1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Liên quân chống IS: Đồng sàng dị mộng

(Dân trí) - Mặc dù cùng tập hợp dưới ngọn cờ của liên minh chống khủng bố do Mỹ phát động nhưng các nước thành viên lại có những đánh giá và ưu tiên khác nhau trong việc loại bỏ nguy cơ nhức nhối nhất hiện nay là tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.

Những toan tính lợi ích trái ngược trong liên minh khiến IS chưa thể bị tiêu diệt.
Những toan tính lợi ích trái ngược trong liên minh khiến IS chưa thể bị tiêu diệt.

Sự sốt sắng cực độ của Mỹ, sự chần chừ của phương Tây, sự tham gia bất ngờ của một số quốc gia Trung Đông và thái độ thờ ơ, thậm chí có phần lảng tránh, của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS đang đặt ra nhiều câu hỏi cho giới phân tích. Những toan tính chiến lược là nguyên nhân khiến các nước có những hành động và ưu tiên khác nhau trong ngắn hạn, cho dù có cùng mục tiêu cuối cùng là tiêu diệt khủng bố.

Với Mỹ, quốc gia phát động và dẫn đầu cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, ưu tiên hàng đầu là phải loại bỏ mọi mưu đồ tiến hành các cuộc tấn công tinh vi, phức tạp nhằm vào nước Mỹ và lợi ích của Mỹ. Vì vậy, trước sự trỗi dậy bạo lực và cực đoan của IS, Mỹ đã tập hợp được một liên minh rộng rãi với gần 60 nước tính đến thời điểm này. Nhiệm vụ của liên minh là tiến hành các đợt không kích nhằm vào hệ thống mục tiêu của IS ở Iraq và Syria, hai quốc gia tổ chức này đang hoạt động mạnh nhất.

Khi giải thích về quyết định chỉ sử dụng không lực mà không viện đến bộ binh dù đây là yếu tố cần thiết đảm bảo thắng lợi cho cuộc chiến chống IS, Tổng thống Barack Obama nói rằng ông không thể đứng nhìn binh lính Mỹ một lần nữa phải đổ xương máu ở chiến trường Trung Đông.

Tuy nhiên, theo cắt nghĩa của các nhà phân tích, quyết định này thực chất bắt nguồn từ những khó khăn mà ông chủ Nhà Trắng đang phải đối mặt như đấu đá chính trị nội bộ trước thềm bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ngày 4/11, sự phục hồi kinh tế chưa đủ mạnh và nguy cơ nước Mỹ bị dàn trải cùng lúc trên quá nhiều mặt trận đối ngoại. Ngoài ra còn phải kể đến ý đồ “chính trị hóa” cuộc chiến của Nhà Trắng khi ông Obama chủ ý lấy cớ chống khủng bố để củng cố sức mạnh cho phe nổi dậy Syria hòng lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Những toan tính này của Mỹ đã ảnh hưởng lớn đến chiến dịch chống IS, khiến sự ra tay của cộng đồng quốc tế nhìn bề ngoài tuy có vẻ rầm rộ nhưng thực chất đem lại rất ít hiệu quả. Bởi, để thành toàn những kế hoạch của mình, Mỹ chỉ đặt mục tiêu hạn chế sự lớn mạnh của IS chứ chưa muốn “nhổ tận gốc” ngay lực lượng này. Nói cách khác, Washington muốn lợi dụng “khối ung thư” IS để thực hiện tham vọng lật đổ chính quyền Assad, đồng minh thân cận nhất của Nga ở Trung Đông. Việc Nhà Trắng từ chối mời Iran và Syria tham gia cuộc chiến, dù đây là hai nước có ảnh hưởng quyết định đến kết quả chiến dịch, là minh chứng rõ ràng nhất.

Cũng như Mỹ, các chính phủ châu Âu tỏ ra khá lưỡng lự trong việc mạnh tay tiêu diệt IS. Châu Âu lo sợ sẽ bị IS trả thù vì lực lượng này không chỉ có trong tay nguồn tài chính dồi dào, công nghệ chế bạo bom siêu đẳng, nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại cùng đội quân tinh nhuệ, mà còn đang nắm trong tay hàng nghìn thành viên mang hộ chiếu châu Âu.

