1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Lắng nghe nhịp đập G20 từ Hàn Quốc

(Dân trí) - Lãnh đạo những nước giàu nhất hành tinh chuẩn bị nhóm họp ở Seoul với nỗ lực xua tan đám mây đen chiến tranh tiền tệ đang đe dọa phủ bóng kinh tế toàn cầu, trong sự kiện thời sự không chỉ có ý nghĩa với người dân Hàn Quốc mà với cả châu Á.

 
Lắng nghe nhịp đập G20 từ Hàn Quốc - 1


Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Seoul trong hai ngày 11 và 12/11

Hàn Quốc và cơn sốt G20

Hàn Quốc hết sức tự hào được là quốc gia châu Á đầu tiên và cũng là nền kinh tế đầu tiên đứng ngoài nhóm bảy cường quốc công nghiệp phát triển nhất thế giới tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20, với sự hiện diện của các vị nguyên thủ 20 nền kinh tế quan trọng nhất hành tinh.

Đối với dư luận Hàn Quốc, hội nghị G20 tổ chức tại Seoul trong hai ngày 11 và 12/11 là sự kiện quan trọng không kém so với việc năm 1991, Hàn Quốc chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc. Cho dù đã trở thành cường quốc kinh tế đứng hàng thứ 15 địa cầu, nhưng hiếm khi nào Seoul thực sự có tiếng nói quyết định đối với trật tự kinh tế của thế giới. Hội nghị lần này là một thắng lợi về phương diện ngoại giao đối với nền kinh tế lớn thứ tư của châu Á.

Seoul coi đây là điểm khởi đầu chính thức đưa Hàn Quốc vào câu lạc bộ rất khép kín của các siêu cường trên thế giới. Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Seoul là cơ hội để chứng minh với thế giới rằng trong nửa thế kỷ vừa qua, Hàn Quốc đã có những buớc tiến rất dài trên lĩnh vực kinh tế. Hàn Quốc đang từ vị trí của một quốc gia phải tuân thủ luật chơi do các siêu cường phương Tây hay các định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hay Ngân hàng Thế giới (WB) áp đặt (như sau khủng hoảng tiền tệ Á châu 1997-1998), để cùng với các đối tác tầm cỡ khác đề xướng ra những luật chơi chung cho kinh tế toàn cầu.

Cả Hàn Quộc đã rộn ràng từ nhiều tuần nay với một loạt hội nghị trù bị chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20. Hình ảnh G20 hiển hiện trên mọi đường phố của Hàn Quốc: Những tấm băng rôn trước Tòa thị chính của thủ đô Seoul, những áp phích trong hệ thống tàu điện ngầm, tại các trường học trẻ em được dạy về các vấn đề xung quanh tỉ giá hối đoái. Các tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đều cho in logo hội nghị lên các sản phẩm của mình. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung, thì các sản phẩm xuất khẩu của Hàn Quốc có thể được hưởng lợi nhờ uy tín của việc tổ chức hội nghị này, được ước tính khoảng 19 tỉ USD.

Có đến 50.000 nhân viên cảnh sát được triển khai để an ninh, và khu vực 2km kể từ khu trung tâm được rào chắn cẩn thận để ngăn các cuộc biểu tình. Đội trưởng an ninh của Dinh Tổng thống cho biết, họ sẽ tỏ ra nghiêm khắc nhất từ trước đến nay.

Những điểm đặc biệt...

Hội nghị thượng đỉnh G 20 năm nay, ngoài điểm đáng lưu ý đầu tiên là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức ở châu Á và cũng là lần đầu tiên do một quốc gia không thuộc G-7 đứng ra tổ chức, còn có một điểm đặc biệt nữa: lần này, các nước phát triển và các nước đang phát triển sẽ cùng nhau bàn bạc về các vấn đề quốc tế. Điều này chứng tỏ các quốc gia đang phát triển đã có vị thế lớn hơn trên trường quốc tế. Việc các nước phát triển và đang phát triển cùng nhau thảo luận là điều rất quan trọng và chính điều đó đã đóng vai trò tích cực trong việc khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính 2 năm trước.

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul được cho là rất quan trọng vì diễn ra trong bối cảnh các thành viên tham dự hội nghị đặc biệt quan tâm là vấn đề tỷ giá hối đoái, khi tồn tại tình trạng các nước đã sát cánh bên nhau để xử lý cơn bão tài chính vừa qua nay lại bị chia rẽ quanh tranh cãi về nâng giá đồng nội tệ. Xung đột ngày càng căng thẳng giữa các nền kinh tế chủ chốt có thể ảnh hưởng xấu đến trật tự kinh tế thế giới và đẩy nền kinh tế toàn cầu thêm hỗn loạn và tuyệt vọng. Trong khi đó, một số thành viên G-20 luôn trong tình trạng xuất siêu và dư thừa ngoại tệ. Ngược lại, cán cân thanh toán của một số khác - tiêu biểu nhất là Mỹ - thì lại trong tình trạng thiếu hụt kinh niên. Thêm một yếu tố bất lợi nữa là Ngân hàng Trung ương Mỹ hôm 3/11 đã quyết định bơm thêm 600 tỷ USD từ nay cho đến tháng 6/2011 để tiếp sức cho nền kinh tế Mỹ. Trung Quốc và cả Liên minh châu Âu (EU) cùng chỉ trích Washington về điểm này.

