1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mật vụ Trung Quốc bí mật tung hoành ở nhiều nước bắt quan tham

Báo New York Times ( Mỹ) tháng 12/2015 đưa tin, mật vụ Trung Quốc đang gia tăng hoạt động bí mật ở Mỹ và một số nước nhằm truy bắt những tội phạm bị truy nã ở Trung Quốc vì tội tham nhũng và đưa chúng về nước xét xử.

Số quan tham Trung Quốc từ "hổ lớn" tới "hổ nhỏ" trốn ra nước ngoài những năm gần đây lên tới con số hàng ngàn người. Để bắt họ đền tội và thu lại những khối tài sản kếch sù, Bắc Kinh đang tập hợp đội ngũ cảnh sát quy mô hoạt động ở nước ngoài để truy bắt.

Tội phạm lẩn trốn ở hàng chục quốc gia

Đầu năm 2015, Ủy ban kiểm tra - kỷ luật trung ương (CCDI, thuộc Đảng Cộng sản (CPC) tải lên trang web của họ một danh sách đen những tội phạm kinh tế quốc tế cộm cán nhất Trung Quốc... được cho là trốn đến nhiều quốc gia như Mỹ, Australia, Canada...

Ban đầu danh sách đen này cấp cho chính phủ các nước, để giúp Trung Quốc bắt các nghi phạm và thu hồi tài sản bất chính của họ. Những kẻ đào tẩu này từng là cán bộ công chức các cấp ở Trung Quốc, bị cáo buộc các tội: tham nhũng, rút ruột công quỹ, nhận hối lộ và lạm quyền. Danh sách đen có nhiều thông tin chi tiết gồm tên họ, ảnh và số chứng minh nhân dân cùng những điểm đến giả định của từng kẻ đào tẩu.

Chiến dịch do Chủ tịch  Tập Cận Bình khởi xướng hồi cuối năm 2013. Số liệu của Bộ Công an Trung Quốc nêu, có hơn 930 nghi phạm trên thế giới đã bị bắt về nước kể từ năm 2014.

Đầu năm 2015, Bắc Kinh đã bắt giữ 288 nghi phạm bị cáo buộc là tội phạm tài chính ở 56 quốc gia trong chiến dịch "Săn  cáo"- theo Reuters. Bộ công an Trung Quốc cho biết, 126 người trong số này đã bị đưa về nước xét xử và đã nhận tội. Một số người bị bắt tại Mỹ, Australia và Canada.

Theo giới truyền thông Trung Quốc, Bắc Kinh đã cử nhiều cán bộ ra nước ngoài để "thuyết phục" các mục tiêu về nước. Có điều là không thể rõ ý đồ của họ.

Cảnh sát Trung Quốc săn lùng tội phạm kinh tế.
Cảnh sát Trung Quốc săn lùng tội phạm kinh tế.

Sau một đợt truy quét thành công hồi tháng 9.2014, Vụ phó Vụ tội phạm kinh tế Liu Dong thuộc Bộ Công an Trung Quốc cho biết, các tội phạm kinh tế vượt biên là những "con cáo xảo quyệt" trốn ra nước ngoài để không bị trừng phạt. "Nhưng chúng tôi là những thợ săn khôn ngoan, sẽ đóng đinh chúng. Dù chúng là ai, ở đâu, chúng tôi cũng sẽ bắt được".

Ông Liu khẳng định, các cán bộ công an Trung Quốc phải tuân thủ luật của nước khác và họ phải hợp tác với cảnh sát nước sở tại. Nhưng ông cũng thừa nhận: "Nguyên tắc của chúng tôi: dù có thỏa thuận hay không, cứ có thông tin nghi phạm hình sự ở đâu, thì chúng tôi sẽ bắt chúng ở đó".

Hồi cuối năm 2014, hai sĩ quan cảnh sát Trung Quốc bị bắt quả tang hoạt động "chìm" tại Australia mà không có sự chấp thuận của cơ quan bảo vệ pháp luật nước này. Họ từ tỉnh Sơn Đông (đông bắc Trung Quốc) đến Melbourne, để truy bắt một công dân bị buộc tội nhận hối lộ.

Các quan chức Australia lập tức triệu tập cán bộ ngoại giao Sứ quán Trung Quốc ở Canberra để phàn nàn về vụ hoạt động "chìm" này, theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao-thương mại Australia.

Hồi tháng 4/2015, giới truyền thông Trung Quốc đưa tin: cảnh sát quốc tế INTERPOL báo động: Bắc Kinh truy nã gắt gao 100 nghi phạm đào tẩu. Nhưng các chuyên gia xem xét những cái tên này và nghi ngờ rằng, đây không phải là những mục tiêu bị truy nã gắt gao nhất của Trung Quốc, vì trong số trên có một cựu phó chủ tịch ủy ban nhân dân một thành phố, nhân viên của nhiều tập đoàn quốc doanh và một giáo sư sử học, chứ không hề có ai giữ quyền cao chức trọng.

Các quan chức Mỹ không đưa ra thông tin về những thành phần bị Trung Quốc truy nã gắt gao ở nước này. Họ được cho là những Hoa kiều thành đạt, một số bị truy nã vì tham nhũng kinh tế cùng một vài người bị xếp diện tội phạm chính trị.

