1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lạc nhịp

(Dân trí) - Trung Quốc và Mỹ đang muốn xây dựng “quan hệ quân sự kiểu mới” tương ứng với “quan hệ nước lớn kiểu mới” mà lãnh đạo hai nước đã thông qua. Tuy nhiên, chuyến thăm Trung Quốc 4 ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel dường như lại cho thấy thông điệp khác.

Lạc nhịp
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc bắt tay nhau với vẻ mặt căng thẳng sau cuộc hội đàm ở Bắc Kinh.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Chuck Hagel trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kể từ nhậm chức tháng 2/2014.

Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ giúp xây dựng quan hệ quân sự kiểu mới theo hướng “không đối đầu, không xung đột, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi”. Hai bên mong muốn sẽ giảm thiểu những phán đoán sai lầm về chiến lược của nhau và khắc chế những trở ngại lớn trong quan hệ song phương liên quan đến các chính sách đang được hai bên triển khai như việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và đẩy mạnh chiến lược xoay trục an ninh sang châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông và đẩy mạnh các hoạt động xác lập chủ quyền ở Biển Đông.

Chính vì vậy, trong động thái cởi mở bất ngờ vượt ngoài dự đoán của nhiều người, Trung Quốc đã đồng ý mời ông Hagel lên thăm tàu Liên Ninh, tàu sân bay đầu tiên và cũng là tàu sân bay duy nhất của nước này, biểu tượng cho sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra trong 2 tiếng và không có bất kỳ hình ảnh hay chi tiết nào được công bố sau đó, nhưng với nhiều người đây vẫn là quyết định “xưa nay hiếm” của Bắc Kinh vốn ít khi công khai về các vấn đề quân sự.

So với cụm tàu sân bay đứng đầu thế giới của Mỹ, Liêu Ninh chỉ là một thiết bị cũ kỹ lạc hậu được tân trang từ “đống sắt vụn” mua lại của Ukraine. Nhưng trong cuộc đối kháng tranh chấp lãnh thổ ở khu vực hiện nay, Liêu Ninh vẫn tạo nên sự cách biệt đáng kể, nhất là khi Trung Quốc đã tự chế tạo được những máy bay chiến đấu có thể thực hiện sứ mệnh cất hạ cánh trên con tàu này.

Bản thân Trung Quốc cũng hy vọng sự cởi mở này của mình sẽ tạo cú hích cho việc tái thúc đẩy hợp tác quân sự song phương sau nhiều năm gián đoạn.

Thế nhưng toan tính của Bắc Kinh dường như chẳng ăn nhập gì với các nhà lãnh đạo ở bên kia bờ Thái Bình Dương, những người đã quá hiểu các sách lược và bước đi của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Đơn cử, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn ngay sau đó ở thủ đô Bắc Kinh, người đứng đầu ngành quốc phòng Mỹ vẫn thẳng thắn chỉ trích hành động gây quan ngại của Trung Quốc ở Hoa Đông trong thời gian qua. Theo ông, “mọi quốc gia đều có quyền thành lập ADIZ nhưng không có quyền đơn phương làm việc này mà không tham khảo các nước liên quan”, ám chỉ tới hai đồng minh thân cận của Mỹ ở Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cảnh báo nguy cơ hiểu nhầm có thể dẫn tới xung đột nguy hiểm giữa các bên.

Những tuyên bố này của ông Hagel hoàn toàn nhất quán với phát biểu mà ông đưa ra trước đó ở Nhật Bản, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Á lần thứ tư trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng. Khi đó, ông Hagel đã công khai “vỗ mặt” Bắc Kinh khi nói rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc không được “ỉ mạnh hiếp yếu”. Thậm chí, ông còn so sánh tranh chấp của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông với việc Nga sáp nhập Crimea. “Là một cường quốc, Trung Quốc không nên sử dụng vũ lực bắt nạt các nước khác trong tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông”, ông Hagel đã tuyên bố. 

Tất nhiên, đến nước này Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng không ngồi yên và đã lạnh lùng tuyên bố: “Quân đội Trung Quốc luôn luôn cảnh giác và đủ khả năng giành chiến thắng”.

Những đối đáp nảy lửa giữa hai vị bộ trưởng quốc phòng đã dội gáo nước lạnh vào khúc dạo đầu êm dịu của chuyến thăm, cũng như những nỗ lực trước đó của hai bên trong việc làm ấm lại quan hệ hợp tác quốc phòng song phương thông qua các chuyến viếng thăm quân sự cấp cao, tăng cường hợp tác tập trận và thúc đẩy cơ chế đối thoại.

Dĩ nhiên, mối quan hệ Mỹ - Trung xưa nay vốn luôn phức tạp bởi nó bao gồm cả những mặt tích cực và tiêu cực, cả yếu tố “bạn bè” lẫn “đối thủ”. Vì vậy, việc cải thiện thực chất quan hệ song phương không thể mang lại ngay hiệu quả chỉ trong một thời gian ngắn. Sau nhiều năm bất đồng về các chiến lược an ninh của nhau, các nhà lãnh đạo hai bên cần có nhiều thời gian để từng bước xây dựng lại niềm tin, nhất là khi châu Á – Thái Bình Dương đã trở thành khu vực quân sự hóa bậc nhất thế giới với không ít thách thức và cơ hội đan xen.

Nhưng niềm tin đó, đặc biệt là niềm tin chiến lược, chỉ có thể đạt được khi hai bên thực sự mong muốn và cùng ý thức rõ về trách nhiệm hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh nan giải trong khu vực. Nói cách khác, “các nước lớn phải giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa và có trách nhiệm dựa trên luật pháp quốc tế cũng như sự tôn trọng lợi ích chung” như lời của ông Hagel, thay vì chỉ biết “cảnh giác và tính toán khả năng giành chiến thắng” như lời của ông Thường Vạn Toàn.

Đức Vũ