1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do Triều Tiên duyệt binh khi cả thế giới “đổ dồn” về Hàn Quốc

(Dân trí) - Việc Triều Tiên tổ chức duyệt binh đúng vào thời điểm Hàn Quốc đăng cai Thế vận hội mùa Đông, sự kiện thể thao lớn nhất thế giới, được cho là ẩn chứa những thông điệp nhất định.

Toàn cảnh lễ duyệt binh của Triều Tiên ở Quảng trường Kim Nhật Thành tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: AFP)
Toàn cảnh lễ duyệt binh của Triều Tiên ở Quảng trường Kim Nhật Thành tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: AFP)

Triều Tiên dự kiến sẽ triển khai hàng trăm tên lửa tham gia lễ duyệt binh quy mô lớn tại các tuyến phố ở thủ đô Bình Nhưỡng trong ngày hôm nay 8/2. Sự kiện quân sự này diễn ra chỉ một ngày trước khi Hàn Quốc khai mạc Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang, hay còn gọi là “Olympic Hòa bình”, với sự tham gia của các đoàn vận động viên từ các quốc gia trên thế giới. Triều Tiên cũng cử đoàn vận động viên cùng đội cổ động và văn công hùng hậu tới tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Thế vận hội.

CNN nhận định, đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, lễ duyệt binh là cơ hội để khơi dậy tinh thần yêu nước và phô trương những tiến bộ trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Còn đối với Hàn Quốc, việc Triều Tiên tổ chức duyệt binh là “cú đấm” vào những nỗ lực của Tổng thống Moon Jae-in trong việc kết nối với quốc gia láng giềng thành một mặt trận thống nhất, nhất là khi đoàn vận động viên hai nước đã đồng ý diễu hành chung dưới một lá cờ tại Thế vận hội.

“Triều Tiên thường có xu hướng hành xử như vậy trong những giai đoạn “im hơi lặng tiếng” để cho thấy sự độc lập của họ, và cũng là để chứng tỏ rằng kho vũ khí hạt nhân của họ đã thực sự tiến xa. Đây là dấu hiệu rõ ràng của sự thách thức, và đúng là họ có ý định làm như vậy”, Adam Mount, nhà nghiên cứu cấp cao tại Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ, nhận định.

Phô diễn sức mạnh

Duyệt binh là dịp Triều Tiên phô diễn sức mạnh của các loại vũ khí (Ảnh: Reuters)
Duyệt binh là dịp Triều Tiên phô diễn sức mạnh của các loại vũ khí (Ảnh: Reuters)

Các lễ duyệt binh của Triều Tiên đã tạo cơ hội hiếm hoi cho các nhà phân tích tình báo để họ có thể theo dõi những thiết bị quân sự của một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới. Năm 2017, cộng đồng tình báo chuyên theo dõi chương trình vũ khí của Triều Tiên đã bị choáng ngợp trước các tên lửa tối tân được phô diễn trong lễ duyệt binh của Triều Tiên.

Giới chuyên gia nhận định trong lễ duyệt binh hôm nay, Bình Nhưỡng có thể sẽ công bố những công nghệ mới như các tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn tầm xa mới. Một nguồn tin ngoại giao tiết lộ dự kiến sẽ có hàng trăm tên lửa và rocket đưa đưa vào lễ duyệt binh với mục đích “khiến người Mỹ khiếp sợ”.

Dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả phân tích hình ảnh vệ tinh và các nguồn tin ngoại giao, giới phân tích cho rằng thông qua lễ duyệt binh, Triều Tiên có thể sẽ cho thế giới thấy rằng nước này đang trong quá trình sản xuất hàng loạt các công nghệ mà họ từng “trình làng” năm ngoái như tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15.

“Nếu chúng ta nhìn lại năm ngoái, chúng ta đã thấy nhiều công nghệ mới (của Triều Tiên). Tôi nghĩ năm nay, lễ duyệt binh chắc chắn là cơ hội để Triều Tiên khoe những vũ khí mà họ đã thử nghiệm năm ngoái”, Melissa Hanham, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chống phổ biến vũ khí thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury, nhận định.

