1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mới chỉ là sự khởi đầu

(Dân trí) - Với chiến thắng ngoạn mục ngay vòng bầu cử đầu tiên, “ông hoàng sô-cô-la” Petro Poroshenko đã chính thức giành ngôi tổng thống Ukraine, mở ra hy vọng chấm dứt khủng hoảng kéo dài nhiều tháng qua ở nước này. Nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu cho chặng đường khó khăn trước mắt.

Ông Petro Poroshenko tuyên bố trở
thành Tổng thống Ukraine sau chiến thắng vang dội hôm 25/5.

Ông Petro Poroshenko tuyên bố trở thành Tổng thống Ukraine sau chiến thắng vang dội hôm 25/5.

Chân dung tân Tổng thống Ukraine

Ông Poroshenko sinh ra tại vùng Oddesa và tốt nghiệp bằng kinh tế quốc tế tại Kiev năm 1989. Ông từng giữ nhiều vị trí quản lý trong các doanh nghiệp vào cuối những năm 1990, bao gồm vị trí Tổng giám đốc công ty đầu tư Ukrprominvest.

Poroshenko bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 1998 và 4 năm sau, ông thành lập đảng riêng có tên Solidarity. Một năm sau đó, ông cho ra mắt kênh truyền hình Channel 5 mà sau này trở thành kênh truyền hình đối lập có tiếng.

Trong sự nghiệp chính trị của mình, ông cũng gặt hái rất nhiều thành công trên các cương vị Ngoại trưởng (dưới thời Tổng thống Yulia Timoshenko) hay Bộ trưởng Phát triển kinh tế và thương mại (dưới thời Tổng thống Viktor Yushchenko).

Ông còn là tác giả của một số cuốn sách và ấn phẩm học thuật về kinh tế, là một doanh nhân thành đạt trong ngành công nghiệp sản xuất sô-cô-la với tổng khối tài sản theo ước tính của tạp chí Forbes lên tới 1,3 tỷ USD, giàu nhất Ukraine.

Ông Poroshenko được mệnh danh là “ông
hoàng sô-cô-la” hay “nhà tài phiệt sô-cô-la” của Ukraine.

Ông Poroshenko được mệnh danh là “ông hoàng sô-cô-la” hay “nhà tài phiệt sô-cô-la” của Ukraine.

Từng kinh qua nhiều vị trí và ngành nghề trong cả hai lĩnh vực kinh tế và chính trị, ông Poroshenko đã dần tích lũy được cho mình những “vốn liếng” cần thiết cho bất cứ một người có tham vọng làm chính trị nào. Điều này thể hiện ở việc ông là người rất mực khôn khéo và luôn có những bước đi khôn ngoan trong suốt thời gian diễn ra các cuộc xung đột ở quốc gia Đông Âu với 45 triệu dân và luôn bị chia tách thành hai vùng đối lập: phía Đông thân Nga, phía Tây thân châu Âu.

Điểm lại có thể thấy rất ít chính trị gia ở Ukraine vừa “có ghế” trong chính quyền của bà Yulia Timoshenko, vừa “có chân” trong chính quyền của ông Yanukovych. Rất ít người thành công trong cả sự nghiệp chính trị lẫn con đường kinh doanh. Càng ít người có thể nói chuyện được với các phe phái đối lập trong nước, đồng thời có thể thảo luận và nhận được sự ủng hộ của cả cả Nga và phương Tây…Nhưng tất cả những điều này ông Poroshenko đều có.

Khởi đầu hy vọng mới   

Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, ông Poroshenko đã công bố những dự định trước mắt của mình nhằm khôi phục ổn định cho đất nước sau gần 8 tháng chìm trong xung đột. 

Ông cho biết ưu tiên số một của mình là sẽ đến vùng Donbass đầy bất ổn ở miền Đông để thương thuyết với những người biểu tình tại đây. Đây là một chiến lược cực kỳ khôn ngoan của vị tân Tổng thống Ukraine bởi suy cho cùng, mấu chốt của việc khôi phục ổn định đất nước phụ thuộc rất nhiều vào người dân khu vực này. Tuy nhiên, ông cũng tỏ ra đặc biệt cứng rắn với các phần tử ly khai khi ra lệnh cho quân đội tiến hành một cuộc tấn công lớn vào thành phố Donetsk để giành lại quyền kiểm soát khu vực vốn tự xưng là "nước cộng hòa nhân dân Donetsk" này.

Về hoạt động của Quốc hội và Chính phủ, ông Poroshenko chủ trương sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội sớm và giữ nguyên chính phủ hiện nay của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk. Với quyết định thông minh này, Tổng thống đắc cử Poroshenko sẽ loại bỏ được những đấu đá và tranh giành chính trị giữa các phe phái đối lập trong nước, qua đó giúp ông rảnh tay “thiết kế lại” quan hệ với Nga và phương Tây, tạo thế cân bằng mới cho Ukraine trong cuộc so kè ảnh hưởng của hai thế lực Đông- Tây.

Về kinh tế, ông cam kết sẽ vực dậy nền sản xuất kiệt quệ sau nhiều tháng xung đột và cải tổ triệt để các cơ quan thực thi pháp luật như Bộ Nội vụ, Văn phòng Tổng công tố, Bộ Quốc phòng. Ông cho rằng cần xây dựng một cơ cấu an ninh mới thay thế Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 mà “không có sự tham gia của Nga".

