Lầu Năm Góc hé lộ về "bành trướng quân sự" của Trung Quốc
(Dân trí) - Trung Quốc đang khai thác công nghệ thương mại của phương Tây, thực hiện do thám trên mạng và mua ngày càng nhiều tên lửa chống hạm để củng cố cho sức mạnh quân sự của mình, Lầu Năm Góc hôm qua cho biết.
Trong báo cáo gửi cho quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc hôm qua cho biết, Bắc Kinh đang tận dụng những công nghệ liên quan đến quốc phòng mà “hầu hết là của Mỹ” trong các ngành tư nhân. Đây là một phần trong nỗ lực dài hơn nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang của nước này và mở rộng sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tận dụng công nghệ dân sự cho quốc phòng
“Một trong những mục tiêu an ninh quốc gia của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là thu nạp cả hợp pháp lẫn phi pháp các công nghệ liên quan đến quân sự và được sử dụng lưỡng mục đích”, Lầu Năm Góc cho biết.
Ngoài ra, Trung Quốc, quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, “công khai tán thành sự cần thiết phải tận dụng các công nghệ dân sự để hiện đại hóa quân đội” và việc chuyển đổi công nghệ sử dụng hai mục đích có thể góp phần quan trọng nhằm củng cố, thúc đẩy quân đội của đất nước.
Lầu Năm Góc cảnh báo “các hoạt động trao đổi với các công ty sản xuất máy bay phương Tây có thể cũng nhằm mục đích là làm lợi cho ngành hàng không quân sự của Trung Quốc”.
Tập đoàn hàng không khổng lồ của châu Âu Airbus đã mở một chi nhánh sản xuất máy bay A320 tại Trung Quốc vào năm 2009. Bộ Quốc phòng Mỹ đã cam kết ngăn chặn xuất khẩu các công nghệ tiên tiến có thể được chuyển đổi dùng cho quân đội Trung Quốc.
Nhắc lại những cảnh báo gần đây của giới chức tình báo, Lầu Năm Góc đổ lỗi cho Trung Quốc về “nhiều vụ” thâm nhập mạng trên thế giới trong suốt năm qua, nhằm vào chính phủ Mỹ và các mạng thương mại, trong đó có các công ty “trực tiếp hỗ trợ cho các chương trình quốc phòng của Mỹ”, Lầu Năm Góc khẳng định.
Báo cáo cũng cảnh báo “các nhân vật Trung Quốc là thủ phạm gián điệp kinh tế hoạt động mạnh nhất và kiên trì nhất thế giới” và dự đoán hoạt động gián điệp của những người này sẽ vẫn tiếp tục, tạo ra “mối đe dọa ngày một lớn và dai dẳng đối với an ninh kinh tế Mỹ”.
Đầu tư của Trung Quốc vào cuộc chiến mạng là nguyên nhân gây “lo ngại”, David Helvey, quyền trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, phụ trách vấn đề an ninh Đông Á và châu Á Thái Bình Dương cho biết.
Bắc Kinh rõ ràng “đang tìm kiếm cách dùng mạng để thực hiện các cuộc tấn công”, Helvey nói với các phóng viên.
Kho tên lửa Trung Quốc ngày một tăng
Quân đội Mỹ từ lâu đã lo ngại Trung Quốc có thể giới hạn được sức mạnh của tàu hải quân Mỹ ở tây Thái Bình Dương bằng các vũ khí mới và báo cáo của Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh đến mối lo ngại này, đề cập trực tiếp tới kho tên lửa ngày càng tăng của Bắc Kinh.
“Trung Quốc cũng đang yêu cầu và tiếp nhân một lượng lớn tên lửa đạn đạo tầm trung thông thường (MRBMs) để tăng khả năng tiến hành các vụ tấn công chính xác đối với các mục tiêu trên bộ và các tàu hải quân, trong đó có cả tàu sân bay hoạt động ở rất xa bờ biển của Trung Quốc”, báo cáo cho hay.
Cũng theo báo cáo, Trung Quốc đang đổ tiền của vào các hệ thống phòng không tiên tiến, tàu ngầm, vũ khí chống vệ tinh cũng như tên lửa chống hạm, có thể dùng để cản trở tiếp cận của kẻ thù vào những khu vực chiến lược, như Biển Đông.
Các nhà chiến lược Mỹ và một số nhà thầu thường nhắc tới mối đe dọa của các tên lửa được gọi là “kẻ hủy diệt tàu sân bay” của Trung Quốc, song Helvey cho rằng các vũ khí chống hạm của Trung Quốc hiện “có khả năng hoạt động giới hạn”.
Ngân sách Quốc phòng Trung Quốc chính thức đã tăng lên con số 106 tỷ USD vào năm 2012, tăng 11,2%.
Song báo cáo của Mỹ chỉ ra rằng ngân sách quốc phòng Trung Quốc không bao gồm những khoản chi phí lớn khác như nâng cấp lực lượng hạt nhân hay mua vũ khí của nước ngoài. Chi tiêu cho quốc phòng trên thực tế có thể lên tới 120 tỷ đến 180 tỷ USD.
Dù vậy, chi tiêu cho quốc phòng của Mỹ vẫn “nhấn chìm” chi tiêu của Trung Quốc, bởi ngân sách đề xuất của Lầu Năm Góc cho năm 2013 là hơn 600 tỷ USD.
Mặc dù tăng ngân sách không ngừng trong suốt một thập niên qua, nhưng Trung Quốc vẫn phải gánh chịu một số bước lùi với các vụ phóng vệ tinh và các dự án tham vọng nhằm sản xuất chiến đấu cơ thế hệ thứ năm. Tàu sân bay hiện đại của nước này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, báo cáo cho hay.
Và mặc dù đang nỗ lực mở rộng hoạt động truyền thống như chống cướp biển và hỗ trợ nhân đạo, ưu tiên hàng đầu của quân đội Trung Quốc vẫn là khả năng xung đột trên Eo biển Đài Loan. Cụ thể Trung Quốc đã tập trung ngăn cản Mỹ can thiệp, hỗ trợ cho Đài Loan, báo cáo cho hay.
Vũ Quý
Theo AFP