Khủng long tuyệt chủng vì thiên thạch
(Dân trí) - Các nhà khoa học hàng đầu thế giới kết luận rằng một thiên thạch đâm vào Trái đất với một lực tương đương 1 tỷ lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima chính là nguyên nhân khiến khủng long tuyệt chủng.
Vụ va chạm, cách đây 65 triệu năm, mạnh tới nỗi nó đã biến hầu hết Trái đất trở thành một vùng đất khô cằn, chìm trong bụi bặm, lạnh lẽo và hầu như không có sự sống.
Khủng long, vốn thống trị Trái đất khoảng 160 triệu năm về trước, đã bị huỷ diệt sau đó. Những loài bò sát biển lớn, các loài bò sát biết bay, các loài thuộc họ ốc sên lớn và nhiều loài sinh vật biển khác bị xoá sổ. Các loài chim cũng bị tổn thất về số lượng nhưng vẫn sống sót.
Tuy nhiên, một số loài động vật có vú vẫn sống sót và cuối cùng là mở ra giai đoạn con người xuất hiện.
Kết luận - được một uỷ ban gồm 41 nhà khoa học hàng đầu thế giới đưa ra - rằng chính thiên thạch là nguyên nhân khiến khủng long tuyệt chủng đã khép lại nhiều thập niên tranh cãi.
Uỷ ban được thành lập để chấm dứt cuộc tranh luận về nguyên nhân gây tuyệt chủng trên diện rộng vào giai đoạn cuối của Thời kỳ Phấn trắng. Đặc biệt, uỷ ban cũng bác bỏ các giả quyết cho rằng núi lửa phun trào hay thay đổi khí hậu là nguyên nhân khiến khủng long tuyệt chủng.
“Kết hợp tất cả các dữ liệu hiện có từ các tài liệu khoa học khác nhau, chúng tôi kết luận rằng, cách đây 65 triệu năm, một thiên thạch lớn đã đâm xuống Mexico ngày nay là nguyên nhân chính khiến loài động vật khổng lồ biến mất”, giáo sư Peter Schulte của Đại học Erlangen tại Đức nói.
“Giờ đây chúng ta tin tưởng rằng một thiên thạch là nguyên nhân gây tuyệt chủng. Vụ va chạm cũng gây ra các vụ cháy rừng trên diện rộng, các trận động đất mạnh trên 10 độ ricther”, Tiến Joanna Morgan từ Đại học Imperial College London nói.
Kim loại Iriđi - vốn rất hiếm trên Trái đất nhưng phổ biến trên các thiên thạch - từ Thời kỳ Phấn trắng đã được phát hiện tại Mexico và đây là bằng chứng quan trọng cho thấy một khối đá vũ trụ khổng lồ từng rơi xuống Trái đất.
An Bình
Theo BBC, Xinhua