Mỹ bác đơn kiện bồi thường 54 triệu USD cho một chiếc quần
(Dân trí) - Toà án Washington ngày 25/6 đã bác bỏ đơn kiện của thẩm phán Roy Pearson, yêu cầu một tiệm cửa hàng giặt là bồi thường 54 triệu USD vì đã đánh mất một trong những chiếc quần của ông.
Vụ kiện tụng bắt đầu cách đây 2 năm khi Pearson mang quần áo tới hiệu giặt là Custom Cleaners do vợ chồng Jin Nam Chung và Ki Chung người gốc Hàn Quốc làm chủ. Rắc rối nảy sinh khi một trong số những chiếc quần của Pearson đã biến mất.
Pearson yêu cầu chủ cửa hàng giặt là đền chiếc quần tương đương khoản tiền 1.000 USD nhưng gia đình ông Chung từ chối. Ít ngày sau, Custom Cleaners thông báo đã tìm thấy đồ của khách và muốn trả lại chủ nhân. Tuy nhiên, Pearson khẳng định chiếc quần đó không phải là của ông và quyết định kiện Custom Cleaners lên toà án với cáo buộc chủ cửa hàng đã vi phạm Luật bảo vệ khách hàng.
| ||
Thẩm phán Pearson đã trở thành biểu tượng của sự lạm dụng luật pháp sau vụ kiện.
|
Ban đầu, thẩm phán Pearson đòi bồi thường 65 triệu USD cho chiếc quần đã mất nhưng sau đó giảm xuống còn 54 triệu. Đây là một trong những vụ án dân sự được dư luận Mỹ và thế giới rất quan tâm.
Trong phiên xét xử ngày 25/6, thẩm phán Judith Bartnoff tuyên bố, ông Pearson đã không thể chứng minh chiếc quần mà Custom Cleaners muốn trả lại không phải là của ông. Thẩm phán Bartnoff khẳng định ông chủ hiệu giặt là Custom Cleaners không vị phạm luật bảo vệ khách hàng và bác bỏ đơn kiện.
Các tổ chức pháp lý đã lên án vụ kiện làm xấu hình ảnh của hệ thống luật pháp Mỹ trong khi thẩm phán Roy Pearson trở thành một biểu tượng khắp thế giới về sự lạm dụng luật pháp bằng yêu cầu bồi thường khoản tiền khổng lồ chỉ vì một rắc rối nhỏ.
| |
Ông Chung (trái) và 2 luật sư Chris Manning và Mendi Sossamon trình diện chiếc quần, được cho là của thẩm phán Pearson, trước đông đảo phóng viên.
|
Uỷ ban quan hệ lao động quốc gia (NLRB), một cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ do Quốc hội lập ra, đã kêu gọi khai trừ Pearson ra khỏi đoàn luật sư do ông này không còn tư cách phục vụ trên cương vị một thẩm phán.
Paul Rothstein, giáo sư chuyên ngành luật tại đại học Georgetown, nhận xét: “Vụ kiện đã làm cho hệ thống luật pháp mang tiếng xấu khắp thế giới. Đáng buồn hơn khi người đâm đơn kiện lại là một thẩm phán”.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn các phóng viên bên ngoài hiệu giặt là, gia đình ông Chung cho biết họ không có thành kiến gì với Pearson. Ông Chung nói: “Nếu ông ấy muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ của chúng tôi, chúng tôi rất sẵn sàng phục vụ”.
VTH
Theo AP, BBC