1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Làn sóng tự tử của SV thất nghiệp ở Trung Quốc

(Dân trí) - Hàng triệu sinh viên của Trung Quốc sẽ tốt nghiệp trong năm nay, nhưng có đến 1/3 trong số đó không có khả năng kiếm được việc làm. Và đó là ngọn nguồn của mọi bi kịch.

Tháng bảy được xem là điểm mốc đánh dấu cánh cửa bước vào cuộc đời mới của Liu Wei.  

Cùng với hơn 6 triệu sinh viên khác trên khắp đất nước Trung Quốc, Liu Wei đáng lẽ đã tốt nghiệp đại học trong tháng này. 

Với Liu, con gái của một gia đình nông dân nghèo, bằng tốt nghiệp đại học được coi là tấm hộ chiếu duy nhất đưa cô thoát khỏi cuộc sống cơ cực trên những cánh đồng, hay lăn lộn với một danh phận khiêm tốn là công nhân trong nhà máy ở phía nam Trung Quốc. 

Thế nhưng, giấc mơ của cô gái về cuộc đổi đời “vĩ  đại” đó sẽ không bao giờ còn trở thành hiện thực. Chìm trong sự chán nản vì không thể tìm được việc làm và cảm thấy tội lỗi khi đã phung phí những đồng tiền khó nhọc của bố mẹ hy sinh để cô được học hành đến nơi đến chốn, Liu đã chọn cách kết thúc tất cả bằng cách nhảy xuống dòng nước lạnh giá để rũ bỏ tất cả ưu phiền và gánh nặng. 
 
Làn sóng tự tử của SV thất nghiệp ở Trung Quốc  - 1

Liu Wei đã tự kết liễu đời mình do bị khủng hoảng tâm lý vì không tìm được việc làm

Liu Shangyun, người cha suy kiệt của Liu không kìm được nỗi đau buồn. “Liu đã làm điều đó bởi nó hết sức lo lắng sẽ không kiếm được việc làm, nó sợ không kiếm được tiền để đền đáp bố mẹ”. Đôi mắt ông trũng xuống khi nhắc lại thời khắc cuối cùng ông gặp con gái, hai tuần trước khi Liu tự tìm đến cái chết. “Tôi đã đưa nó về trường. Lúc đó nó vẫn bình thường. Nó còn nói bố yên tâm, nó vẫn ổn”. Đau lòng thay, lần tiếp ông đến gặp cô là khi ông được gọi nhận diện xác con mình. 

Lựa chọn cuối cùng của Liu là tiêu cực nhưng không phải là hiếm gặp trong thời buổi này. Vào tháng 4 vừa qua, báo cáo từ  Ủy ban Giáo dục Thượng Hải cho thấy tự tử là  nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho tầng lớp sinh viên. Theo số liệu mà Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa ra, cứ 3 sinh viên mới tốt nghiệp năm nay thì có một người không tìm được việc làm, hầu hết sinh viên đều cho rằng họ đã từng trải qua tâm trạng giống như Liu. 

“Tôi sợ bị thất nghiệp”, Chen Meijun, sinh viên vừa mới tốt nghiệp Đại học Kinh tế và Kinh doanh Bắc Kinh với tấm bằng thương mại điện tử chia sẻ. “Có rất nhiều áp lực bởi gia đình tôi cũng rất lo lắng. Họ đã cố gắng an ủi tôi nhưng điều đó lại càng khiến tôi cảm thấy căn thẳng. Tôi đã hy vọng sẽ tìm được một công việc sau 4 năm miệt mài trên giảng đường đại học”. 

Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một lượng lớn đến mức “dư thừa” sinh viên tốt nghiệp đại học với 1,5 triệu sinh viên tốt nghiệp năm ngoái vẫn chưa kiếm được việc làm, đơn giản bởi không thể đủ chỗ cho tất cả mọi người. Vấn đề lại càng trở nên trầm trọng hơn dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. 
 
Làn sóng tự tử của SV thất nghiệp ở Trung Quốc  - 2

Hàng triệu sinh viên Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp

Tại một đất nước khoảng cách giàu nghèo ngày càng rõ rệt, bằng đại học được xem là yếu tố tiên quyết cho một tương lai tươi sáng. Với con cái của hơn 700 triệu nông dân Trung Quốc như Liu Wei, đó là con đường duy nhất đưa họ thoát kiếp nghèo, đến với công việc được trả lương ổn định. 

