Máy bay Nga mở rộng tuần tra khắp thế giới
Các phi cơ ném bom chiến lược của Nga tái khởi động bay tuần tra tầm xa kể từ tháng 8 vừa qua sau nhiều năm gián đoạn. Đến nay họ đã thực hiện trên 70 lượt bay trên Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Bắc Băng Dương và Biển Đen.
Thiếu tướng Pavel Androsov, tư lệnh đơn vị bay chiến lược của không quân Nga, công bố con số trên trong một cuộc họp báo tại Bộ Quốc phòng hôm qua. Tổng thống Vladimir Putin cho nối lại các chuyến bay tuần tra tầm xa từ ngày 17/8 vì cho rằng, dù Nga đã ngừng hoạt động chiến lược này năm 1992 nhưng các nước khác vẫn duy trì.
"Kể từ ngày 17/8 đến nay, các máy bay ném bom chiến lược của Nga đã thực hiện trên 70 chuyến tuần tra và cho phóng 217 quả tên lửa không mang đầu đạn để tập luyện", tướng Androsov tiết lộ. Ông cho biết thêm, các phi công cũng thực hành chiến thuật phát hiện sớm các mục tiêu và đưa ra biện pháp đối phó.
Cũng theo lời tướng Androsov, có ít nhất 120 máy bay đánh chặn của NATO đã bay áp sát phi cơ ném bom Nga trong hầu hết những chuyến tuần tra. "Các máy bay quân sự của Mỹ, Canada, Anh, Na Uy và thậm chí cả Pháp đã theo sát chúng tôi trên không", ông cho biết. Sĩ quan này khẳng định phi công NATO không thể hiện sự thù địch với các máy bay Nga.
Trong Chiến tranh Lạnh, cả Mỹ và Liên Xô đều duy trì thường xuyên hoạt động bay tuần tra tầm xa của các máy bay ném bom hạt nhân chiến lược. Nhưng tới năm 1992, Matxcơva cho ngừng hoạt động này, do sự sụp đổ của Liên Xô trước đó và sự bất ổn liên tiếp về chính trị và kinh tế ở nước Nga.
Tuy nhiên, với việc giá dầu mỏ tăng khiến nền kinh tế Nga hồi phục đã giúp nước này có điều kiện đầu tư mạnh vào công nghệ quân sự. Việc Matxcơva cho nối lại các chuyến bay tuần tra tầm xa sau 15 năm gián đoạn là một trong những dấu hiệu cho thấy Nga đang tự khẳng định lại vị thế về quân sự và chính trị.
Theo nhiều nguồn tin, không quân Nga đang triển khai các máy bay ném bom chiến lược gồm 141 chiếc Tu-22M3, 40 chiếc Tu-95MS và 14 chiếc Tu-160. Trong số này, Tu-95 là loại máy bay ném bom và mang tên lửa chiến lược được đánh giá là thành công và có thời gian phục vụ lâu nhất của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Dự kiến nó sẽ tồn tại trong không quân Nga ít nhất đến năm 2040.
Tu-95 sử dụng 4 động cơ tuabin phản lực cánh quạt Kuznetsov. Loại máy bay này có phi hành đoàn 7 người, chiều dài 49,50 mét, sải cánh 51,10 mét, tốc độ tối đa 925 km/h, tầm bay 15.000 km, trần bay 12.000 mét, trang bị một hoặc hai khẩu pháo AM-23 cỡ nòng 23 mm ở phía đuôi cùng số tên lửa nặng 15 tấn.
Theo Đình Chính
Vnexpress/Ria Novosti