1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lật lại hồ sơ những kẻ lừa đảo nổi tiếng nhất mọi thời đại (3)

(Dân trí) - Khác với kiểu lừa đảo của Frank Abagnale, một người Mỹ khác cũng nổi tiếng chẳng kém với biệt tài mạo danh. Christopher Rocancourt là một trong những kẻ lừa đảo táo tợn nhất trong lịch sử nước Mỹ khi khôn khéo len lỏi vào giới thượng lưu dưới nhiều bình phong khác nhau.

 

 

 

 

9. David Hampton (1964-2003)

  

Lật lại hồ sơ những kẻ lừa đảo nổi tiếng nhất mọi thời đại (3) - 1

 

Hampton là một người Mỹ gốc Phi, tự nhận mình là con trai của nghệ sĩ, đạo diễn danh tiếng người da đen Sidney Poitier. Lúc đầu Hampton giới thiệu mình là David Poitier để có thể ăn uống miễn phí trong các nhà hàng sang trọng. Sau khi thấy mọi người thật sự tin vào điều đó, y tiếp tục gây ảnh hưởng tới những nơi khác. Hampton thuyết phục mọi người cho ở nhờ thậm chí cho hắn tiền, trong số những người bị hắn lừa còn có những ngôi sao lớn như Melanie Griffith, Gary Sinise và Calvin Klein.

 

Với người này Hampton nhận mình là bạn của con cái họ, người khác thì là bác sĩ bị lỡ chuyến bay đến Los Angeles trong khi lo lắng tìm hành lý bị thất lạc, người khác nữa thì y vừa bị cướp giật và rất cần sự giúp đỡ… Những câu chuyện bịa như thật của hắn đã giúp hắn lấy được tiền của người khác một cách trót lọt.

 

Năm 1983, Hampton bị bắt và kết tội lừa đảo. Tòa án buộc y phải bồi thường cho những người bị hại một khoản tiền là 4.490 USD. David Hampton chết năm 2003 do bị AIDS. Những câu chuyện lừa đảo của Hampton đã khơi nguồn cảm hứng cho bộ phim "Six Degrees of Separation".

 

10. Christopher Rocancourt (1967) - kẻ mạo danh

 

Lật lại hồ sơ những kẻ lừa đảo nổi tiếng nhất mọi thời đại (3) - 2

 

Khác với kiểu lừa đảo của Frank Abagnale, một người Mỹ khác cũng nổi tiếng chẳng kém với biệt tài mạo danh. Christopher Rocancourt được coi là một trong những kẻ lừa đảo táo tợn nhất trong lịch sử nước Mỹ khi khôn khéo len lỏi vào giới thượng lưu nước này dưới nhiều bình phong khác nhau.

 

Trên thực tế, Rocancourt lại có nguồn gốc xuất thân thấp kém: bố là một kẻ nghiện rượu, còn mẹ là gái làng chơi và bản thân thì bị gửi vào trại trẻ mồ côi ngay từ lúc lên 5 tuổi.

 

Nạn nhân của y thường là các gia đình giàu có ở Mỹ với phương thức hoạt động chủ yếu là tự giới thiệu mình là một nhà tài chính đầy thế lực hoặc một nhà sản xuất phim ấp ủ những kế hoạch đầy tham vọng... Đặc biệt, Rocancourt còn tự nhận mình là thành viên trong gia đình nhà tỉ phú Mỹ Rockerfeller và là bạn thân của Tổng thống Bill Clinton, để từ đó thực hiện trót lọt hàng loạt vụ lừa đảo với tổng số tiền lên tới 40 triệu USD.

 

Tháng 8/2000, Rocancourt bị bắt giữ khi các vụ lừa đảo của y bị bại lộ, nhưng đã chạy trốn thành công sang Canada. Tại đây, y tiếp tục các trò lừa đảo của mình. Khi khai báo với cảnh sát, các nhân viên của khách sạn Whistler cho biết, y tự giới thiệu mình là một vận động viên đua xe quốc tế nổi tiếng và giải thích rằng do không muốn gây sự chú ý đối với những người hâm mộ nên y đã phải sử dụng tên giả.

 

Đến tháng 3/2002, Christopher bị cảnh sát Canada bắt giữ vì tội lừa đảo và nhanh chóng bị dẫn độ về Mỹ. Tại tòa, y chỉ thừa nhận 3 trong số 11 tội danh trong bản cáo trạng.

 

11. Claude Lipsky - Kẻ lừa đảo thế kỷ

 

Lật lại hồ sơ những kẻ lừa đảo nổi tiếng nhất mọi thời đại (3) - 3

 

Claude Lipsky luôn tự coi mình là một doanh nhân kém may mắn, thế nhưng những người khác thì xem y là một kẻ lừa đảo siêu hạng.

