1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Một cô dâu Việt tìm hạnh phúc tại Đài Loan

Cửa hàng của Nguyễn Diễm Quyên tại Đài Bắc trở thành nơi gặp gỡ của các cô dâu Việt tại đây. Họ có thể gặp gỡ, nói chuyện và ăn các món ăn quê nhà.

Không khó để nhận biết các quán ăn Việt của người Trung Quốc hoặc Đài Loan tại Đài Bắc. Để tìm được một quán ăn Việt của chính “các cô dâu Việt”, những người được cho là nghèo khó, học vấn thấp và vẫn thường bị lạm dụng, thì khó hơn.

 

Nhà hàng của Nguyễn Diễm Quyên cho thấy những cô dâu Việt tại nơi này có thể có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và công việc tốt tại quê hương mới.

 

Nằm tại Shihlin, quán Diễm Quyên trông rất bắt mắt với những tấm biển màu đỏ treo gần ga Chihshan MRT. Những dòng chữ tiếng Việt trên tấm biển quảng cáo khiến nhà hàng này khác biệt và nổi bật giữa các cửa hàng bên cạnh. Cửa hàng này có những món mì kiểu Việt hoặc Thái, nước mắm, mắm tôm, tương ớt, mì khô, bánh đa nem, đường cọ và cả những thứ đồ uống lạ nữa như nước dứa và tổ yến.

 

Một buổi trưa, Li Mei-tsao mang hai cậu con trai sinh đôi 18 tháng tuổi đến cửa hàng bằng xe máy cùng một người đồng hương khác, cũng là một cô dâu Việt. Cô nói bằng thứ giọng Quan thoại đầy trọng âm và đã kết hôn cùng một người đàn ông Đài Loan được 3 năm. Những gì cô làm tại cửa hàng này mỗi ngày đều giống nhau: ăn một bát mì và nói chuyện với bạn bè trước khi ra về.

 

Chỉ ít phút sau, Yang Ching-chen, một cô dâu Việt khác, mang đứa con gái 2 tuổi đến cửa hàng này. Cô cho biết cô đợi ở đây để chồng đến đón rồi đưa cô đến một lớp học do nhóm phụ nữ và chính quyền Đài Bắc tổ chức để giúp các cô quen với Đài Loan và phong tục.

 

“Ở trong lớp, chúng tôi học tiếng Quan thoại, trang điểm, làm móng tay chân và nấu nướng”, Yang cho hay khi húp nốt chỗ nước mì đỏ vì tương ớt. Trong khi đó, con gái cô chơi đùa với đôi anh em nhà Li. Cô bé nhặt một gói lạc và ném về phía hai cậu bé. Chẳng mấy chốc, nhà hàng nhỏ này biến thành một sân chơi cho bọn trẻ.

 

“3 năm trước khi tôi bắt đầu giúp đỡ các cô dâu Việt, tôi nhận ra nhu cầu rất lớn về thực phẩm và đồ uống của quê nhà, những thứ giúp họ vơi bớt nỗi nhớ quê hương”, Quyên cho hay và nhoẻn cười.

 

“Ở Đài Bắc, đây là cửa hàng duy nhất bạn có thể mua hàng hoá của Việt Nam và thưởng thức những món ăn Việt thực sự”, Fang Tse, ông chồng của Quyên cho hay. Hai người đã kết hôn được 10 năm và thứ tiếng Quan thoại trôi chảy của cô là nhờ có quá trình tự học, xem TV và nói chuyện với mọi người. “Khi tôi đến Đài Loan cách đây 10 năm, ở đây chưa có nhiều cô dâu Việt Nam như thế này”, Nguyễn nói.

 

Có lẽ cuộc hôn nhân của Nguyễn dựa vào tình cảm hơn là vì lý do kinh tế, nên cô dễ dàng trở nên quen thuộc với tập tục ở đây. “Cuộc sống của tôi ở đây được tự do hơn nhiều so với nhiều cô dâu Việt khác”, cô cho hay.

