Mũ chiến đấu - biểu tượng cuộc chạy đua công nghệ tích hợp hiện đại
(Dân trí) - Công nghệ sản xuất mũ chiến đấu của Lầu Năm Góc đã phát triển vượt bậc trong hơn 100 năm qua kể từ Chiến tranh thế giới thứ nhất đến nay.
Mũ chiến đấu “Brodie” M1917.
Một trong những trang bị giàu tính biểu tượng nhất của quân đội Mỹ là mũ chiến đấu. Từ phiên bản mũ “Brodie” M1917 được sử dụng trong giai đoạn thế chiến thứ nhất, cho đến M1 “Steel Pot” thịnh hành trong Chiến tranh thế giới thứ II, chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam. Các loại mũ chiến đấu này giữ vai trò quan trọng nhằm bảo vệ bộ binh khỏi các chấn thương và mảnh đạn.
Mẫu mũ M1 “Steel Pot”
Đầu những năm 2000, tiêu chuẩn trang thiết bị bảo vệ trên chiến trường cho bộ binh Mỹ là hệ thống giáp cá nhân, bao gồm một áo giáp và mũ bảo vệ. Loại mũ này có tên gọi PAGST, có khả năng bảo vệ tốt hơn mũ M1, song nó không phổ biến với quân đội Mỹ.
Trong một khảo sát về mức độ hài lòng của quân đội với mũ PAGST, chỉ 30% binh lính Mỹ cảm thấy hài lòng với loại mũ chiến đấu này về độ bền, 15% hài lòng về độ vừa. Chỉ dưới 10% thấy thoải mái về độ nặng và ấn tượng chung của mũ này.
Họ phàn nàn chủ yếu về thiết kế dây buộc, lót đệm và độ vừa tổng thể - một trong những “phiền phức” nhất cho bộ binh khi thực thi các tác vụ quan trọng trong chiến đấu, đặc biệt là khi nằm bắn.
Cũng trong giai đoạn đầu năm 2000, các lực lượng đặc nhiệm Mỹ bắt đầu sử dụng loại mũ mới tích hợp module đàm thoại mới (MICH), được thiết kế với bộ đàm gắn trong mũ theo kiểu trùm tai, tạo thoải mái cho người sử dụng. Bên cạnh đó, mẫu mũ này được giảm độ nặng, nâng cao độ vừa và hiệu quả hơn trong bảo vệ khỏi các chấn thương. Quân đội Mỹ phát triển phiên bản nâng cấp của MICH-2000, với tên gọi “Mũ chiến đấu tiên tiến”, bắt đầu được thử nghiệm năm 2003, tích hợp thiết bị hỗ trợ tầm nhìn ban đêm.
Mẫu mũ MICH
Tương lai của mũ chiến đấu được nâng tầm thêm một bậc với sự xuất hiện của FAST do hãng Ops-Core phát triển. Được thiết kế cho các lực lượng đặc biệt, mũ này không chỉ tích hợp thiết bị hỗ trợ tầm nhìn ban đêm, mà còn trang bị hàng loạt phụ kiện hiện đại như đèn đặc biệt, hỗ trợ đàm thoại, bảo vệ mặt, hệ thống cung cấp oxy, camera ghi hình…
Dù nhẹ hơn tới 30% và có độ vừa linh hoạt, mũ chiến đấu FAST vẫn vượt trội về khả năng bảo vệ so với các loại mũ trước đây. Loại mũ này nhanh chóng trở nên phổ biến trong các đội đặc nhiệm của Mỹ, đồng thời cũng nhanh chóng được sử dụng bên ngoài nước Mỹ cho lực lượng quân đội của Na Uy và Úc.
Mũ chiến đấu FAST
Một số công ty sản xuất trang bị chiến đấu khác cũng đang phát triển lớp giáp đệm cho mũ chất lượng cao, giúp hạn chế khả năng bị thương do súng bắn tỉa, song điều này chắc chắn sẽ khiến trọng lượng của mũ gia tăng.
Tương lai của mũ chiến đấu vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Rõ ràng, bảo vệ người sử dụng vẫn là chức năng chủ chốt của bất kỳ loại mũ chiến đấu nào, song cũng như các loại mũ trước đây, mũ chiến đấu của quân đội Mỹ sẽ không chỉ dừng lại là một trang bị đơn thuần, mà đó sẽ là biểu tượng cho cuộc chạy đua về các công nghệ tích hợp hiện đại.
Ngọc Yến