 

Mọi chuyện bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước. Sau khi kiếm được chút ít tiền vốn nhờ thu mua sắt vụn, Lipsky trở thành giám đốc tài chính của công ty Patrimoine Foncier chuyên kinh doanh và đầu tư bất động sản. Với dáng vẻ đĩnh đạc pha chút chân chất trong trang phục lịch sự, Lipsky dễ dàng lấy được lòng tin của mọi người. Từ năm 1969 đến năm 1971, có 14.000 người đã góp 151 triệu frăng Pháp (tương đương 30,5 triệu USD) cho công ty của Lipsky. Vụ việc nhanh chóng bị vỡ lở vì những khoản tiền mà những người đầu tư vào Patrimoine Foncier đáng lý phải được dùng để mua bán bất động sản thì lại được  tài trợ cho những công ty làm ăn bất chính. Hàng trăm người góp vốn sau đó đã lên tiếng đòi lại tiền, nhưng đều vô ích. 43 triệu frăng đã bị Lipsky biển thủ.

 

Năm 1976, Claude Lipsky bị tuyên phạt 8 năm tù giam. Vụ việc này còn dính dáng tới cả một cố vấn thân cận của Tổng thống Pháp lúc bấy giờ và một luật sư.

 

Một năm sau khi ra tù, năm 1987 Lipsksy sang châu Phi. Tại đây, y lại tiếp tục gạ gẫm những quân nhân Pháp (tại ngũ hoặc đã về hưu) tham gia vào quỹ đầu tư bất động sản do y đứng đầu. Để thuyết phục được các quân nhân, Claude Lipsky đã câu kết với Trung tá Claude Derusco và viên tướng Pierre Haubois và đã lừa được 430 người tham gia góp tiền cho y. Bộ ba đã hứa hẹn với các quân nhân rằng họ sẽ nhận được 10% lãi suất tiền gửi hàng tháng. Từ năm 1987 đến năm 1999, nhóm người này đã lừa được tổng cộng gần 30 triệu euro.

 

Sau khi bị bắt, vào tháng 7/2007, Tòa án Versailles của Pháp mở phiên tòa sơ thẩm đối với bị cáo Claude Lipsky cùng đồng bọn. Song đến ngày ra tòa, Claude Lipsky cáo bệnh và tòa phải xử vắng mặt y 5 năm tù giam và yêu cầu bồi thường 375.000 euro. Đây là khung hình phạt cao nhất đối với tội lừa đảo tại Pháp.

 

12. Milli Vanilli  - “Danh ca chưa bao giờ biết hát”

 

Lật lại hồ sơ những kẻ lừa đảo nổi tiếng nhất mọi thời đại (3) - 4

 

Vào những năm 90 của thế kỷ trước đã xảy ra vụ bê bối hát “nhép” lớn chưa từng có trong lịch sử làng âm nhạc thế giới liên quan đến nhóm nhạc lừng danh Milli Vanilli.

 

Milli Vanilli là sản phẩm của ông bầu Frank Farian vào năm 1988 với thủ đoạn tập hợp một số ca sĩ phòng thu khá chắc tay nhưng có vẻ ngoài khó tiếp thị cùng 2 chàng trai trẻ ăn ảnh Rob Pilatus và Fabrice Morvana, vốn là người mẫu và vũ công. 2 anh chàng đẹp trai này được dựng lên làm ca sĩ trên bìa đĩa, còn giọng ca thực sự thì lại là các giọng hát chuyên nghiệp khác. Frank đã rất khéo léo khiến mọi người tin rằng các đĩa nhạc của nhóm là do cặp “ca sĩ” kia hát. Milli Vanilli đã biểu diễn rất thành công và nhanh chóng giành được sự mến mộ của người yêu nhạc trên khắp thế giới. Đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của Milli Vanilli là 3 giải thưởng Âm nhạc Mỹ (American Music Awards), đặc biệt là giải Grammy “Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất” vào năm 1990.

 

Trước đó, vào năm 89, trong một buổi diễn trực tiếp được MTV ghi hình, khi nhóm “hát” bài “Girl You Know It's True”, đĩa đã bị “vấp” và lặp đi lặp lại câu "Girl, you know it's". Tuy, người hâm mộ không để ý và buổi diễn vẫn được tiếp tục, nhưng giới phê bình lại đặt nhiều dấu hỏi về tài năng của đôi song ca này.

 

Trước sự hoài nghi của dư luận, cùng với sức ép đòi hát trực tiếp ở album kế tiếp của 2 anh chàng “ca sĩ-người mẫu” đã khiến Frank phải tổ chức họp báo để hạ màn vở kịch hát nhép của nhóm nhạc Milli Vanilli.

 

Kết quả là, giải Grammy bị thu hồi, các hợp đồng ghi đĩa bị hủy. Milli Vanilli bị kiện và buộc phải bồi thường cho những ai đã mua đĩa nhạc của mình.

 

Anh Nguyễn

Tổng hợp