Lời từ chối "lịch sự"
Trong cuộc chiến giành con tim và khối óc của thế giới Hồi giáo, Thủ tướng Anh Tony Blair chỉ nhận được ''lời quở trách'' từ Tổng thống, các học giả tôn giáo và đặc biệt từ các em học sinh Indonesia.
Trong khi được ngợi khen vì nỗ lực bắc cầu giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo, nhưng Thủ tướng Blair liên tục bị cảnh báo rằng, ''Người bạn tốt George W Bush'' của ông chính là thủ phạm ''phá hoại'' những sáng kiến đầy thiện chí của bản thân ông.
Cũng giống như Mỹ, ông Blair coi Indonesia - quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới - là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình. Nhưng, khi Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đón chào ông Blair nồng nhiệt vẫn không quên cảnh báo chủ nhân toà nhà số 10 phố Downing không nên ''đơn giản hoá và giảm nhẹ vấn đề'' bằng cách coi nó như một vấn đề giữa ''cực đoan và ôn hoà''.
Ông Blair đã không ít lần kêu gọi những người Hồi giáo ôn hoà chỉ trích các phần tử quá khích, coi đó như cuộc xung đột giữa ''tiến bộ và phản động''.
Nhưng, ở ngay quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới này, cái ông nhận được chỉ là những cảnh báo gây ''phật lòng'' kiểu như: ''Nếu cứ coi George Bush là bạn thân, ông sẽ khó mà giành được con tim và khối óc của thế giới Hồi giáo''. Và, tất nhiên đối với ông Blair, nước Mỹ vẫn quan trọng hơn tất thảy.
Dù trong chuyến công du quan trọng này, ông Blair cũng thu lượm được vài thành quả như: hai nước đã thoả thuận tăng cường hợp tác quốc phòng, cam kết phối hợp chống khủng bố...nhưng cái ''hạt nhân'' của chuyến đi - làm thân với thế giới Hồi giáo - thì ông không thể với tới.
Vị thủ tướng Anh quốc này đã phải ''nếm'' độ sâu của cái gọi là ''thái độ phản đối của người Hồi giáo'' trước các chính sách của ông tại Iraq. Ông Blair đã bị ''quay như chong chóng'' trước hàng loạt câu hỏi lịch sự nhưng rất cứng rắn.
''Đã bao giờ ông yêu cầu người bạn thân George W Bush của mình ngừng ngay cuộc chiến Iraq?'' một học sinh 13 tuổi có tên Rezar Rizky Ramadan hỏi thẳng vị Thủ tướng.
Không mang phong cách tế nhị, ngoại giao của những người già, các học sinh tại trường Hồi giáo Darunnajah tại Jakarta bày tỏ quan điểm rõ ràng phản đối cuộc chiến Iraq do Mỹ đứng đầu và yêu cầu ông Blair đi tìm câu trả lời cho các vấn đề Trung Đông, tự do Tôn giáo và quyền của học sinh tại Anh được mặc giáo phục Đạo Hồi.
''Đó là một vấn đề rất, rất khó'', ông chỉ biết trả lời có vậy trước câu hỏi liệu sinh viên nữ tại Anh có được đeo mạng ở trường.
Cuối cùng, các học sinh - những người có những câu hỏi thẳng thắn khiến ông ''bí'', thậm chí bực mình - đã tặng ông một cuốn sách Hồi giáo với tựa đề ''Đừng buồn''.
Theo Trần Kiên
Vietnamnet