"Khỏa thân núi thiêng" và "cái tát" vào báo chí xài tin mạng xã hội:
Kì cuối: Washington Post và truyền thông quốc tế mắc bẫy như thế nào?
Không chỉ Washington Post (WP), còn rất nhiều tờ báo khác “phạm lỗi” trong vụ “khỏa thân núi thiêng”. Điểm mấu chốt nằm ở chỗ, họ đã không tuân thủ nguyên tắc tối thiểu trong tác nghiệp báo chí về biên tập, thẩm định thông tin.
“Đây là bối cảnh câu chuyện. Hôm 1/6, một nhóm du khách lên đỉnh Mt Kinabalu và do không biết đây là ngọn núi thiêng nên họ đã khỏa thân và tiểu bậy. Đến ngày 5/6, một trận động đất nổ ra, làm 18 người chết. Quả là một ngày không vui. Ngay sau đó, người đứng đầu bang Sabah cùng với Bộ trưởng Du lịch Malaysia cùng lên tiếng giải thích cơn động đất xuất hiện là do khách du lịch đã làm thần núi nổi giận và ra tay trừng phạt… Tôi tung tin, như mọi người thường làm trên Facebook và post một vài dòng”, Kaminski chia sẻ trên tài khoản Youtube cá nhân hôm 14/6.
“Một vài dòng” kia chính là tin về trận động đất, kèm theo đó là 3 bức ảnh chụp Kaminski khỏa thân trên đỉnh núi. Thế nhưng không một bức nào trong số này là gắn với khung cảnh ở Malaysia. “Và điều quan trọng hơn cả là tôi không xuất hiện ở Malaysia vào thời điểm đó. Lần gần nhất tôi tới Malaysia là hôm 2/5, quá cảnh qua sân bay Kuala Lumpur sau khi vừa đi quay phim về trận động đất ở Nepal… Thế nhưng WP thậm chí không buồn nhìn vào những bức ảnh mà tôi đẩy lên và đặt câu hỏi đại loại như: Chờ chút, trông nó chẳng có gì giống núi Mt Kinabalu,” Kaminski chia sẻ.
Anh này tiếp tục kể câu chuyện của mình: “Tôi quyết định làm điều gì đó chọc cười. Tôi lên trang Google Images và tìm hình ảnh ngọn núi thực sự kia, tag hai người bạn vào và ngồi đợi. 12 tiếng sau, gần 500.000 lượt người vào xem, và đó cũng là lúc mà WP để ý".
“Thay vì ngồi chờ họ tìm đến để tìm hiểu sự thật, tôi nghĩ mình phải đăng tải một số thông tin nhằm đánh lạc hướng và khiến họ hiểu sai về tôi. Sử dụng một hình ảnh trên Wikipedia, tôi đẩy một bức hình từ Tawau và “tình cờ” để lộ tin cho một người bạn trên Facebook, nói là tôi đang ở Tawau, phía nam eo Borneo”. WP cho chạy câu chuyện kia, dù sự thực Kaminski chẳng hề ở Tawau, hay thậm chí là ở Malaysia. “Phóng viên các vấn đề Đối ngoại” Miller tiếp tục mô tả “chuyến bay của Kaminski từ Malaysia chưa cất cánh cho đến tận ngày thứ Tư”, rằng anh ta “lên Twitter để chế giễu (Bộ trưởng Du lịch Manjun) một lần nữa vào hôm thứ Ba, nói rằng vị bộ trưởng này chẳng có hiểu biết khoa học gì khi cho đăng tải báo cáo cảnh sát chỉ trích khách du lịch”.
Câu chuyện cứ vậy lan nhanh ở Bắc Mỹ và Kaminski lấy làm lạ khi một trong những yêu cầu tối thiểu về nghiệp vụ báo chí đã không được WP thực hiện và tờ báo này đã cho đăng tải bài viết chỉ dựa trên tin tức trên Facebook. “Thế nhưng WP không phải là tờ báo duy nhất phạm lỗi. Một loạt những tờ khác như Daily Mail , the Telegraph (Anh), News Straits Times và the Malay Mail (Malaysia) đều mô tả là thông tin thu thập từ một số nguồn ngẫu nhiên và điều đặc biệt gây cười là ở chỗ họ đều nói tôi bị bắt. Đã có phóng viên nào chịu gặp cảnh sát hay chưa? Họ có biết là tôi không ở Malaysia không? Cảnh sát bắt giữ ai?”, người thích đùa Kaminski viết.
Sự thực thì WP không có cộng tác viên trả lương ở Đông Nam Á để sẵn sàng có mặt tại hiện trường khi có sự kiện quan trọng diễn ra. Thay vào đó, họ gắn cái mác “Phóng viên các vấn đề Đối ngoại” cho một ai đó ngồi sau màn hình vi tính trong một căn phòng kín mít ở Washington DC., với công việc chuyên theo dõi YouTube, Facebook, Twitter để rồi xào xáo lại thông tin mạng xã hội, biến thành câu chuyện, dù chẳng biết mức độ chính xác đến đâu.
Đó không phải là cách thức hoạt động thường thấy của báo chí. Đó là một ngày buồn đối với WP. Các dữ liệu đã không được kiểm chứng. Độ xác thực không được chứng thực. Nhiều câu chuyện thậm chí còn chẳng được chuyển tới bộ lọc là những biên tập viên, cũng chỉ bởi muốn có tin bài hot tức thời. Đó cũng không phải là phương thức báo chí tương lai. Không sớm thì muộn, những tờ lao theo cách làm như trên của WP sẽ nhận ra một sự thực: Độc giả muốn rằng những thông tin đăng tải trên báo chí phải là sự thật.
Năm 2009, WP cho hợp nhất bản điện tử và bản giấy. Theo như lời của Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc WP lúc đó là Katharine Weymouth thì việc kết hợp này nhằm tạo ra một mô hình công ty gọn nhẹ, chuyên tập trung phổ biên thông tin dựa trên nhiều nền tảng, theo hướng hiệu quả hơn. Bà Weymouth quả quyết, bản điện tử sẽ “hội đủ những tiêu chuẩn y hệt như báo in”. Thế nhưng ngay trước khi WP được bán cho tập đoàn Amazon của tỉ phú Jeff Bezos (8/2013), lãnh đạo WP đã cho sa thải đội ngũ nhân viên thanh tra và loại bỏ chức danh này trong biên chế tổ chức của tờ báo với lý do “thế giới đã thay đổi và WP cũng phải thay đổi theo”.