Theo số liệu thống kê không chính thức, khoảng một nửa trong tổng số 30.000 tay súng IS là công dân các nước châu Âu và Mỹ. Nếu bị dồn đến đường cùng, IS sẽ sử dụng chính những “quả bom di động” này để phá hoại các nước châu Âu từ bên trong bằng cách cử họ về nước thực hiện các vụ đánh bom.

Tất nhiên, ở những xã hội luôn đề cao tự do cá nhân như xứ trời Âu, các tay súng IS mang quốc tịch châu Âu có thể đi lại một cách dễ dàng. Vì thế, chính phủ nhiều nước châu Âu không muốn tham gia cuộc chiến, hoặc nếu tham gia thì cũng chỉ cầm chừng, không dám mạnh tay.

Trong khi đó, đối với các nước Arập tham gia liên minh như Arập Xêút, UAE, Jordan, Bahrain và Qatar, IS bị coi là “mối đe dọa trực tiếp về an ninh” và “đối tượng số 1 cần bị tiêu diệt”. Cả 5 nước này đều có mối quan ngại chung về tình hình an ninh trong nước, về việc thể hiện vai trò tích cực trong duy trì an ninh khu vực và bảo vệ uy tín trên trường quốc tế.

Những quan ngại này trước hết xuất phát từ tư tưởng cực đoan và tham vọng thành lập Nhà nước Hồi giáo của IS. Hiện tại, IS không chỉ chống “ngoại đạo phương Tây” mà còn có ý đồ lật đổ các chế độ Arập trong khu vực để thành lập vương quốc riêng. Ngoài ra, khoảng cách quá gần về địa lý với Iraq và Syria cũng khiến các nước Arập phải quyết tâm tiêu diệt IS để đẩy lùi nguy cơ trở thành “con mồi” bị tấn công tiếp theo trong nay mai.

Bên cạnh mối lo về an ninh trong nước và sự bảo toàn chế độ, một số quốc gia Arập như Qatar và UAE tích cực tham gia vào chiến dịch chống IS còn để chứng  tỏ rằng họ không tài trợ hay chống lưng cho các tổ chức khủng bố trong khu vực. Trước đó, các nước này được cho là đã cung cấp tài chính và hậu thuẫn cho một số tổ chức muốn lật đổ chính phủ Syria.

Tuy nhiên, kẹt nhất trong cuộc chiến chống IS có lẽ là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO nằm ở vị trí chiến lược nối Trung Đông với châu Âu. Hiện tại, các cuộc tấn công của IS đang diễn ra rất khốc liệt ở thị trấn Anbane của Syria, giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Kobane thất thủ, IS sẽ nắm quyền kiểm soát hơn một nửa đường biên giới chung kéo dài 820 km giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng nghĩa với việc biên giới của quốc gia thành viên NATO này sẽ không còn an toàn như trước.

Tuy nhiên, Ankara lại không thể động binh, cả trên bộ và trên không, vì hai lý do. Thứ nhất, nước này đang có hàng trăm công dân nằm trong tay IS cần phải được thương lượng đưa về để tránh làn sóng tức giận bùng phát trong dân chúng. Thứ hai, Ankara không muốn xuất quân giúp đỡ cộng đồng người Kurd ở Anbane vì lo ngại cộng đồng này sẽ kết hợp với lực lượng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến chống chính quyền Ankara đòi thành lập nhà nước riêng. Với hai ký do trên nên đến nay, Ankara vẫn tỏ ra rất thờ ơ cho dù đã nhiều lần bị Mỹ thúc giục, thậm chí chỉ trích.

Dẫu biết, bất kỳ cuộc chiến chống khủng bố nào cũng đòi hỏi các bên phải kiên trì và nhất trí hợp lực. Nhưng trong cuộc chiến chống IS hiện nay, các bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói và hành động chung do đang trong cảnh “đồng sàng dị mộng”. Vì vậy nhiều khả năng chiến dịch chống IS mà Mỹ phát động sẽ gặp phải những bước lùi tạm thời, ít nhất cho đến khi các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn (gồm quân đội Iraq và phe đối lập ở Syria) đủ sức chiến đấu trên thực địa.

          Đức Vũ