1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở khắp nơi trên thế giới

Ngày 1/5, hàng triệu người lao động khắp thế giới tham gia diễu hành với các biểu ngữ kêu gọi đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Như thông lệ hằng năm, ngày Quốc tế Lao động 1/5 là dịp để người lao động tại nhiều nơi trên thế giới xuống đường bày tỏ nguyện vọng được cải thiện điều kiện làm việc, tăng thêm phúc lợi, cũng như chống bất bình đẳng.
 
Người lao động Ghana diễu hành nhân ngày 1/5. (Ảnh:
Người lao động Ghana diễu hành nhân ngày 1/5. (Ảnh: Ghana Worker)
Hàng nghìn công nhân lao động ở Indonesia hôm nay xuống đường yêu cầu tăng lương cho người lao động.Tại thủ đô Jakarta, những người lao động Indonesia cầm các biểu ngữ yêu cầu các nghiệp đoàn, giới chủ xem xét các điều kiện làm việc cũng như mức lương tối thiểu để tăng thêm phúc lợi cho người lao động.

Anh Mapuang, tham gia diễu hành ở thủ đô Jakarta nói:“Theo khảo sát của chúng tôi, mức lương hiện nay không đủ để sinh sống. Mức lương tối thiểu một tháng đối với người lao động là khoảng 200 USD, không đủ để chi tiêu cho một gia đình. Mức sống cho một gia đình ở thành phố là khoảng từ 400 USD đến 500 USD một tháng. Giá nhiên liệu tăng cao, tỷ lệ lạm phát tăng đang đẩy cuộc sống của người lao động trở nên khó khăn hơn.”

Là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á, hiện, tỷ lệ lạm phát ở Indonesia đã vượt hơn 6%. Quốc gia Vạn đảo có 240 triệu người chiếm 11% dân số nước này đang sống dưới mức nghèo khổ.

Cũng trong ngày hôm nay, lực lượng an ninh trên khắp Malaysia, lẫn Philippines đều được đặt trong tình trạng sẵn sàng để bảo đảm các cuộc tuần hành diễn ra an toàn.

Còn tại Hàn Quốc, hơn 100.000 người lao động nước này đã xuống đường yêu cầu đảm bảo quyền lợi cơ bản cho người lao động, cải thiện điều kiện làm việc và cải cách lương hưu.

Tại châu Âu, các lãnh đạo công đoàn Montenegro kêu gọi biểu tình chống thất nghiệp với sự hưởng ứng của công nhân, người thất nghiệp và sinh viên. Hiện tỷ lệ thất nghiệp ở Montenegro đã lên đến 15%, cao nhất trong khu vực và đáng báo động là khoảng 1/3 số này là người tốt nghiệp đại học dưới 30 tuổi.

Trong khi đó, chính quyền thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định đóng cửa quảng trường trung tâm Taksim vào ngày hôm nay, đồng thời yêu cầu các công đoàn tổ chức biểu tình tại 8 quảng trường khác. Tại Pháp, ngày hôm nay là ngày nghỉ lễ, các tổ chức công đoàn cũng tổ chức các cuộc diễu hành tại các thành phố lớn để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Không khí tại Mỹ căng thẳng hơn do biểu tình nhân ngày Quốc tế Lao động năm nay được kết hợp với phong trào phản đối vụ một thanh niên da đen tử vong tại thành phố Baltimore khi đang bị cảnh sát giam giữ. Sau mấy ngày bạo động vừa qua, chính quyền Baltimore đã ban bố lệnh giới nghiêm, trong khi biểu tình bắt đầu lan ra nhiều nơi khác. Ở Philadelphia cũng có khoảng 600 người tập trung biểu tình trong hòa bình. Tại Seattle, cảnh sát đang trong tình trạng báo động khi có ít nhất 3 cuộc biểu tình được lên kế hoạch vào ngày hôm nay. Nhiều hoạt động xuống đường cũng được tổ chức tại thủ đô Washington DC, Las Vegas, Ferguson./.
Theo Quỳnh Hoa/VOV- Trung tâm Tin/tổng hợp