Trong quan hệ đối ngoại, ông Poroshenko cũng có những chiến lược rất rõ ràng, quyết đoán. Một mặt, ông khẳng định muốn “chơi” với cả Nga và phương Tây, mặt khác ông lên kế hoạch chọn Ba Lan là quốc gia đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức. Chiến lược này được ông Poroshenko xây dựng dựa trên thực tế rằng Ukraine đang bị phân chia thành 3 vùng rõ rệt: 9 tỉnh Đông Nam ngả theo Nga, 7 tỉnh phía Tây ngả theo phương Tây, 7 tỉnh còn lại muốn đi theo Ba Lan. Chọn Ba Lan đi thăm đầu tiên, ông Poroshenko không chỉ tranh thủ được tình cảm của người dân 7 tỉnh trung dung, mà còn tránh được tình huống khó xử trong việc lựa chọn giữa Đông và Tây.

Tuy nhiên để không làm mất lòng Nga và phương Tây, Tổng thống đắc cử Poroshenko đã bày tỏ hy vọng sau Ba Lan, ông sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo Nga và một số nước châu Âu. Ông cũng không quên nhấn mạnh việc khôi phục ổn định ở các khu vực miền Đông Ukraine phụ thuộc vào sự can dự của Mátxcơva.

Và những khó khăn báo trước

Trong những phản ứng đầu tiên sau khi ông Poroshenko được tuyên bố thắng cử, cả Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đều tuyên bố ủng hộ nhà lãnh đạo mới của Ukraine. Đây là những cam kết quan trọng để ông Poroshenko có được không gian cần thiết cho việc xác định đường lối đối ngoại cũng như đối nội của đất nước trong thời gian tới.

Tuy nhiên, làm thế nào để cân bằng mối quan hệ với Nga và phương Tây sẽ là bài toán khó nhất đối với bất kỳ nhà lãnh đạo mới nào của Ukraine. Với sự phân phân hóa quan điểm chính trị rõ rệt giữa các vùng, với vị trí địa lý nằm kẹp giữa Nga và châu Âu, và đặc biệt là việc đã trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng giữa hai thế lực Đông – Tây từ nhiều năm qua, bất kỳ chính quyền nào muốn tồn tại lâu dài ở Ukraine đều phải tìm cách đạt được điểm cân bằng cần thiết. Với Tổng thống đắc cử Poroshenko cũng vậy, ông sẽ không được phép quá nghiêng về một bên. Nói cách khác, mọi quyết sách đưa ra đều phải xây dựng trên cơ sở cân bằng, cũng giống như khi ông lập bảng cân đối thu - chi cho Tập đoàn sô-cô-la của mình.

Bên cạnh việc tìm kiếm và duy trì cân bằng ảnh hưởng từ bên ngoài, ông Poroshenko cũng phải tìm được cầu nối giữa người dân khu vực Đông-Nam và phần còn lại của đất nước. Với hai ngôn ngữ khác nhau (một bên nói tiếng Nga, một bên nói tiếng Ukraine), hai ý thức hệ đối lập (một bên thân Nga, một bên thân châu Âu) và mức sống chênh lệch, việc tìm được tiếng nói chung không dễ dàng. Mọi khó khăn sẽ càng nhân lên trong bối cảnh bất ổn đang gia tăng mạnh ở CH nhân dân Donetsk sau khi “nước cộng hòa tự xưng” này tuyên bố không công nhận chính quyền trung ương và sẽ tách ra thành một thực thể độc lập.

Một nhiệm vụ khó khăn khác nữa đối với ông Poroshenko là khôi phục kinh tế đất nước kiệt quệ sau nhiều tháng xung đột. Mặc dù là người được đào tạo bài bản về chuyên ngành kinh tế, từng nắm cương vị quản lý nhà nước về kinh tế và lại là một doanh nhân thành đạt, ông Poroshenko có rất nhiều lợi thế trong công tác này. Nhưng mọi cơ hội thành công của ông sẽ khó trở thành hiện thực nếu như các dòng chảy khí đốt từ Nga không được sớm khơi thông trở lại, vì đây là một trong những huyết mạch chính của kinh tế Ukraine.

Trong bất kỳ cuộc khủng hoảng chính trị nào, việc tiến hành các cuộc bầu cử công khai, minh bạch và dân chủ luôn là chìa khóa thoát khỏi bế tắc. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước đi cần thiết đầu tiên. Trong lộ trình đi tới sự ổn định của đất nước nằm kẹp ở vùng đệm giữa Nga và phương Tây, chắc chắn chính quyền của ông Poroshenko sẽ còn trải qua nhiều chông gai, với những ẩn số chưa được giải đáp. Bất cứ một toan tính sai lầm nào làm nghiêng lệch cán cân Đông – Tây, cả bên trong và bên ngoài, đều sẽ khiến Ukraine phải trả giá.

Khi đó, chiến thắng hiện nay sẽ không chỉ mang mầu sô-cô-la mà còn mang cả vị đắng.

Đức Vũ