1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Lửa và thịnh nộ” - kịch bản đối đầu căng thẳng Mỹ - Triều năm 2020?

(Dân trí) - Giới phân tích lo ngại về khả năng Mỹ và Triều Tiên sẽ quay lại tình trạng căng thẳng như năm 2017 khi hai nước không ngừng đưa ra những lời đe dọa nhằm vào nhau, thậm chí có nguy cơ xảy ra xung đột.

“Lửa và thịnh nộ” - kịch bản đối đầu căng thẳng Mỹ - Triều năm 2020? - 1

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại khu phi quân sự Hàn - Triều hồi tháng 6. (Ảnh: Getty)

Triều Tiên khiến không chỉ Mỹ mà cả thế giới lo ngại khi hồi đầu tháng cảnh báo họ đang lên kế hoạch cho một “món quà Giáng sinh” để gửi tới Mỹ.

Đáp lại, Tổng thống Donald Trump ngày 24/12 nói rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có lẽ đang chuẩn bị tặng ông một “món quà đẹp”, chẳng hạn một “chiếc bình đẹp” nhân dịp Giáng sinh, thay vì một vụ phóng tên lửa.

Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh mới chụp nhà máy nơi Triều Tiên sản xuất các thiết bị quân sự cho các vụ phóng tên lửa tầm xa cho thấy sự xuất hiện của một cấu trúc mới.

Tuyên bố của Triều Tiên về “món quà Giáng Sinh” được đưa ra trong bối cảnh cam kết của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về việc mang lại sự thịnh vượng kinh tế cho Triều Tiên vẫn chưa thực hiện được. Giới phân tích nhận định Bình Nhưỡng sẽ có nhiều phương án cho năm 2020. Họ cho rằng chiến lược của Triều Tiên vào năm sau sẽ có nhiều điểm tương đồng với năm 2017 hơn là so với năm 2018, khi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt đầu gặp mặt thượng đỉnh.

Các chuyên gia đã đưa ra dự đoán về một năm nhiều chông gai phía trước đối với Triều Tiên. Năm 2017 đã chứng kiến những màn khẩu chiến và dọa nạt nhau giữa Mỹ và Triều Tiên, thậm chí Tổng thống Donald Trump cảnh báo nếu Triều Tiên không dừng đe dọa Mỹ, Bình Nhưỡng có thể hứng chịu “lửa và cơn thịnh nộ mà thế giới chưa từng thấy”.

Sự khiêu khích của Triều Tiên liên tục leo thang trong năm 2017. Nước này tiến hành vụ thử hạt nhân với sức mạnh được cho là gấp 6 lần quả bom hạt nhân từng thả xuống Hiroshima, Nhật Bản vào năm 1945. Cũng trong năm này, Bình Nhưỡng nuôi ý định phát triển tên lửa có khả năng mang được vũ khí hạt nhân trên bằng cách thực hiện 17 vụ thử tên lửa, trong đó có tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 mà Triều Tiên cho là có thể vươn tới lục địa Mỹ.

Tới năm 2018, căng thẳng hạ nhiệt. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thông báo ông muốn chuyển sang chính sách byungjin, phát triển đồng thời cả vũ khí hạt nhân và kinh tế, trong đó tập trung vào lĩnh vực kinh tế.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 6/2018 là một cơ hội thực sự. Nếu Triều Tiên dừng chương trình vũ khí hạt nhân của nước này cũng như các vụ phóng tên lửa, Mỹ sẽ ủng hộ việc chấm dứt các lệnh trừng phạt và giúp Triều Tiên phát triển nền kinh tế.

Tuy nhiên, sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai vào tháng 2 năm nay kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào, trong khi các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhằm vào Triều Tiên, như cấm xuất khẩu hải sản, sắt và quặng sắt, khiến nguồn thu của nước này “điêu đứng”, vẫn có hiệu lực; chưa có dấu hiệu cho thấy mục tiêu “thịnh vượng” mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đặt ra sẽ đạt được.

Cuộc gặp lần 3 giữa ông Trump và ông Kim Jong-un tại khu phi quân sự liên Triều hồi tháng 6 cũng không thể làm thay đổi tình hình.

Triều Tiên ngày 22/12 ngụ ý rằng, nước này có thể sẽ quay trở lại và kiên trì với cách tiếp cận ngoại giao “bên miệng hố chiến tranh” truyền thống để gây sức ép hơn nữa với quan chức Mỹ và Hàn Quốc. Phát biểu tại cuộc họp của Ủy quân quân sự Trung ương đảng Lao động Triều Tiên trong tuần này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố ông muốn “đẩy mạnh các lực lượng vũ trang cả về quân sự và chính trị”.

Mỹ - Triều trở lại con đường căng thẳng?

“Lửa và thịnh nộ” - kịch bản đối đầu căng thẳng Mỹ - Triều năm 2020? - 2

Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên rời bệ phóng trong vụ phóng ngày 29/11/2017 (Ảnh: Reuters)

Theo Mark Tokola, cựu phó đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, thái độ căng thẳng của Triều Tiên có lẽ phản ánh sự thất vọng của ông Kim Jong-un.