Bố mẹ Liu cũng hiểu điều đó, và họ đã ra sức động viên cô thực hiện ước mơ của mình. “Con bé luôn luôn muốn vào được đại học. Nó không cần biết nó muốn làm gì trong tương lại, nó chỉ cần được đi học”, mẹ Liu, bà Wang Shuxian đau buồn nhớ lại. “Tôi không biết đọc biết viết nhưng tôi muốn con tôi thực hiện được ước mơ của nó, tôi nghĩ điều đó sẽ làm thay đổi cuộc đời con bé. Nó sẽ không bao giờ phải làm một người nông dân lấm lem bùn đất”. 

Nhà của Liu nằm trong ngôi làng Liu Hebei, tỉnh Hồ Bắc, cách thành phố Bắc Kinh 200 dặm về phía nam. Liu Hebei là một ngôi làng điển hình ở vùng nông thôn Trung Quốc với một tập hợp những ngôi nhà được xây bằng gạch đơn giản, được nối với nhau bằng đường làng đầy bụi bẩn, chật hẹp. 

Ở ngôi làng nghèo khó này, Liu là một tấm gương sáng về học tập. “Rất nhiều người phải ghen tị khi con bé vào được đại học”, bà Wang nói, “Hầu hết những cô gái ở quanh đây đều kiếm lấy một tấm chồng khi chỉ mới 20, hoặc họ sẽ đi đến các tỉnh xa hơn để làm công nhân”. 

Bố mẹ Liu hiểu rằng cho con gái họ đi học đại học cũng đồng nghĩa với việc gánh trên vai gánh nặng tài chính lớn. Chính phủ Trung Quốc chưa có chính sách vay vốn dành cho sinh viên nghèo. Bởi vậy, muốn theo đuổi ước mơ, Liu và bố mẹ cô buộc phải có 9.000 nhân dân tệ mỗi năm cùng những khoản dành cho chi phí sinh hoạt khác trong trường đại học. 

Với thu nhập tối đa của một gia đình nông dân chỉ có 15.000 nhân dân tệ mỗi năm, gia đình Liu đã phải rất chật vật để kiếm sống và nuôi con gái ăn học đại học. Em trai của Liu đã phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền.
 
Làn sóng tự tử của SV thất nghiệp ở Trung Quốc  - 3

“Tôi rất mệt mỏi. Tôi muốn ngủ một giấc và không bao giờ còn thức dậy nữa”, trước khi chết, Liu bắt đầu rơi vào tình trạng tồi tệ.

Từ lúc bước chân vào trường đại học, Liu đã nhận thức được sự hy sinh mà gia đình dành cho cô. Trong nhật kí năm nhất đại học, Liu viết: “Mục tiêu của tôi là phải học tập chăm chỉ, kiếm được một công việc tốt và nuôi được gia đình mình. Nếu không làm được điều đó, cuộc sống của tôi cũng chẳng còn có ý nghĩa gì”. 

“Tôi là một sinh viên đại học nhưng tôi lại không thể tìm thấy một việc làm. Làm sao tôi có thể quay trở lại làng của mình sau khi tôi tốt nghiệp đại học được?” Và Liu bắt đầu rơi vào tình trạng tồi tệ. “Tôi rất mệt mỏi. Tôi muốn ngủ một giấc và không bao giờ còn thức dậy nữa”. 

Chín ngày trước khi tìm đến cái chết, trong trang nhật kí cuối cùng của Liu chỉ vẻn vẹn mấy chữ: “Tại sao lại quá khó khăn đến thế?” 

Đến tháng 12/2008, bạn bè  vì quá lo lắng cho Liu đã thông báo cho bố cô. Khi ông đến thăm cô, ông đã thực sự sốc khi trông thấy cô quá hốc hác và tiều tụy, đến mức không thể nhận ra được. “Con bé rất gầy. Có lẽ nó đã ăn uống rất kham khổ. Chỉ đến lúc đó tôi mới biết nó đang thất vọng và chán nản đến mức nào”. 

Sau chuyến đi ngắn về thăm nhà, Liu có vẻ đã khá hơn mặc dù cô luôn im lặng khi ngồi cạnh bố mẹ. Liu chỉ nói: “Bố mẹ đừng lo lắng. Con ổn cả”. 

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi trở lại trường, Liu đã biến mất. Vào ngày 23 tháng 1 trước Tết âm lịch, Liu đã nhảy xuống dòng nước gần bến xe buýt, tự kết liễu đời mình. 

Võ  Hiền
Theo Telegraph