Kuwait tử hình cặp đôi giết "osin" Phillipines rồi nhét trong tủ đông
(Dân trí) - Tòa án Kuwait ngày 1/4 đã tuyên án tử hình đối với cặp vợ chồng người Lebanon và Syria vì tội danh sát hại một người giúp việc Philippines rồi nhét xác cô này trong tủ đông.
AFP đưa tin, tòa án Kuwait đã ra phán quyết trên trong phiên xét xử đầu tiên của vụ sát hại cô Joanna Demafelis - một người giúp việc 29 tuổi được phát hiện chết trong tủ lạnh ở Kuwait hồi đầu năm nay.
Cặp đôi bị tuyên án có thể kháng cáo nếu trở lại Kuwait. Trước đó, hai người này, trong đó người vợ là người Syria, đã bị bắt giữ ở thủ đô Damascus của Syria hồi tháng 2 năm nay sau khi Interpol phát lệnh truy nã. Hiện giới chức Syria đã trao người chồng, có tên là Nader Essam Assaf, cho các cơ quan chức năng Lebanon, trong khi người vợ vẫn đang bị tạm giữ ở thủ đô Damascus.
Đại sứ quán Philippines ở Kuwait Renato Pedro Villa từ chối đưa ra bình luận về phán quyết trên, song cho biết chính phủ nước này đang chờ đợi phiên xét xử những người liên quan tới vụ việc. Cùng ngày, một số tờ báo Phillipines cho biết Thứ trưởng phụ trách Các vấn đề về người lao động nhập cư của nước này, bà Sarah Arriola, sẽ có cuộc gặp với giới chức Kuwait về các điều kiện làm việc của người lao động Phillipines.
Vụ sát hại người giúp việc Demafelis đã dẫn tới cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Kuwait và Phillipines, buộc Manila phải đưa ra lệnh cấm công dân nước này tới quốc gia vùng Vịnh làm việc. Hiện có khoảng 252.000 người lao động Phillipines đang làm việc tại Kuwait.
Sau khi xảy ra vụ sát hại, chính phủ Phillipines đã yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động giúp hồi hương những người lao động muốn trở về nước, kể cả những người đã đánh mất các loại giấy tờ tùy thân. Đại sứ Renato Pedro Villa cho biết các hoạt động được tổ chức trong thời gian qua đã đưa được 4.000 người Phillipines ở Kuwait về nước.
“Chúng tôi đang đàm phán với chính phủ Kuwait nhằm cho phép đưa 6.000 người Phillipines không có các giấy tờ cần thiết trở về quê hương”, ông Villa nói thêm.
Trong những năm qua, có nhiều tổ chức đã bày tỏ quan ngại về quyền của người lao động ở các quốc gia Arab và vùng Vịnh. Đây là nơi người lao động nhập cư phụ thuộc vào hệ thống có tên gọi “kafala”, một hệ thống liên kết giữa thị thực của người lao động với giới chủ, qua đó hạn chế khả năng người lao động trở về quê nhà hoặc tìm công việc mới mà chủ không nắm được.
Ngọc Anh
Theo AFP