Lời cầu nguyện từ Gaza trong 9 đêm không ngủ
(Dân trí) - “Gaza đang đứng trước thảm hoạ nhân đạo”. “Người dân Gaza đã đến tận cùng của sự khốn cùng”. “Chúng tôi cần học làm những người láng giềng”. Đó là cuộc chiến ở Gaza theo lời kể của một bác sĩ tình nguyện, một người dân ở Gaza và một người dân ở Israel.
Bác sĩ tình nguyện: 20% số người chết là trẻ em
Erik Fosse là một bác sĩ người Na Uy làm việc tình nguyện tại bệnh viện Shifa, bệnh viện lớn nhất của Gaza, nói sáng nay, 5/1:
Không thể tưởng tượng được chiến tranh lại tàn bạo như thế, đối với cả những đứa trẻ. Bệnh viện la liệt người Palestine bị thương. Bệnh nhân chủ yếu là dân thường, và rất nhiều trẻ em bị thương nặng. Tôi dám chắc 20% trong số hơn 500 người đã chết là trẻ em. Và tôi nghĩ con số này còn tăng khi cuộc chiến tiến mạnh hơn vào thành phố.
Theo tôi biết thì hơn 2.600 người, chủ yếu là dân thường, đã bị thương. Chúng tôi đã tiếp nhận một dòng thác các bệnh nhân mỗi ngày, nhưng 24 giờ qua, con số bệnh nhân đã tăng gấp ba. Khoảng 30% số nạn nhân ở bệnh viện Shifa là trẻ em - cả những trẻ bị thương nặng và những trẻ đã chết.
Chúng tôi phải tiến hành phẫu thuật ngay bên ngoài hành lang. Bệnh nhân nằm la liệt và nhiều người đang chờ chết trước khi có đủ thuốc men để điều trị. Hầu hết các nạn nhân bị trúng đạn pháo trong cuộc tấn công trên bộ ngày hôm qua. Các bệnh viện khác ở Gaza cũng không thể điều trị vì thiếu trang thiết bị và nhân viên.
Israel đã nói rằng chiến dịch quân sự là biện pháp cần thiết nhằm tiêu diệt Hamas. Nhưng dân thường chết la liệt, dù họ bảo là sẽ hạn chế tối đa thương vong cho dân.
Thiếu lương thực, hệ thống y tế bất lực, người dân còn không có điện dùng. Đường điện và hệ thống nước đã bị bom đạn phá huỷ.
Một ngày trước khi Israel tấn công trên bộ, những xe cứu thương cũ đã chở người bị thương vượt biên giới, nơi các bệnh nhân sẽ được chuyển sang một xe cứu thương khác hiện đại để đến Ai Cập. Hầu hết là trẻ em, trong đó có cả một bé trai với cánh tay gần như đứt lìa và một bé mới 4 ngày tuổi, không bị thương nhưng cần phải nằm trong lồng ấp vì đẻ non.
Tuần trước, người của chúng tôi cảnh báo Gaza đang tiến tới “thảm hoạ nhân đạo” nếu chiến sự không sớm được chấm dứt. Trong khi đó, đến giờ này, biên giới Gaza-Ai Cập vẫn còn gần 25 xe chở thuốc men, thiết bị y tế không thể vượt qua Rafah để vào Gaza.
Người Palestine: 9 ngày không ngủ
Sami Abdel-Shafi, người sống chỉ cách bờ biển Gaza vài trăm mét, nói ngày hôm qua:
Rất ít người mắc kẹt giữa hai làn đạn của quân Hamas là lực lượng Israel dám ra khỏi nhà để tìm thức ăn. Họ cũng không dám chắc có thể tìm thấy gì để mua hay có cửa hàng nào đó mở cửa hay không. Tôi nghe rõ những tiếng bom dội vào từ các tàu chiến của Israel ở ngoài khơi cùng với tiếng máy bay ném bom quần đảo trên trời.
Hầu như 9 ngày qua, tôi không ngủ vì những tiếng gầm rú “chỉ để nhằm vào các mục tiêu của Hamas” như lời mấy ông Israel tuyên bố. Nhưng cuộc chiến đã làm chúng tôi cùng đường của sự khốn khổ. Mọi thứ vốn đã không sẵn có vì Israel phong toả biên giới của chúng tôi. Mọi người bị đẩy vào tình trạng sống mà không biết sẽ sống như thế nào và rất, rất lo sợ.
Người Israel: Cùng những đêm trắng
Từ bên kia chiến tuyến, ông Dove Hartuv, đã 50 năm sống ở biên giới Israel giáp Gaza, cùng một cảm giác tương tự:
Tôi sống ở khu định cư Nahal Oz của Israel, một mục tiêu của các cuộc đạn pháo và rocket bắn vào từ Gaza suốt 8 năm qua. Từ đây, tôi cũng nghe tiếng những âm thanh chiến tranh vọng lại qua biên giới Gaza. Quả là những đêm trắng.
Tôi hy vọng, mọi việc sẽ sớm kết thúc và hai bên sẽ ngồi vào bàn thương lượng, cố tìm ra một thoả thuận mà cả hai có thể chấp nhận. Cuộc chiến chắc không phải để chiếm quyền kiểm soát Gaza hay lật đổ chính quyền hoặc lực lượng kiểm soát ở đây. Những gì chúng tôi muốn chỉ là những gì người dân thường muốn - sống hoà bình và có thể sống với những người hàng xóm. Tôi là một người hàng xóm của Gaza trong gần 50 năm qua và rồi đến lúc con tôi, cháu tôi cũng sẽ có thể sống hoà bình với họ.
Tôi thông cảm với nỗi đau của người dân ở Gaza. Không thể so sánh cuộc sống mà chúng tôi đang có ở đây với cuộc sống mà người dân Gaza đang phải chịu đựng và đã phải chịu đựng trong nhiều năm qua. Ở đây, cuộc sống cũng bình thường, giống như mọi nơi khác ở Mỹ, trừ một điều là chúng tôi không có hoà bình.
Cho dù chúng tôi là những người khác nhau, có đức tin khác nhau, văn hoá khác nhau và ngôn ngữ khác nhau, chúng tôi vẫn là những người láng giềng và láng giềng phải biết sống cùng nhau.
Nguyễn Viết
Theo CNN, AP, Reuters