1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ấn Độ với tham vọng về phi đội UAV vũ trang

Kỳ 1: Lộ trình vũ khí hóa

Trong bối cảnh nước láng giềng Pakistan đang sở hữu máy bay không người lái (UAV) vũ trang được Trung Quốc hỗ trợ phát triển, Ấn Độ đã quyết tâm đẩy nhanh chương trình xây dựng một phi đội UAV tác chiến của riêng mình.

Hiện Ấn Độ đã khởi động chương trình vũ khí hóa Rustom, loại UAV do nước này tự nghiên cứu chế tạo, và triển khai những thành tố cần thiết để vận hành một phi đội máy bay không người lái vũ trang, như hệ thống tăng cường dẫn đường bằng vệ tinh (SBAS) và các vệ tinh liên lạc quân sự chuyên dụng.
 
Rustom được dự định bổ sung hoặc thay thế những chiếc Heron đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang Ấn Độ. Ngoài ra, New Delhi cũng đang bắt tay phát triển một loại UAV tác chiến có khả năng tàng hình trên màn hình rađa của đối phương.
 
Chiếc Rustom-1 thực hiện chuyến bay thử nghiệm thành công.
Chiếc Rustom-1 thực hiện chuyến bay thử nghiệm thành công.

Mặc dù vậy, Ấn Độ vẫn cần phải cải tiến công nghệ tránh va chạm vốn cần thiết để tăng tính cơ động của các UAV, giúp chúng có thể hoạt động trong cả khoảng không dân sự. Bên cạnh đó là sự cần thiết của việc mở rộng đáng kể băng tần vệ tinh nhằm giúp gia tăng tần suất các chuyến bay UAV vũ trang.

Trong ít năm tới, Ấn Độ rất có thể sẽ tính đến phương án sử dụng hạn chế các cuộc không kích bằng máy bay không người lái gần khu vực biên giới để xóa sổ các mục tiêu khủng bố. Điều này phù hợp với học thuyết Modi-Doval mới xuất hiện. Quân đội Ấn Độ vừa vận dụng học thuyết này để mở cuộc tấn công qua biên giới Myamar hồi đầu tháng 6/2015 nhằm truy quét các phần tử nổi dậy thường xuyên tiến hành các hoạt động chống phá tại khu vực Đông Bắc Ấn Độ. Học thuyết của Thủ tướng Narendra Modi và Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval chủ trương áp dụng cách tiếp cận chủ động để đối phó với các lực lượng chống phá New Delhi.

Mặc dù quân đội Ấn Độ lâu nay vẫn vận hành các máy bay không người lái Heron do Israel chế tạo để phục vụ các hoạt động chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính, thông tin/tình báo, giám sát, phát hiện mục tiêu và trinh sát (C4ISTAR) và thậm chí còn sở hữu các máy bay không người lái tự sát dò bức xạ (cũng của Israel), song New Delhi vẫn chưa có trong tay những chiếc UAV gắn tên lửa như Predator của Mỹ.

Máy bay không người lái Rustom-H.
Máy bay không người lái Rustom-H.

Nay người Ấn Độ đang tìm cách thay đổi điều này với việc Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đang thực hiện những công việc nghiêm túc cho mục tiêu vũ khí hóa loại UAV tự chế mang tên Rustom-I có khả năng hoạt động nhiều giờ đồng hồ ở tầm trung (3-10 km).

Theo DRDO, cơ quan này đã gắn tên lửa chống tăng tự chế HELINA vào Rustom-I. Quá trình thử nghiệm trên đường băng đã hoàn tất và những cuộc thử nghiệm trên không dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay. DRDO đặt mục tiêu đến giữa năm 2016 sẽ nắm bắt được các thông số cần thiết để vũ khí hóa Rustom-I.
 
Không khó để nhận ra tính cấp bách của dự án này bởi Pakistan chỉ vừa mới tháng 3/2015 đã tiến hành một vụ bắn thử tên lửa dẫn đường bằng laser từ máy bay không người lái Burraq. Burraq được phát triển nhờ sự trợ giúp của Trung Quốc và giống hệt mẫu UAV CASC CH-3 của cường quốc gia châu Á này.

Chắc chắn Rustom-I sẽ được sử dụng để thực hiện những cuộc tấn công vào các trại khủng bố ở khu vực hẻo lánh hay những tàu nhỏ ở vùng biển xa. Trên thực tế, quân chủng Ấn Độ đầu tiên sử dụng Rustom-I nhiều khả năng sẽ là Hải quân chứ không phải là Lục quân, bởi Lục quân vẫn muốn bổ sung thêm một số tính năng cho UAV này trước khi đưa nó vào phiên chế.

Một yếu tố then chốt cho phép Ấn Độ thực hiện các chuyến bay UAV vũ trang sẽ là hệ thống SBAS mới do nước này tự phát triển mang tên GAGAN. Hệ thống này được cấp phép hồi đầu năm nay. Mặc dù GAGAN được thiết kế để hỗ trợ hoạt động hàng không dân dụng ở Ấn Độ, song rõ ràng chức năng tăng cường tín hiệu dẫn đường vệ tinh cũng có thể phục vụ người dùng quân sự.
 
Thực ra, các nhà khoa học quốc phòng Ấn Độ cùng với cơ quan nghiên cứu nước này cũng đã phát triển một thiết bị nhận tín hiệu GAGAN nhỏ gọn có thể được gắn trên các UAV và có khả năng nhận các tín hiệu “đã lọc” từ các hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và Hệ thống vệ tinh dẫn đường khu vực của Ấn Độ (dự kiến sẽ sớm vận hành đầy đủ trong tương lai gần).
 
GAGAN đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn đường cho các UAV của Ấn Độ và sẽ giúp chúng “quay trở về” trong trường hợp xảy ra một lỗi liên kết với các trạm kiểm soát mặt đất cũng như thực hiện hạ cánh khẩn cấp xuống những đường băng thay thế.
 
Lẽ đương nhiên, cả hai yếu tố này đều trở nên quan trọng hơn khi một chiếc UAV có mang theo vũ khí, mặc dù, tính sẵn có của tín hiệu dẫn đường vệ tinh chất lượng cao cũng đóng vai trò hết sức thiết yếu đối với những nhiệm vụ tấn công chính xác.
 
Các máy bay không người lái vũ trang của Ấn Độ trong tương lai cũng sẽ có khả năng hoạt động ở những phạm vi rộng lớn hơn, khi quân đội nước này đưa vào sử dụng những vệ tinh liên lạc quân sự chuyên dụng hơn.
 
Và một lần nữa, Hải quân Ấn Độ là lực lượng đi tiên phong trong lĩnh vực này sau khi đã tích hợp đầy đủ vệ tinh liên lạc GSAT-7 vào trình tự tác chiến và sử dụng vệ tinh này để thiết lập mạng lưới các tàu và máy bay tham gia những cuộc diễn tập bắn tên lửa.

(Đón đọc kỳ cuối: Những trở ngại)

Theo Huy Lê