Tuy nhiên, nếu lễ duyệt binh năm ngoái được mở cửa tự do cho truyền thông quốc tế thì năm nay, Triều Tiên chỉ mời một số ít các nhà ngoại giao và sẽ kiểm soát tất cả các hình ảnh được công bố ra bên ngoài. Hiện chưa rõ khi nào Bình Nhưỡng sẽ công bố những bức ảnh này. Trong khi đó, việc Youtube, trang chia sẻ video trực tuyến lớn nhất thế giới, đóng cửa một số kênh tuyên truyền của Triều Tiên có thể khiến việc theo dõi lễ duyệt binh trở nên khó khăn hơn.

Mặc dù truyền hình nhà nước Triều Tiên vẫn đưa tin về các sự kiện, song Bình Nhưỡng thường có xu hướng xác nhận các thành tựu quân sự của nước này, bao gồm các vụ phóng tên lửa thành công, trong khoảng 24 giờ sau khi các sự kiện diễn ra. Tuy vậy, trước khi Triều Tiên công bố chính thức, truyền thông nước ngoài đã đăng tải hàng loạt tin tức liên quan.

Sự khác biệt

Ông Kim Jong-un giơ tay chào khi dự lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội Triều Tiên năm 2017 (Ảnh: KCNA)
Ông Kim Jong-un giơ tay chào khi dự lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội Triều Tiên năm 2017 (Ảnh: KCNA)

Triều Tiên đã tổ chức các lễ duyệt binh từ những ngày đầu khi cố lãnh đạo Kim Nhật Thành lên nắm quyền điều hành đất nước. Những hình ảnh binh sĩ Triều Tiên diễu hành thời đó cũng không khác nhiều so với các lễ duyệt binh ngày nay. Tuy nhiên, năm nay sẽ là năm đầu tiên Bình Nhưỡng duyệt binh vào ngày 8/2, thay vì chọn ngày 25/4 như trước đây.

Từ những năm 1970 cho tới năm 2014, Triều Tiên thường lấy 25/4 làm ngày kỷ niệm Quân đội Cách mạng Nhân dân Triều Tiên (KPRA). Được thành lập từ năm 1932, đây chính là lực lượng quân đội du kích đã chiến đấu chống lại sự chiếm đóng của quân Nhật trên bán đảo Triều Tiên.

Theo lịch sử Triều Tiên, vào ngày 8/2/1948, cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, ông nội của đương kim lãnh đạo Kim Jong-un, đã chuyển lực lượng KPRA thành Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA). Khi đó, bán đảo Triều Tiên đã được chia tách thành hai quốc gia độc lập là Triều Tiên và Hàn Quốc.

Từ năm 2015 đến nay, ông Kim Jong-un đều tổ chức kỷ niệm ngày thành lập KPA vào ngày 8/2 và năm nay Triều Tiên lần đầu tiên đánh dấu ngày lễ quan trọng này bằng sự kiện duyệt binh. Giới phân tích cho rằng đây là nỗ lực của ông Kim Jong-un nhằm ghi dấu ấn trong nhiệm kỳ lãnh đạo của mình.

Lễ duyệt binh của Triều Tiên được cho là nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những ai đang quan tâm tới Thế vận hội do Hàn Quốc đăng cai từ ngày 9-25/2 cũng như những người tò mò về năng lực hạt nhân của Triều Tiên.

Lễ duyệt binh được tổ chức trong bối cảnh nhiều người Hàn Quốc không tin tưởng vào thiện chí của Triều Tiên khi bắt tay hợp tác với Seoul trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Theo chuyên gia Daniel Pinkston tại Đại học Troy ở Seoul, Bình Nhưỡng có thể muốn tạo ra sự chia rẽ và xáo trộn trong nội bộ Hàn Quốc, cũng như mối liên minh Mỹ - Hàn giữa lúc mối quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn ở trong trạng thái “căng như dây đàn”.

Thành Đạt

Tổng hợp