Hiện Bắc Kinh và Mỹ không có hiệp ước dẫn độ. Marc Raimondi, người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ nói: " Hoa Kỳ không phải là nơi ẩn náu an toàn cho những kẻ đào tẩu của bất kỳ nước nào". Ông nói thêm: nếu Mỹ giúp Trung Quốc truy bắt những đào tẩu, thì Bắc Kinh phải cung cấp chứng cứ cho Bộ Tư pháp Mỹ.  Nhưng Trung Quốc thường không cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của Bộ này.

Steve Tsang, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện chính sách Trung Quốc của Đại học Nottingham, nói: từ lâu điệp viên chìm hoạt động bí mật ở nước ngoài là một chủ trương của CPC nhằm kiểm soát chặt chẽ tất cả người Hoa, dù họ có quốc tịch khác chăng nữa.

Chiến dịch "Săn cáo"

Tờ báo Hoa Kỳ dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, việc cảnh sát chìm Trung Quốc hoạt động bí mật ở Mỹ là một phần chiến dịch "Săn cáo" nhằm truy bắt và đưa về nước những quan chức tham nhũng vượt biên ra nước ngoài định cư.

Bộ công an Trung Quốc phụ trách thực hiện chiến dịch này- theo các quan chức Mỹ nói với tờ Times. Các điệp viên đại lục đến Mỹ bằng hộ chiếu du lịch, áp dụng nhiều chiến thuật để bắt những kẻ đào tẩu, gồm cả việc dọa người thân còn sống của họ ở Trung Quốc.

Hoạt động này đã khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama gửi lời cảnh cáo đến Bắc Kinh trong những ngày gần đây, yêu cầu chấm dứt hoạt động. Ông Obama đã đề cập vấn đề này khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Nhà Trắng vào tháng 9/2015.

Hiện chưa rõ liệu Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) hay Bộ An ninh nội địa Mỹ có tán thành việc trục xuất điệp viên Trung Quốc ra khỏi Mỹ hay không, nhưng quyết định của Nhà Trắng cho phép Bộ Ngoại giao ban hành cảnh báo với Trung Quốc về những hành động nói trên có thể là bước đi đầu tiên trong quá trình này.

Giới chức Mỹ nói rằng, cả FBI và Bộ An ninh nội địa đã thu thập được bằng chứng về mật vụ Trung Quốc qua việc trò chuyện với người Trung Quốc ở nước ngoài và giám sát bản thân những mật vụ này.

Quan tham Chu Vĩnh Khang hầu tòa.
Quan tham Chu Vĩnh Khang hầu tòa.

Phản ứng trước những thông tin trên, Tân Hoa xã gọi việc yêu cầu mật vụ Trung Quốc rời khỏi Mỹ là "hành động đáng tiếc", và cáo buộc chính quyền của Tổng thống Obama phá vỡ các thỏa thuận song phương về thực thi pháp luật.

"Mỹ nên thể hiện sự chân thành trong hợp tác chống tham nhũng với Trung Quốc, và chấm dứt những tính toán thiển cận" - Tân Hoa xã viết và cho rằng, một số nhà phân tích thậm chí nói Mỹ không muốn cho những quan tham Trung Quốc hồi hương vì lợi ích tiền bạc.

Thông tin trên đúng vào thời điểm hai chính phủ Mỹ-Trung đang có nhiều bất đồng. Các quan chức Mỹ ngày càng thất vọng về các chủ trương của Bắc Kinh, như việc phá giá đồng Nhân dân tệ, tin tặc Trung Quốc trộm thông tin cá nhân của hàng triệu công chức Mỹ, ngang nhiên xây đảo và sân bay trái phép tại Biển Đông...

Chiến dịch "Săn Cáo" là một phần trong công cuộc bài trừ tham nhũng "đả hổ đập ruồi".

Tăng tốc truy lùng kẻ thù số 1 của Trung Quốc ở Mỹ

Một quan chức Mỹ thừa nhận: điệp viên Trung Quốc đã tăng tốc truy lùng ông Lệnh Hoàn Thành, một doanh nhân giàu có, quan hệ rộng ở Trung Quốc đã trốn qua Mỹ hồi năm 2014, sống trong một biệt thự xa hoa.

Nếu Lệnh xin tỵ nạn chính trị, ông ta có thể trở thành kẻ vượt biên gây tổn thất nghiêm trọng trong lịch sử Trung Hoa. Vì Lệnh Hoàn Thành là em út của ông Lệnh Kế Hoạch, cựu chánh văn phòng trung ương CPC (dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào) và là người đang bị điều tra vì tội tham nhũng và nhiều tội danh khác.

Lệnh Hoàn Thành được cho là đang nắm giữ nhiều "bí mật cốt lõi" mà ông anh lén tích luỹ được trong 15 năm làm việc tại Văn phòng Trung ương Đảng. Lệnh Hoàn Thành đang trốn ở Mỹ và dùng các tài liệu mật để đòi Chính phủ Trung Quốc phải thả anh trai mình.

Tờ New York Times trước đó cho biết, Lệnh Hoàn Thành có thể trở thành "một trong những kẻ đào tẩu nguy hiểm nhất" trong lịch sử Trung Quốc nếu xin được tị nạn chính trị ở Mỹ.

Theo Nguyễn Minh - S.H (tổng hợp)

Cảnh sát toàn cầu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm