Lãnh cung - bí mật "vùng cấm địa" sau cánh cửa Tử Cấm Thành
(Dân trí) - Tử Cấm Thành có hàng nghìn phòng, hàng trăm cung. Những bí mật bên trong cung điện cổ xưa của Trung Quốc dần được hé lộ, tuy nhiên, có những nơi vẫn được xem là "cấm địa" trong đó có lãnh cung.
Tử Cấm Thành hay Cố Cung là cung điện nguy nga, bề thế nhất còn giữ lại được của Trung Quốc. Tử Cấm Thành được xây dựng từ những năm 1400 với sự tham gia của hàng triệu lao động.
Đây là nơi ở của 24 vị hoàng đế thuộc nhà Minh và nhà Thanh (Trung Quốc) với gần 10.000 căn phòng lớn nhỏ ở hơn 800 cung. Hoàng đế cuối cùng sống trong Tử Cấm Thành là vào năm 1924.
Từ đó đến nay, Tử Cấm Thành dần dần được mở cửa cho du khách trong nước và quốc tế tham quan.
Người dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đều biết rất rõ rằng, Tử Cấm Thành thường mở cửa vào các buổi sáng và đóng cửa sau 5 giờ chiều hàng ngày. Mặc dù Tử Cấm Thành mở cửa cho công chúng từ rất lâu, nhưng quy tắc này chưa bao giờ thay đổi. Hơn nữa, không phải tất cả các khu vực của Tử Cấm Thành đều mở cửa cho công chúng. Một số nơi bên trong Tử Cấm Thành vẫn được coi là vùng "cấm địa" đối với người ngoài, lãnh cung là một trong những khu vực như vậy.
Nơi ác mộng của các phi tần
Lãnh cung là một địa điểm quen thuộc thường xuất hiện trong các bộ phim cổ trang. Đây vốn là nơi mà các phi tử thất sủng hoặc phạm tội bị đày đến. Một khi sa chân vào nơi này, vị phi tần ấy khó có cơ hội được sủng ái thêm lần nữa, thậm chí còn có thể chết trong cô quạnh ở đây.
Vậy liệu rằng địa điểm này có thực sự tồn tại bên trong Tử Cấm Thành hay không? Câu trả lời là có.
Theo ghi chép của các nguồn sử liệu, Tử Cấm Thành không xây dựng lãnh cung tại một địa điểm cố định nào. Lãnh cung bên trong Tử Cấm Thành chỉ đơn giản là một căn phòng tối dùng để giam lỏng hậu phi, vị trí cụ thể cũng thay đổi qua mỗi đời vua.
Những năm dưới thời Minh Hy Tông, Thành phi Lý Thị từng bị giam vào lãnh cung. Bấy giờ, lãnh cung nằm ở gian phòng phía tây Ngự Hoa Viên. Tuy nhiên, tới thời Quang Tự, Trân Phi lại bị giam vào lãnh cung ở phía bắc thuộc Các Cảnh Kỳ. Tuy nhiên, lãnh cung đều có điểm chung là hẻo lánh, heo hắt, bị cô lập và không được tu sửa, khác xa với cung điện chính.
Lãnh cung không chỉ dành cho những phi tần, cung nữ phạm tội hay bị thất sủng mà còn là nơi dành cho thê thiếp của hoàng đế băng hà. Theo quy định của hoàng cung, cuộc đời sau này của những "quả phụ" chỉ có thể sống để thờ chồng không được lấy người mới dù mới 18, 20 tuổi. Vì vậy, sau khi hoàng đế mất, các phi tần cung nữ thường bị đẩy vào những cung cấm chỉ dành cho gái "quả phụ" như Từ Ninh cung, Thọ Anh cung hoặc Thọ Khang cung.
Dù ít nhắc đến, Tử Cấm Thành cũng có lãnh cung dành cho đàn ông với tên cung Tiêu Diêu. Ban đầu, cung Tiêu Diêu dành để giam lỏng những người lười nhác, nhưng sau trở thành nơi giam giữ phạm nhân và các thái giám.
