1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ bác lo ngại của Trung Quốc về lá chắn tên lửa THAAD

(Dân trí) - Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ đã lên tiếng gạt bỏ những quan ngại của Trung Quốc về kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc, Reuters hôm nay (21/4) đưa tin.

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ đặt tại Hàn Quốc (Ảnh: Stripes)
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ đặt tại Hàn Quốc (Ảnh: Stripes)

Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu các cuộc hội đàm về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của Triều Tiên vào hôm 6/1 và vụ phóng tên lửa tầm xa của nước này vào ngày 7/2. Theo Mỹ, hệ thống này được triển khai để bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe dọa Triều Tiên.

Tuy nhiên, Trung Quốc liên tục lên tiếng phản đối động thái này của Mỹ và Hàn Quốc.

“Thực tế cho thấy Triều Tiên đang tạo ra mối đe dọa hạt nhân rất nghiêm trọng trên bán đảo Triều Tiên”, Sung Kim, đặc phái viên của Mỹ về chính sách Triều Tiên chia sẻ với báo giới.

“Chúng tôi (Mỹ), cùng với Hàn Quốc, đã quyết định rằng cả hai nước cần phải có những biện pháp phòng thủ thích hợp để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên”.

Ông Kim cho biết Mỹ vẫn luôn rộng cửa chào đón các cuộc gặp gỡ ngoại giao tin cậy và ý nghĩa với Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng tỏ ra thờ ơ với thiện chí này của Washington.

Mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên là lý do giải thích tại sao “chúng ta (Mỹ và Hàn Quốc) phải bắt đầu các cuộc hội đàm chính thức về khả năng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên bán đảo Triều Tiên”, ông Kim nhấn mạnh.

Ông khẳng định: “Đây hoàn toàn đơn thuần là hệ thống phòng thủ tên lửa. Vì vậy, Trung Quốc và Nga không cần quan ngại về hệ thống này”.

Trung Quốc là nước ủng hộ Triều Tiên mạnh mẽ nhất trong các hoạt động về kinh tế và ngoại giao, tuy nhiên Bắc Kinh cũng “đứng ngồi không yên” với các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trung Quốc cũng đồng tình với các lệnh trừng phạt cứng rắn nhằm vào Triều Tiên.

Theo các quan chức chính phủ và các nhà phân tích Mỹ, các lệnh trừng phạt hiện tại và trong tương lai đối với Triều Tiên có tác dụng hay không phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc.

Ông Kim nói rằng Trung Quốc “cũng đã có nhiều động thái để góp phần thực thi” nghị quyết trừng phạt mới nhất của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên.

“Tôi hi vọng và mong chờ rằng Trung Quốc sẽ nghiêm túc thực thi trách nhiệm của mình và thực sự thi hành tất cả các điều khoản của nghị quyết trừng phạt chưa từng có tiền lệ này”, ông nói thêm.

Mặc dù vậy, Trung Quốc nói rằng nước này có quyền phát triển cái gọi là “quan hệ bình thường” với Triều Tiên.

Theo dữ liệu thống kê của cơ quan hải quan Trung Quốc ngày hôm nay (21/4), Triều Tiên trở thành nhà cung cấp than đá lớn thứ hai cho Trung Quốc trong tháng 3 với sản lượng 2,35 triệu tấn.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc tuyên bố hồi đầu tháng 4 rằng nước này sẽ cấm không nhập khẩu than đá từ Triều Tiên để thực thi lệnh trừng phạt của Liên hợp Quốc. Tuy nhiên, lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc lại miễn trừ mặt hàng than đá được nhập từ các nước thứ ba thông qua cảng Rason của Triều Tiên. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cho phép xuất khẩu các mặt hàng nhằm phục vụ “nhu cầu hạnh phúc của con người” nhưng không liên quan tới các chương trình hạt nhân hay tên lửa.

Về phía Triều Tiên, nước này tuyên bố vẫn tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân trong tương lai, bất chấp các lệnh trừng phạt ngày càng khắc nghiệt từ cộng đồng quốc tế. Các hình ảnh vệ tinh mới đây nhất cho thấy nước này có thể đã cho hoạt động trở lại đường hầm tại bãi thử hạt nhân, như vụ thử hạt nhân hồi tháng Giêng vừa qua.

Thành Đạt