Máy bay Airbus ùn ứ ở châu Âu vì Trung Quốc chưa "gật đầu" giao hàng
(Dân trí) - Hàng trăm máy bay Airbus sản xuất đang nằm trong các kho ở Pháp và Đức, và hãng hàng không này không thể bàn giao cho các hãng hàng không Trung Quốc vì chưa được cơ quan quản lý hàng không nước này cấp phép.
CNN đưa tin, Airbus muốn bán gần 200 máy bay nữa cho Trung Quốc trong tuần này. Nhưng các hãng hàng không Trung Quốc chưa được bàn giao nhiều máy bay mà họ đã đặt hàng từ Airbus, dù các máy bay này đã được chế tạo xong. Lý do là vì cơ quan quản lý hàng không dân sự Trung Quốc chưa "gật đầu" cho việc bàn giao.
Tại các nhà máy Airbus ở Pháp và Đức, hơn 10 máy bay A320neo và A321neo đang nằm “đắp chiếu” từ mùa xuân năm ngoái và chỉ chờ chữ kí từ Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC). Khoảng 6 chiếc A350 khác được sản xuất riêng theo yêu cầu của đối tác hàng không Trung Quốc cũng đang “mắc kẹt” ở trụ sở chính của hãng nằm ở thành phố Toulouse ở miền nam Pháp, CNN đưa tin.
Trung Quốc sẽ trở thành thị trường máy bay lớn nhất thế giới trong 2 thập niên tới, vì vậy việc được chính phủ nước này “gật đầu” thông qua các thương vụ mua sắm mang ý nghĩa to lớn với các ông lớn trong ngành sản xuất máy bay như Airbus hay Boeing (Mỹ).
Chưa ai có thể giải thích lý do của sự chậm trễ này, tuy nhiên một vài nguồn thạo tin cho rằng nguyên nhân nằm ở yếu tố chính trị hơn là yếu tố kỹ thuật. Việc Trung Quốc chậm thông qua có thể do Bắc Kinh và châu Âu đã thống nhất về hiệp định an toàn kỹ thuật hàng không mới.
Ông Richard Aboulafia, chuyên gia phân tích trong tập đoàn tư vấn hàng không Teal, cho rằng đây có thể là ví dụ của khái niệm “làm ngoại giao trong kinh doanh”. Ông cho rằng sự lớn mạnh của Trung Quốc trong ngành công nghiệp hàng không với tư cách vừa là đối thủ cạnh tranh và vừa là khách hàng đã mang lại cho họ lợi thế trước Airbus hay Boeing. Sức mua của họ đã vượt quá quy mô thị trường.
Trung Quốc tham vọng cạnh tranh với Airbus và Boeing?
Và Airbus đang nỗ lực để “lấy lòng” chính phủ Trung Quốc. Trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Bắc Kinh, Airbus tuyên bố sẽ tăng sản lượng lắp ráp công đoạn cuối cùng ở nhà máy của Airbus ở Thiên Tân Trung Quốc. Cụ thể, họ sẽ tăng từ 4 máy bay lên thành 6 máy bay A320 mỗi tháng vào năm 2020. Airbus sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để chế tạo máy bay thương mại lớn nhất thế giới A380. Điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều đơn đặt hàng hơn từ Trung Quốc.
Giám đốc điều hành Airbus Fabrice Brégier đã tới Bắc Kinh gặp giám đốc CAAC Feng Zhenglin hồi tháng 10 năm ngoái để thảo luận về hoạt động kinh doanh của Airbus ở Trung Quốc, trong đó bao gồm chứng nhận kỹ thuật cho các máy bay của hãng. Cả CAAC và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều không bình luận về lý do chứng nhận này bị chậm trễ so với dự kiến.
Phía Airbus vẫn phủ nhận nguyên nhân chậm trễ đến từ yếu tố chính trị. Họ cho rằng đây đơn thuần chỉ là vấn đề về quy trình kỹ thuật.
Tuy nhiên, CNN cho rằng sự chần chừ của Bắc Kinh dường như bắt nguồn từ tham vọng của nước này nhằm cạnh tranh trực tiếp với Airbus và Boeing trong tương lai.
Trung Quốc đang trong quá trình hoàn thiện hiệp định an toàn hàng không mới với châu Âu để công nhận các tiêu chuẩn an toàn hàng không của Trung Quốc. Điều này sẽ tạo động lực cho tham vọng mang máy bay Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường châu Âu của Bắc Kinh.
Tháng 5/2017, đối thủ đầu tiên của Boeing và Airbus đến từ Trung Quốc - mẫu máy bay Comac C919 - đã tiến hành lần bay thử đầu tiên. Trong những năm qua, Trung Quốc đã yêu cầu Airbus can thiệp với Cơ quan An toàn hàng không châu Âu và Ủy ban châu Âu, giúp xúc tiến các cuộc đàm phán về thỏa thuận an toàn hàng không. Điều này có thể đã khiến việc cấp phép cho các mẫu máy của Airbus bị chậm trễ.
Đức Hoàng