1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Malaysia kêu gọi Trung Quốc hợp tác trên Biển Đông

(Dân trí) - Malaysia kêu gọi Trung Quốc hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á đẩy nhanh tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong bối cảnh Bắc Kinh đang tiến hành nhiều hoạt động xây đảo khiến cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh mẽ.

Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman. (Ảnh: 

Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman. (Ảnh: Malaysian Insider)

Tờ Malaysian Insider hôm nay 23/4 dẫn lời Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho biết Kuala Lumpur dự định sẽ sử dụng cương vị Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của mình trong năm nay để thúc đẩy quá trình đàm phán COC hướng tới ngăn chặn các hành động khiêu khích trên Biển Đông.

"Malaysia hy vọng Trung Quốc sẽ hợp tác với các nước thành viên ASEAN để sớm hoàn tất đàm phán về COC", ông Anifah phát biểu.
 
Theo Ngoại trưởng Anifah, vấn đề trên cần phải đạt được những tiến triển " ý nghĩa và rõ ràng". Ông kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền phải tránh "những hành động làm tăng nghi ngờ và leo thang căng thẳng".

Trong hơn 10 năm qua, ASEAN đã nhiều lần thúc giục Trung Quốc hoàn thành việc đàm phán COC dựa trên cơ sở của Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002,  kêu gọi các bên tôn trọng tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp bằng đàm phán và tự kiềm chế. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá Bắc Kinh muốn trì hoãn việc ký kết COC.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Malaysia trong bài phỏng vấn hôm nay 23/4 cũng cảnh báo rằng việc Trung Quốc tiến hành cải tạo trên nhiều đảo và bãi đá tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông sẽ khiến xung đột leo thang.

Các nhà quan sát nhận định Bắc Kinh có thể sử dụng các đảo nhân tạo này để triển khai lực lượng quân sự trên Biển Đông nhằm lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bất hợp pháp để hiện thực hóa giấc mơ độc chiếm Biển Đông.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 17/4 tuyên bố sự hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông, nơi có 5.000 tỷ USD hàng hóa của thế giới đi qua mỗi năm, là một vấn đề toàn cầu và sẽ không chỉ ảnh hưởng tới các nước Đông Nam Á.

Biển Đông có tiềm năng về năng lượng với nhiều túi dầu, khí lớn và là tuyến đường hàng hải quan trọng, với lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD lưu thông qua đây mỗi năm. Khu vực này trong những năm gần đây đã trở thành điểm nóng tiềm ẩn xung đột do Trung Quốc đang có những động thái đẩy mạnh các yêu sách chủ quyền trên phần lớn Biển Đông.

Hồi giữa tháng này, Tổng thống Philippines cũng tuyên bố rằng trong Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của ASEAN tới đây, ông sẽ tiếp tục kêu gọi các nước thành viên ASEAN đẩy nhanh đàm phán thống nhất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để tạo ra một khuôn khổ cho hành động của các nước trên Biển Đông.

Thoa Phạm
Theo Malaysian Insider