1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lừa châu Phi "bốc hơi" vì Trung Quốc mê da lừa

Nhu cầu da lừa tại Trung Quốc tăng mạnh khiến nhiều người dân châu Phi bị đánh cắp lừa để bán sang thị trường đại lục.

Bình minh vừa ló dạng, ông Joseph Kamonjo Kariuki, 37 tuổi, tỉnh dậy và phát hiện những con lừa của mình đã biến mất. Dù lục tung cả ngôi làng nhưng ông Kariuki vẫn không thể tìm thấy vật nuôi của mình.

Sau đó, đám trẻ ở địa phương dẫn ông Kariuki tới chỗ có 3 cái đầu lừa bị cắt rời, máu chảy thấm đẫm trên mặt đất.

Người đàn ông 37 tuổi chia sẻ với hãng tin AP rằng mình cảm thấy bị sốc, đồng thời tin rằng những con lừa của ông đã bị bán ra thị trường chợ đen.

Từ Kenya đến Burkina Faso, Ai Cập đến Nigeria, các nhóm hoạt động vì quyền động vật cho biết lừa ở những nơi này hầu hết được cung cấp cho thị trường đại lục. Trong y học cổ truyền Trung Quốc, chất gelatin mà họ gọi là ejiao được lấy từ da lừa hầm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, như sống lâu, giảm cân và cường tráng cơ thể. Mặc dù vậy, cơ quan y tế của chính phủ Trung Quốc thừa nhận việc quảng cáo như vậy chỉ dựa trên "sự mê tín dị đoan".


Những con lừa chuẩn bị kéo xác đồng loại ra bãi rác sau khi bị lấy da ở Naivasha - Kenya. Ảnh: Donkey Sanctuary Kenya

Những con lừa chuẩn bị kéo xác đồng loại ra bãi rác sau khi bị lấy da ở Naivasha - Kenya. Ảnh: Donkey Sanctuary Kenya

Vì nhu cầu gia tăng nên các nhà cung cấp tích cực tìm kiếm da lừa tại châu Phi, Úc và Nam Mỹ, đe dọa cuộc sống của nhiều người dân khi họ dựa vào vật nuôi này để làm nông và chuyên chở. Hồi năm 2010, da lừa có giá 78 USD/tấm nhưng đến năm 2015 đã tăng lên 405 USD, theo Hiệp hội Ejiao Sơn Đông.

Trong khi đó, số lượng lừa ở Trung Quốc đã giảm một nửa từ 9,4 triệu con (năm 1996) xuống còn 5,5 triệu con (năm 2015). Và hơn 2 triệu trong số 44 triệu con lừa trên khắp thế giới bị giết để lấy da mỗi năm.

Nhóm hoạt động Donkey Sanctuary (trụ sở tại Anh) tiết lộ 14 chính phủ châu Phi đã cấm xuất khẩu da lừa. Tuy nhiên, chúng vẫn bị buôn bán trái phép trên thị trường chợ đen, trong đó có một phần không nhỏ bị đánh cắp.

Ở Kenya, số lượng lừa đã giảm từ 1,8 triệu con xuống còn 1,2 triệu con trong vòng 9 năm qua. Giám đốc phát triển chương trình của Donkey Sanctuary chi nhánh Kenya, Calvin Onyango, cho hay 3 nhà máy giết mổ được cấp phép ở Kenya thịt 1.000 con lừa mỗi ngày để cung cấp da cho Trung Quốc. Vị này ước tính nếu cứ tiếp tục tình trạng như hiện tại, Kenya sẽ hết sạch lừa trong khoảng 5 năm nữa.

Từ Kenya, lừa được vận chuyển tới thị trấn Dong'e, phía Đông Trung Quốc. Tại đây, chúng được giết mổ để chế biến ejiao ở Công ty Dong'e Ejiao Corporation Limited (DEEJ). AP cho biết DEEJ xử lý khoảng 1 triệu tấm da lừa mỗi năm, chiếm 63% thị trường ejiao.

Chủ tịch DEEJ Qin Yufeng từ chối phỏng vấn nhưng gửi một văn bản cho AP nói rằng ejiao mang lại lợi ích cho hơn 20.000 hộ nghèo tại 1.000 thị trấn. Người này cũng khẳng định nhu cầu ejiao gia tăng không phải là lý do khiến số lượng lừa bị giảm. Thay vào đó, ngày càng có ít lừa được nhân giống bởi chúng bị thay thế bằng máy móc ở nông trại.

Theo Phạm Nghĩa

Người lao động