 

3 năm trước, cô đã tham gia một một chương trình hỗ trợ cho các cô dâu Việt về vấn đề bạo hành gia đình, các vấn đề về hôn nhân hoặc bất đồng ngôn ngữ. “Tôi chủ yếu là người hoà giải, phiên dịch giúp cho các cặp vợ chồng. Tôi để họ giao tiếp với nhau trước và khi họ có vấn đề thì tôi giúp. Đôi khi tôi cho họ lời khuyên nhưng chủ yếu tôi cố tạo hoà khí và ngăn cản để họ không chia tay”.

 

 

Cửa hàng của Diễm Quyên có rất nhiều loại thực phẩm truyền thống của Việt Nam. (Taipei Times)

Rất nhiều trong số các cô dâu Việt đã trở thành khách hàng trung thành của cửa hàng này. “Chúng tôi không giống người Philippines. Họ thường gặp nhau tại nhà thờ vào mỗi dịp cuối tuần. Các cô dâu Việt không có các buổi gặp gỡ vì lý do tôn giáo”.

 

Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, cô tổ chức buổi tiệc tất niên và mời hàng chục đôi vợ chồng đến dự, ăn các món ăn Việt Nam và chơi bài.

 

Các món ăn trong nhà hàng của cô không đắt. Một bát mì to chỉ có giá 80 Đài tệ (40 nghìn đồng). Một chiếc sandwich kẹp thịt bò hoặc lạp xưởng cũng có giá như vậy. Ngoài ra nhà hàng này còn bán nhiều đồ khác nữa như trứng vịt hoặc bánh tôm.

 

“80% khách hàng của chúng tôi là người nước ngoài và 90% trong số đó là người Việt. Ngoài ra còn có vài người Nhật và Mỹ”, Fang cho hay.

 

Quyên nói rằng một số cô dâu Việt đến nhà hàng của cô mà không cho chồng hoặc mẹ chồng biết. “Vì các bà mẹ chồng không muốn con dâu họ kết bạn hoặc nói chuyện với những người đồng hương”. Họ lo rằng con dâu sẽ so sánh hoàn cảnh của mình với những người đòng cảnh ngộ rồi trở nên bất mãn.

 

“Các cuộc hôn nhân đó dựa trên tiền bạc và 80% trong số họ gặp vấn đề hoặc cãi nhau thường xuyên”, Fang nói. “Người phụ nữ thì sợ bị chồng lạm dụng còn người đàn ông thì sợ vợ bòn rút tiền bạc của mình. Vấn đề lớn nhất luôn là tiền”.

 

“Tình hình càng tồi tệ khi báo chí đăng tải về các trường hợp cô dâu Việt bị lạm dụng, những người phụ nữ này lại càng sợ thêm rồi trở nên thủ thế với chồng và tình hình càng căng thẳng”, Fang nhận định.

 

Fang gặp Quyên trong một chuyến du lịch tại Việt Nam. “Nghĩ lại mới thấy đó là quá trình kiên trì và đôi khi ngốc nghếch”, Fang nói.

 

Khi Fang trở lại Đài Loan, anh liên lạc với vợ tương lai qua thư từ và Nguyễn cho hay chính những lá thư chân thành và thật thà của Fang đã làm cô xúc động.

 

“Cố gắng làm quen với cuộc sống ở Đài Loan chính là cách tháo gỡ khó khăn sau hôn nhân. Bạn phải theo kịp tập quán, lối sống ở đây và cố để không bị khác biệt. Không phải lúc nào tôi cũng nghĩ mình là người Việt Nam”, chị Quyên nói.

 

Dù có cửa hàng, đôi vợ chồng này mới chỉ đủ sống và chăm cho cậu con trai nhỏ.

 

“Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó chúng tôi có thể tự nhập hàng và chọn những mặt hàng yêu thích từ Việt Nam”, Quyên cho hay. “Tôi cũng hy vọng Việt Nam sẽ giàu lên và số gia đình nghèo khó buộc con gái họ lấy chồng Đài Loan chỉ vì tiền sẽ ít đi”.

 

Theo Ngọc Sơn

Vnexpress/Taipei Times