1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Le Figaro: Khả năng thỏa hiệp Nga - Mỹ về Syria

(Dân trí) - Mỹ sẽ hành động tiếp theo như thế nào tại Syria? Le Figaro đưa ra một số dự báo về khả năng thỏa hiệp Mỹ-Nga...

Le Figaro: Khả năng thỏa hiệp Nga - Mỹ về Syria - 1

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc gặp tại Kuala Lumpur, Malaysia

Trong vài tuần qua Nga được cho là đã tăng cường ảnh hưởng quân sự tại Syria thông qua hoạt động cung cấp vũ khí, hỗ trợ chuyên gia quân sự khiến Mỹ và Châu Âu…quan ngại.

Bài viết có tựa đề: “Moskva đẩy Washington vào thế phải thay đổi chiến lược tại Syria” đăng trên báo Pháp Le Figaro ngày 21/9 nhận định về quan hệ Nga-Mỹ trước chuyển biến mới này.

Theo đó, Mỹ dường như đang bị đẩy vào thế bị động mà minh chứng mới nhất là hôm thứ Sáu tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã buộc phải thương lượng với người đồng cấp Nga về “những quy tắc” để tránh đụng độ quân sự Nga-Phương Tây trên “chiến trường Syria”.

Đây là một thay đổi hết sức quan trọng đối với Mỹ bởi kể từ khi bùng nổ cuộc xung đột tại Ukraina, mọi đối thoại về quân sự giữa Mỹ với Nga đã bị đình chỉ.

Nhưng nay xem ra Mỹ không có lựa chọn nào khác, bởi Tổng thống Putin đã khai thác được lợi thế từ thực tế cho thấy sự bất lực của Mỹ cũng như tâm trạng hoang mang lo lắng lan tràn hầu khắp châu Âu do cuộc khủng hoảng người tị nạn, để Nga đưa phương tiện và cả cố vấn quân sự vào Syria nhằm hỗ trợ chế độ Damas chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan IS.

Việc Nga hỗ trợ chế độ Damas môt phần bắt nguồn từ quan hệ lâu dài với “khách hàng” Syria kể từ những năm 1960, nhưng mặt khác mục tiêu của Nga là tìm chỗ đứng mới tại khu vực Trung Cận Đông.

Một nguồn tin ngoại giao phương Tây so sánh chiến thuật đáng gờm của Tổng thống Nga tại điểm nóng này với kỹ năng của “vận động viên võ judo lợi dụng các điểm yếu của đối phương”.

Mỹ sẽ hành động tiếp theo như thế nào? Le Figaro đưa ra một số dự báo về khả năng thỏa hiệp Mỹ-Nga:

Nếu như việc Tổng thống Bachar al-Assad phải ra đi là “không thể nhân nhượng”, thì nhịp độ của giai đoạn chuyển tiếp chính trị là điều mà Washington chắc chắn sẽ phải thương lượng với Nga.

Theo cựu Đại sứ Mỹ John Herbts, chính quyền Obama sẽ phải từ bỏ lập trường được cho là “lý tưởng hóa” lâu nay, để hướng tới cuộc đối thoại với Nga về giải pháp một chế độ Damas không có Tổng thống al- Assad, mở rộng cho cộng đồng người Sunni cùng tham gia.

Le Figaro dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: cho dù hiện tại Nga ủng hộ chế độ của ông al-Assad, thì lập trường của Nga về vấn đề này cũng “không phải là bất di bất dịch”.

“Sự can thiệp của Nga tại Syria có thể cho phép Moskva cứng rắn hơn với Damas sau này” – ông Kerry nhấn mạnh.

Theo một số chuyên gia, một thỏa hiệp Nga-Mỹ về Syria là có thể vì dù có tăng cường lực lượng quân sự tại Syria, nhưng trên thực tế Nga đang ở trong một tình thế “nhạy cảm”. Đó là đơn độc bảo vệ chính quyền Damas đã rất suy yếu, vì vậy Moskva có thể phải đối mặt với nguy cơ sa lầy quân sự tại Syria mà điều này vô cùng bất lợi trong bối cảnh kinh tế Nga hiện đang không mấy sáng sủa.

Mặt khác, Moskva cũng phải lo ứng phó trước nguy cơ làn sóng “thánh chiến” lan sang nước mình, với thực trạng hàng ngàn người gốc Nga đang tham chiến trong hàng ngũ IS.

Từ những lý giải đó, giới phân tích cho rằng rất có thể sẽ diễn ra cuộc hội kiến giữa Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin bên lề khóa họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc cuối tháng 9 này tại New York, để cùng nhau tìm kiếm một giải pháp hiệu quả cho cuộc xung đột Syria.

Tình thế đã nóng bỏng tới mức dư luận đòi hỏi Mỹ và Nga phải tạm gác sang bên các lợi ích riêng để cùng nhau thể hiện trách nhiệm trong cuộc chiến chống IS chắc chắn còn đầy cam go và gian khó.

Quý Cao (theo Le Figaro)

Le Figaro: Khả năng thỏa hiệp Nga - Mỹ về Syria - 2