1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lực lượng phản ứng của NATO coi Nga là đối thủ giả định

(Dân trí) - Các tài liệu mới được phái đoàn Nga tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) công bố cho thấy lực lượng phản ứng của tổ chức này coi Nga là đối thủ giả định trong các cuộc huấn luyện thường xuyên.

 

Lực lượng phản ứng của NATO coi Nga là đối thủ giả định - 1

Lực lượng phản ứng của NATO (Ảnh: TASS)

Theo bộ tài liệu mang tên “Nga - NATO: Sự thật và Viễn cảnh” do phái đoàn Nga tại NATO soạn thảo, lực lượng phản ứng của tổ chức này, gọi tắt là NRF, là một bộ phận trực thuộc NATO, hỗ trợ cho các lực lượng lục quân, không quân, hải quân đa quốc gia và các lực lượng đặc biệt của NATO.

NRF được huấn luyện nhằm sẵn sàng ứng phó một cách nhanh nhất với các mối đe dọa an ninh, đáp ứng ngay lập tức các lệnh triển khai của NATO tới bất cứ khu vực nào cần thiết. Trong tài liệu này, “các mối nguy hiểm về an ninh” hay “các thách thức bên ngoài” ngụ ý nói tới mối đe dọa từ phía Nga.

“Trước đây, NRF chỉ nhằm đối phó với các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên kể từ giữa năm 2014 tới nay, NRF đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đối phó với mối đe dọa xâm lăng từ láng giềng phía Đông”, bản tài liệu nêu rõ.

Cụm từ “láng giềng phía Đông” không có ý nhằm vào nước nào khác ngoài Nga.

Theo tài liệu trên, kế hoạch trong năm 2016 của NATO sẽ là tăng số lượng binh sĩ tại các đơn vị của NRF lên 30.000 người. Theo NATO, điều này sẽ đảm bảo việc triển khai các nhóm NRF dọc theo biên giới với Nga cũng như tạo điều kiện cho công tác huấn luyện và phối hợp với các lực lượng quân sự của các nước đồng minh trong khu vực.

Trên thực tế, NATO đã lần lượt thiết lập hệ thống trung tâm chỉ huy tại các nước vùng Baltic, Ba Lan, Bulgaria và Romania. NATO cũng đang xem xét khả năng xây dựng các căn cứ ở các nước khác trong khu vực.

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường sức mạnh đối phó với Nga, NATO đang cân nhắc thiết lập một hệ thống hậu cần tại khu vực Đông Âu, bao gồm các cơ sở vật chất cần thiết cho việc dự trữ phương tiện, đạn dược, nhiên liệu và các thiết bị khác. Các nhà hoạch định chính sách của NATO cũng chú ý đến việc cải tạo cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự, thể hiện thông qua việc chi một khoản lớn ngân sách cho các hoạt động này.

Nhật Minh

Theo TASS

 

Lực lượng phản ứng của NATO coi Nga là đối thủ giả định - 2