Hội nghị còn rất được mong đợi vì hội nghị thượng đỉnh trước đó (diễn ra vào cuối tháng 6 năm vừa qua tại Canada) đã không thu được giải pháp xây dựng nào cho các vấn đề nổi cộm. Nhiều khả năng là các vấn đề như biện pháp hồi phục kinh tế, thiết lập mạng lưới an toàn tài chính và trật tự kinh tế thế giới mới sẽ được giải quyết tại Seoul. Bắt nguồn từ sự phá sản của công ty dịch vụ tài chính hàng đầu Lehnman Brothers Holdings, những khó khăn tài chính toàn cầu liên tiếp đã dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng có. Đây không phải là vấn đề mà một quốc gia có thể nỗ lực giải quyết. Vì lý do đó, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu các nước không hợp tác mà chỉ hành động một cách riêng rẽ.

Tổng thống Lee Myung-bak đã nêu ra 4 chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G20 là: tỷ giá hối đoái, xây dựng mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu, cải cách IMF và phát triển. Điều đáng quan tâm là chương trình nghị sự về tỷ giá hối đoái lại nằm ở vị trí đầu tiên. Theo đó những lo ngại về “chiến trường tỷ giá” lại càng lớn hơn. Trong cuộc gặp các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương tổ chức tại Gyeongju vào tháng 10, các quan chức đã nhất trí để thị trường quyết định tỷ giá giao dịch. Chương trình nghị sự thứ hai là về hình thành mạng an toàn tài chính toàn cầu được đưa ra nhằm phòng, chống sự tái diễn khủng hoảng tiền mặt và kéo theo sụp đổ trật tự tài chính toàn cầu. Chương trình nghị sự thứ ba là cải cách IMF nhằm tăng thêm tiếng nói của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Nội dung cuối cùng là phát triển, nhằm cơ bản xoá bỏ đói nghèo bằng cách giúp các nước đang phát triển tăng trưởng kinh tế.

... và những mong đợi

Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Seoul là lần gặp gỡ thứ 5 sau lần đầu tiên tổ chức ở Washington, DC, Mỹ, lần thứ 2 ở London, Anh, lần thứ 3 ở Pittsburgh, Mỹ và lần thứ 4 là ở Toronto, Canada. Khác với các thượng đỉnh Washington, London, Pittsburgh hay Toronto trước đây, tại Seoul lần này, không chỉ tập trung vào các biện pháp để đối phó với khủng hoảng. Hàn Quốc đã xác định rõ 2 mục tiêu gồm: hội nghị là sự tiếp nối của thượng đỉnh Pittsburgh và Toronto để tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế, tiếp tục thảo luận về chương trình cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế, đưa ra những điều khoản giới hạn rủi ro, tránh để một cuộc khủng hoảng như 2008 tái diễn; hội nghị tập trung vào những định hướng cho tương lai: các bên cùng xét tới những điều kiện để bảo đảm và duy trì tăng trưởng một cách lâu bền. Tại thượng đỉnh G20 Seoul, lần đầu tiên các bên phác họa ra một trật tự kinh tế mới với chủ đích là làm thế nào để bảo đảm cho toàn nhân loại một mô hình phát triển kinh tế bền vững và cân đối.

Một mong đợi nữa tại thượng đỉnh Seoul là nước chủ nhà coi việc bảo vệ quyền lợi của các quốc gia đang phát triển, của các nền kinh tế đang vươn lên vắng mặt trong đại gia đình G20 là một mối ưu tiên hàng đầu do các quốc gia này có tiềm năng tăng trưởng cao và là những thị trường có khả năng thu hút các sản phẩm của các nước công nghiệp phát triển. Chính vì vậy Seoul đặc biết quan tâm đến hồ sơ trợ cấp cho các nước nghèo.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc muốn tận dụng lợi thế và kinh nghiệm từng trải để trở thành cầu nối giữa các nước công nghiệp phát triển và các nền kinh tế đang lên.Trong quá khứ, Hàn Quốc đã nhanh chóng thoát khỏi hai cuộc khủng hoảng tài chính 1997 và gần đây hơn là cơn bão tài chính 2008.

Với vinh dự và trách nhiệm dồn lên vai, Hàn Quốc đã cho thấy khả năng đặc biệt trong việc làm trung gian điều phối các chương trình nghị sự quốc tế, thu hẹp khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển. Do vậy, thế giới ngày càng kỳ vọng vào Hàn Quốc qua việc chủ trì hội nghị lần này để làm cầu nối giữa các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Ngoài việc hội nghị sẽ đem đến thêm nhiều lợi ích kinh tế và uy tín quốc tế cho nước chủ nhà, các chuyên gia kinh tế và tài chính chú ý đến hội nghị ở Seoul vì sự kiện này sẽ tạo ra bước ngoặt quan trọng cho kinh tế thế giới.

Nguyễn Viết
Tổng hợp