấp cho Ukraine trong gói viện trợ lần này.

Gói viện trợ quân sự trước đó của Mỹ cho Ukraine trị giá 800 triệu USD đã được công bố vào ngày 7/7, trong đó có bom chùm. Bom chùm là loại vũ khí gây nhiều tranh cãi vì khả năng sát thương cao. Nga đã chỉ trích động thái này của Mỹ.

Gói viện trợ mới nhất sử dụng ngân sách từ chương trình Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), cho phép chính quyền của Tổng thống Joe Biden mua vũ khí từ các tập đoàn quốc phòng, thay vì lấy từ kho vũ khí của quân đội Mỹ.

Lầu Năm Góc đã cung cấp hơn 10,8 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine theo chương trình USAI trong năm tài chính 2023. Tính đến nay, Mỹ đã cung cấp hơn 40 tỷ USD dưới hình thức hỗ trợ an ninh và quân sự cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự vào tháng 2 năm ngoái.

Vũ khí đáng chú ý trong gói viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ cho Ukraine là các tổ hợp NASAMS. NASAMS là từ viết tắt của Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến của Na Uy. Đây là sản phẩm hợp tác giữa nhà thầu Kongsberg (Na Uy) và Raytheon (Mỹ).

Giới quan sát nhận định NASAMS sẽ làm gia tăng đáng kể năng lực phòng thủ của Ukraine trước dàn hỏa lực vượt trội của Nga, trong bối cảnh Moscow liên tục phóng "mưa" tên lửa xuống các mục tiêu quan trọng của Kiev. 

Được phát triển lần đầu vào những năm 1990, NASAMS hiện có ba biến thể. NASAMS 3 đã được hé lộ vào năm 2019 được trang thiết bị phân phối hỏa lực mới và tầm bắn xa hơn. Vào năm 2021, Raytheon tuyên bố phiên bản NASAMS 4 sẽ trang bị hệ thống radar AESA băng tần S tầm trung mới.

NASAMS hiệu quả trong việc đánh chặn tên lửa hành trình bay thấp - loại mà Nga đã sử dụng nhiều trong chiến sự thời gian qua. Tầm đánh chặn của NASAMS trải dài từ độ cao 300-15.000m. Thông số này tốt hơn so với việc Ukraine triển khai tiêm kích để đánh chặn tên lửa hành trình - vốn không quá hiệu quả khi Kiev nhiều lần để lọt tên lửa Nga.

Theo The Drive, NASAMS thích hợp nhất để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Nếu có NASAMS, Ukraine có khả năng rất cao sẽ đưa hệ thống này để bảo vệ thủ đô Kiev, nơi thường xuyên bị tập kích tên lửa.

John Kirby, quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, tuyên bố lá chắn NASAMS cấp cho Ukraine có tỷ lệ đánh chặn 100%.

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong bối cảnh Nga liên tục phóng tên lửa chính xác vào các mục tiêu quân sự của Ukraine, Kiev cần có những lá chắn đủ uy lực để đánh chặn. NASAMS hiện được xem là một trong những phương án tối ưu nhất cho Ukraine.

Theo Reuters