1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mục đích chuyến thăm Trung Quốc của phó Tổng thống Mỹ

(Dân trí) - Mục đích chính của phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden khi đến Trung Quốc, Mông Cổ và Nhật Bản là để thực hiện chiến lược của Washington mở ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Mục tiêu này được “cụ thể hóa” trong chặng dừng chân ở Trung Quốc là gì?

 
Mục đích chuyến thăm Trung Quốc của phó Tổng thống Mỹ  - 1
 Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden bắt đầu thăm Trung Quốc từ ngày 16/8.

Đồng Nhân dân tệ?

Theo báo Washington Times, phái đoàn Mỹ sẽ không đến để “đàm phán về hợp đồng bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan” với Trung Quốc. Nhiều khả năng, nội dung các cuộc đàm phán trong chuyến thăm Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 17/8 của ông Biden sẽ tập trung quanh những vấn đề kinh tế và tài chính - trang mạng Voice of RussiaAFP viết.

Các nhà bình luận chú ý quan hệ thương mại Trung-Mỹ và tỷ giá đồng tiền của Trung Quốc. Lâu nay, các giới làm ăn tại Mỹ than phiền rằng tỷ giá đồng Nhân dân tệ gây bất lợi cho cán cân mậu dịch của Mỹ trong làm ăn với Trung Quốc. Ngược lại, gần đây, truyền thông chính thức của Trung Quốc không tiếc lời phê phán Mỹ về khoản nợ công khổng lồ của nước này và đặt câu chuyện vào bối cảnh quân sự.

Cuộc khủng hoảng liên quan tới việc nâng trần nợ quốc gia của Mỹ đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Bắc Kinh. Trung Quốc là chủ sở hữu lớn nhất với hơn 1.100 tỷ USD tín phiếu kho bạc Mỹ. Mỹ đang muốn tích cực hối thúc Trung Quốc tiến tới tự do hóa chính sách ngoại hối.

Nhưng giới phân tích Mỹ nhận định chủ đề trọng điểm là đồng Nhân dân tệ khó có thể đạt được kết quả: Trung Quốc không muốn áp dụng qui luật tiền tệ của người Mỹ là tự do hóa và thả nổi đồng Nhân dân tệ, còn Mỹ lại không chịu chấp thuận quan điểm cứng nhắc của Bắc Kinh.

Trước chuyến thăm Đông Á của ông Biden, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Lail Brainard tuyên bố, Mỹ không hài lòng với tỷ giá Nhân dân tệ, nó bị hạ thấp quá nhiều. Cơ hội cho sự thỏa hiệp ở đây rõ ràng là không nhiều. Trung Quốc chẳng thể nào sẽ chịu từ bỏ ý tưởng tích cực thúc đẩy cải cách hệ thống tài chính quốc tế và từ chối sử dụng đồng USD.

Sức mạnh Trung Quốc?

Một nút thắt của mâu thuẫn nữa có thể nổi lên trong cuộc thương lượng của ông Biden là sự quan ngại trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, yếu tố được nhắc tới nhiều ở Washington. Một trong những lý do gần đây nhất là việc Trung Quốc cho thử nghiệm tàu sân bay đầu tiên.

Washington đã yêu cầu Bắc Kinh giải thích vấn đề này khi phàn nàn về sự thiếu minh bạch trong phát triển quân sự của Trung Quốc. Đến lượt mình, phía Trung Quốc bày tỏ rõ rằng sẽ không từ chối phát triển các lực lượng vũ trang, và Mỹ, với đội hàng không mẫu hạm dong duổi khắp các đại dương thế giới, không có quyền khuyên bảo Trung Quốc về tính biết kiềm chế.

Ở đây, hai bên sẽ phải tìm kiếm thỏa hiệp, bởi Washington vô cùng quan tâm đến sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng như nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu khác.

Trước chuyến đi của ông Biden, tại Bắc Kinh, Đại sứ mới của Mỹ là Gary Locke đã bắt đầu chính thức đảm nhiệm trọng trách ngoại giao của mình. Nhiều ý kiến nhận xét, việc bổ nhiệm Đại sứ Mỹ gốc Hoa thể hiện Washington lựa chọn những phương pháp mới để ảnh hưởng tới đối tác Bắc Kinh.

Làm quen với lãnh đạo mới?

Trong chuyến thăm bốn ngày tới Trung Quốc ông Biden dự kiến sẽ hội đàm với các lãnh đạo cao cấp như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Ngoài việc thảo luận về các vấn đề thương mại song phương, phó Tổng thống Mỹ muốn "làm quen" với lãnh đạo tương lai của Trung Quốc - hãng tin BBC, AFP và tờ Washongton Post bình luận.

Đến thăm Trung Quốc theo lời mời của chính ông Tập Cận Bình, hiện là Phó Chủ tịch Trung Quốc, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ lưu lại nước này 5 ngày, một khoảng thời gian quá dài so với bình thường.

Nhận định chung về chuyến đi thăm, ông Tony Blinken, cố vấn an ninh của Phó Tổng thống Mỹ đã sử dụng một hình tượng kinh tế: “Nói một cách đơn giản là chúng tôi muốn đầu tư vào tương lai quan hệ Mỹ - Trung”.

Trong chương trình công du, ngoài cuộc hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh, ông Biden sẽ cùng với Phó Chủ tịch Tập Cận Bình đi tham quan một số nơi như ghé Thành Đô ở miền tây nam Trung Quốc.

Báo chí Trung Quốc rất hào hứng với chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ. Theo lịch, sau Đại hội Đảng Cộng sản năm 2012, Trung Quốc sẽ có ban lãnh đạo mới.

Vấn đề Biển Đông?

Trên bình diện chính thức, chuyến công du Trung Quốc của Phó Tổng thống Mỹ sẽ là dịp để Washington và Bắc Kinh tranh luận về các hồ sơ nóng trong quan hệ song phương hiện nay, như món nợ công khổng lồ của nước Mỹ, tỷ giá bị cho là quá thấp của đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, và rất có thể là vấn đề Biển Đông.

Cũng như các đồng minh ở châu Á, điều Mỹ lo ngại hiện nay là nợ công chồng chất đã buộc Mỹ phải cắt giảm ngân sách nhà nước, trong đó có phần liên quan đến quốc phòng, có thể lên đến cả trăm tỷ USD mỗi năm.

Rất có thể nhân chuyến công du Trung Quốc lần này, quan chức Mỹ sẽ phải có động thái nào đó, dù “khẽ khàng”, để trấn an mối lo ngại là vai trò của Mỹ trên thế giới, nhất là tại châu Á, có thể bị tác động. Thái độ của Trung Quốc tại Biển Đông lại đang là vấn đề mà khu vực chờ đợi tiếng nói của Washington.

Tóm lại, theo báo chí Nga, nhìn chung có thể hiểu rằng ông Biden sẽ cố gắng thúc đẩy quyền lợi của Mỹ ở châu Á trong hoàn cảnh không đơn giản, khi đối thủ của Mỹ là Trung Quốc đang gia tăng tiềm lực không chỉ từng ngày mà từng giờ.

Việc xếp hạng tín dụng Mỹ bị hạ thấp, mất lòng tin vào đồng USD và những triển vọng mơ hồ của nền kinh tế Mỹ là những yếu tố cản trở chiến thắng ngoại giao Mỹ ở châu Á.

Nguyễn Viết
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm