1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mali: Cánh cửa hòa bình hé mở

(Dân trí) - Tổng thống Mali đã chính thức đệ đơn từ chức sau nhiều tuần bị lật đổ trong cuộc đảo chính. Gần như cùng lúc, ECOWAS cũng dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với nước này, mở ra triển vọng về khả năng khôi phục hòa bình tại quốc gia Tây Phi này.

Mali: Cánh cửa hòa bình hé mở
Chủ tịch Quốc hội Dioncounda Traoré (giữa) trở về Mali ngày 8/4 để đảm nhận cương vị Tổng thống lâm thời trong giai đoạn chuyển tiếp.

Tổng thống Mali Amadou Toumani Touré đệ đơn từ chức hôm 8/4, mở đường cho nhóm binh sĩ đảo chính chuyển giao quyền lực cho một chính phủ thống nhất dân tộc do Chủ tịch Quốc hội Dioncounda Traoré đứng đầu.

Trong tuyên bố từ chức, ông Touré cho biết ông từ chức không vì áp lực mà vì lòng  yêu nước.  

Ông cũng đánh giá cao thỏa thuận chuyển giao quyền lực do Cộng đồng Kinh tế c quốc gia Tây Phi (ECOWAS) làm trung gian.

Theo thỏa thuận chuyển giao quyền lực được hoàn tất tối 6/4, lực lượng đảo chính ở Mali đồng ý rút lui để khôi phục dân chủ nếu như ông Touré từ chức và chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước cho Chủ tịch Quốc hội Traoré đang sống lưu vong ở nước ngoài để ông này thực hiện sứ mệnh hòa giải dân tộc và lập lại hòa bình ở miền Bắc.

Cụ thể, ông Traoré sẽ có 40 ngày để tổ chức bầu cử nhằm bầu ra chính phủ đoàn kết dân tộc không có sự tham gia của quân đội. Ngoài ra, ông cũng sẽ phải tìm kiếm giải pháp nhằm chấm dứt xung đột với lực lượng phiến quân ly khai người Tuareg do Mặt trận Dân tộc Giải phóng Azawad (MNLA) đứng đầu.

Chính trường Mali bất ngờ rơi vào binh biến hôm 22/3 sau khi một nhóm binh sĩ bất ngờ tiến hành vụ đảo chính lật đổ chính phủ của Tổng thống Touré vì cho rằng chính phủ bất lực trước các vụ tấn công của lực lượng phiến quân ở miền Bắc có quan hệ với nhánh al-Qaeda ở Bắc Phi.

Nhân cơ hội này, MNLA đã đẩy mạnh tấn công và chiếm giữ ba thành phố trọng điểm ở miền Bắc. Ngoài ra, lực lượng này cũng đơn phương tuyên bố độc lập ở những vùng chiếm đóng.

Tuy nhiên, các hành động của MNLA đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của dư luận khu vực cũng như quốc tế. Thậm chí, một số nước láng giềng của Mali còn tuyên bố sẽ không loại trừ khả năng can thiệp quân sự nếu như MNLA không chấp nhận đàm phán hoặc đàm phán thất bại.

Trong nhiều thập kỷ qua, MNLA thường xuyên tiến hành hoạt động chống phá chính quyền trung ương, hòng thành lập một nhà nước độc lập của người Tuareg. Các cuộc tấn công kể từ cuối năm ngoái của phiến quân đã khiến hơn 200.000 người Mali phải đi lánh nạn.

Vũ Anh
Theo AFP, Xinhua