“Giới chức tại Seoul tin rằng ông Kim Jong-un thất vọng khi chương trình hạt nhân không thể tạo ra bước đột phá. Họ nghĩ rằng ông Kim không chắc chắn về việc phải làm gì. Các lệnh trừng phạt dường như không hiệu quả. Nó có tác động rất lớn tới Triều Tiên”, ông Tokola, hiện là phó chủ tịch Viện Kinh tế Hàn Quốc tại Mỹ, cho biết.

Cuộc “vật lộn” về kinh tế của Triều Tiên được dự đoán sẽ còn gian nan hơn vào năm tới, khi người lao động Triều Tiên ở nước ngoài, lực lượng mang lại nguồn thu ngoại tệ ổn định cho Bình Nhưỡng, được yêu cầu về nước theo nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Truyền thông Hàn Quốc ước tính khoảng 100.000 người Triều Tiên đang làm việc ở gần 40 quốc gia trong năm nay, trong đó 80% tại Trung Quốc và Nga. Lực lượng lao động ở nước ngoài có thể mang về cho Triều Tiên khoảng 300 triệu USD mỗi năm.

Theo một nhà ngoại giao cấp cao của Hàn Quốc, khi các lệnh trừng phạt phát huy hiệu quả, nhà lãnh đạo Kim Jong-un “đã cạn kiệt các phương án, ngoại trừ việc đưa ra hành động khiêu khích quân sự”.

“Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để tránh “lửa và thịnh nộ lần 2”, nhà ngoại giao Hàn Quốc nói, đồng thời cảnh báo Triều Tiên có thể sẽ quay trở lại các hành động khiến căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên và đưa quan hệ ngoại giao quay trở lại cấp độ của năm 2017.

Harry Kazianis, giám đốc nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia ở Washington, cho rằng rất khó để tránh kịch bản căng thẳng leo thang.

“Hãy quên chuyện đàm phán đi. Tôi nghĩ Triều Tiên đã quyết định một cách đáng buồn rằng, việc phô diễn sức mạnh là điều cần thiết để ép Mỹ nhượng bộ. Để có thể đưa Mỹ trở lại bàn thương lượng từ vị thế của bên mang sức mạnh, Triều Tiên có lẽ muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng chương trình tên lửa của họ có chắc chắn sẽ tấn công Mỹ”, chuyên gia Kazianis nhận định.

Giới phân tích cho rằng, ngay cả khi gia tăng các hành động căng thẳng quân sự, Triều Tiên cũng cần thêm sự trợ giúp về kinh tế từ Trung Quốc trong năm 2020.

Ông Kim Jong-un từng nhiều lần nhấn mạnh mong muốn phát triển các khu du lịch của Triều Tiên vì du lịch hiện là lĩnh vực duy nhất để Triều Tiên kiếm thêm ngoại tệ mà không bị coi là vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Theo Bruce Klingner, cựu phó trưởng đại diện Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại Hàn Quốc, năm 2020 có thể sẽ chứng kiến việc Triều Tiên nối lại các hành động khiêu khích.

“Bình Nhưỡng có thể tiến lên trên nấc thang căng thẳng nhằm tìm kiếm sự nhượng bộ trước khi quay trở lại các cuộc đàm phán ngoại giao. Các phương án (của Triều Tiên) bao gồm các vụ phóng tên lửa tầm trung trước khi vượt qua lằn ranh đỏ của ông Trump về các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa”, chuyên gia Klingner nhận định.

Theo ông Klingner, Triều Tiên cũng có thể “khôi phục lại cơ sở thử nghiệm hạt nhân mà nước này từng phá bỏ, công bố các hệ thống tên lửa hoặc tàu ngầm mới, hoặc tiến hành các động thái khiêu khích quân sự ở cấp độ thấp tại vùng biển phía tây gần Hàn Quốc”.

Cựu chuyên gia CIA Soo Kim nhận định, nếu các vụ việc tương tự năm 2017 xảy ra vào năm sau, căng thẳng sẽ lan rộng ra toàn khu vực Đông Bắc Á.

“Ông Kim Jong-un có trong tay hàng loạt công cụ gây căng thẳng, từ các vụ thử tên lửa cho tới các hành động khiêu khích quân sự nhằm vào Seoul. Điều này cho thấy tình hình trở nên nguy hiểm như thế nào đối với Mỹ, Hàn Quốc và cả khu vực Đông Bắc Á rộng lớn hơn”, chuyên gia Soo Kim cho biết.

“Tôi cho rằng mối quan tâm của ông Kim Jong-un là tiếp tục giọng điệu và thái độ thù địch đối với Mỹ”, bà Soo nói, đồng thời lưu ý rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ chuyển sự bất mãn của ông đối với Mỹ, trong khi vẫn đẩy mạnh công nghệ hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Về phía Mỹ, giới phân tích cho rằng Washington có thể để ngỏ khả năng tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu như một phương án để giải quyết “vấn đề Triều Tiên” vào năm tới.

Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, mới đây tuyên bố quân đội Mỹ chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào để đối phó với các hành động khiêu khích của Triều Tiên.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng hành động quân sự là không cần thiết và Mỹ vẫn có các biện pháp ngoại giao khác để gây sức ép với chính quyền Triều Tiên. Washington có thể lựa chọn các phương án khác để đối phó với Bình Nhưỡng, như nối lại các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc, hay trừng phạt bất kỳ tổ chức nào của Trung Quốc hỗ trợ cho Triều Tiên.

Thành Đạt

Theo SCMP