“Lão nông” Pháp gây bất ngờ với bộ sưu tập máy bay chiến đấu khủng
Một nhà sản xuất rượu vang Pháp đã được nhận danh hiệu là người có bộ sưu tập máy bay chiến đấu cá nhân lớn nhất trên thế giới với 110 chiếc máy bay.
Ông Michel Pont, 87 tuổi, sống ở vùng Burgundy của Pháp, chuyên trồng nho để sản xuất rượu vang, nhưng ông cũng có sở thích sưu tập máy bay chiến đấu. Bộ sưu tập của ông bao gồm rất nhiều máy bay từ thời kỳ bình minh của Kỷ nguyên máy bay chiến đấu, chẳng hạn như tiêm kích phản lực Gloster Meteor của không quân hoàng gia Anh hay tiêm kích đa nhiệm F-16 Fighting Falcon.
Michel Pont, từng là cựu tay đua, đã mua 12 hecta đất ở trung tâm vùng nông thôn sản xuất rượu vang của Pháp. Khu đất này có một lâu đài cổ được xây dựng vào năm 1340. Sau khi giải phóng mặt bằng ông Pont đã dành 4 hecta để trồng nho và khoảng 2 đến 3 hecta để đặt máy bay. Có vẻ như ông đã ưu tiên phát triển sở thích cá nhân ngay từ ban đầu.
Pont có 110 máy bay, chủ yếu là máy bay chiến đấu, nhưng cũng có một số ít là máy bay trực thăng quân sự. Bộ sưu tập của ông rất đa dạng và được phát triển theo thời gian. Ban đầu là Gloster Meteor – tiêm kích phản lực đầu tiên của Anh, đồng thời là máy bay chiến đấu duy nhất của khối đồng minh phục vụ trên chiến trường trong Thế chiến 2. Tiếp đến là tiêm kích đánh chặn F-86 Sabre của không quân Đức, phục vụ ở Tây Đức vào những năm 1950. Bên cạnh đó, còn một loạt máy bay chiến đấu từ những thập niên 60 và 70 bao gồm các loại Lockheed F-104 Starfighter, English Electric Lightning, F-100 Super Sabre và Mirage III.
Bộ sưu tập này cũng có một số loại đặc biệt. Chẳng hạn như tiêm kích F-105 Thunderchief, còn được mệnh danh là Thần Sấm, là một trong những máy bay chiến đấu lớn nhất từng phục vụ trong không quân Mỹ và được đưa vào sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Vẫn chưa rõ làm thế nào mà một công dân Pháp lại có thể sở hữu được một trong những máy bay hiếm có vốn chỉ được nhìn thấy trong các bộ sưu tập ở bảo tàng.
Pont cũng có một vài máy bay chiến đấu của Liên Xô cũ, trong đó có máy bay tấn công mặt đất Sukhoi Su-7 “Fitter” và máy bay phản lực chiến đấu Mikoyan Gurevich MiG-21 “Fishbed”. Chúng được mua từ các quốc gia trước đây từng tham gia Hiệp ước Warsaw, như Ba Lan và Hungary. Bên cạnh đó, Pont còn có một chiếc máy bay khác được mua từ Djibouti.
Có lẽ, máy bay chiến đấu hiện đại nhất và khó mua nhất nằm trong bộ sưu tập của ông Pont phải kể đến là tiêm kích F-16A Fighting Falco. Pont chia sẻ ông là bạn của một vị tướng trong lực lượng không quân Bỉ và ông đã bày tỏ mong muốn được mua một chiếc F-16 của họ. Thật không may lúc bấy giờ, Mỹ mới là bên có tiếng nói cuối cùng về cách thức xử lý những loại khí tài do nước này sản xuất và điều này cũng không ngoại lệ ngay cả với những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Vì thế suốt một thời gian dài câu trả lời của Không quân Bỉ vẫn là không. Nhưng cuối cùng thì Pont cũng có được chiếc máy bay chiến đấu ông mong muốn.
Bộ sưu tập của ông Pont đã được ghi nhận vào sách kỷ lục Guinness thế giới. Ngày nay, việc sở hữu một bộ sưu tập lớn các khí tài quân sự như vậy càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Những loại máy bay cũ, đặc biệt là những chiếc do nước ngoài vận hành có vẻ dễ tiếp cận hơn, nhưng những chiếc hiện đại hơn của lực lượng không quân và hải quân Mỹ thì rất khó mua nếu không muốn nói là không thể đối với các nhà sưu tầm tư nhân.
Theo Hồng Anh
VOV