Cuộc sống bên trong lãnh cung
Lãnh cung có thể coi là một trong những nơi đáng sợ nhất ở Tử Cấm Thành. Những người bị đày vào lãnh cung chỉ được mặc quần áo thông thường, không được mang theo tùy tùng.
Về cơ bản, khi bị đẩy vào lãnh cung, các phi tần, cung nữ sẽ bị cô lập với thế giới, khó có cơ hội được nhìn thấy thế giới bên ngoài một lần nữa. Họ phải sống một mình, trong những căn phòng tăm tối, bụi bặm, ẩm thấp, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Cả lãnh cung chỉ có một lối ra vào duy nhất để mang đồ ăn, thức uống vào hàng ngày.
Khi bị đày vào lãnh cung, các phi tần, cung nữ có thể thoát xử tử, nhưng cuối cùng cuộc sống của họ vẫn rơi vào u uất, bế tắc. Lâu dần, người bị nhốt trong lãnh cung có thể trầm cảm, thậm chí phát điên và tìm đến cái chết.
Mặc dù vậy, chốn lãnh cung này cũng xảy ra những câu chuyện đặc biệt đến khó tin: Một hoàng đế tương lai đã được sinh hạ ở chính nơi này. Vào thời Hoàng đế Minh Hiến Tông, Hoàng hậu Lý Mục Kỷ từng bị giam giữ ở lãnh cung khi đang mang thai. Hoàng hậu Lý Mục Kỷ đã sinh ra Chu Hựu Đường, người về sau trở thành Hoàng đế Minh Hiếu Tông. Dưới sự giúp đỡ của nhiều thái giám và cung nữ, Chu Hựu Đường sống trong lãnh cung đến năm 6 tuổi thì được đưa vào cung nhận cha.
Vùng cấm địa
Ngày nay, khi Tử Cấm Thành đã mở cửa dần với công chúng, lãnh cung vẫn "cửa đóng, then cài". Điều này làm dấy lên nhiều nghi vấn liệu lãnh cung chứa bí mật gì khiến nó vẫn bị coi là "vùng cấm địa" với công chúng.
Nơi đây vốn được dùng để giam lỏng phi tần, thậm chí từng chứng kiến không ít cái chết của những cung phi bị thất sủng. Vì thế, từ lâu đã có nhiều giai thoại ly kỳ xoay quanh lãnh cung với câu chuyện về những "bóng ma". Một số người cho rằng, lãnh cung không mở cửa cho công chúng có thể do "âm khí" quá nặng.
Những hoài nghi này chỉ được giải đáp khi vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh là Phổ Nghi xuất bản cuốn sách "Nửa đời trước của tôi" vào những năm cuối đời mình. Theo lời giải thích của Phổ Nghi, lãnh cung bên trong Tử Cấm Thành đều là những nơi rất đổ nát. Khi chế độ phong kiến còn tồn tại, địa điểm này vốn đã không được Hoàng đế để tâm hay chú ý.
Hơn nữa, tới cuối thời nhà Thanh, quốc khố thiếu hụt, hoàng cung lại quá rộng lớn, triều đình hoàn toàn không muốn phí hoài tiền bạc cho việc tu bổ lãnh cung. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, lãnh cung bên trong Tử Cấm Thành vốn đã hoang tàn lại càng trở nên cũ kỹ, đổ nát.
Đại diện Viện bảo tàng Cố Cung cũng từng đưa ra lý giải tương tự. Theo đó, lãnh cung không có nhiều giá trị tham quan, hơn nữa đã rất tàn tạ, việc tu bổ lại vô cùng phức tạp và tốn kém. Vì không được tu sửa suốt nhiều năm, lãnh cung đã trở thành một địa điểm thiếu an toàn, nếu tham quan có thể đe dọa tới tính mạng của du khách.