1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khủng hoảng Trung Đông và sự diệt vong của nhà nước Hồi giáo

Vòng xoáy bạo lực mới nhất của vùng Trung Đông – cái rốn của các cuộc khủng hoảng trong thời gian gần đây, đang khiến người ta lo ngại về một viễn cảnh nguy hiểm: sự phân rã của các nhà nuớc Arab với sự nổi lên của thế lực Hồi giáo dòng Sunni.

Các thể chế nhà nước Trung Đông đang trở nên yếu ớt hơn bao giờ hết khi mà các giới chức truyền thống, dù là các nhà nước quân chủ lâu đời hay các giới chức thế tục, dường như ngày càng mất khả năng chăm lo cho người dân đang cảm thấy bất an của mình. Đi kèm với sự suy yếu đó là sự nổi lên của các thế lực bộ tộc.

Mối thù tôn giáo truyền kiếp

Có một câu hỏi là ngày nay người ta định nghĩa thế nào về người Iraq, Syria, Yemen hay Liban? Và dường như bất kỳ sự định danh nào đều hướng tới các tên ghép đi liền với dòng tôn giáo mà họ theo như người Iraq Sunni, người Syria Alawite (một nhánh của dòng Hồi giáo Shiite)… Các ví dụ này cho thấy rằng sự định danh về khía cạnh chính trị đã hướng tới một điều gì đó ít dân sự hơn song lại mang màu sắc tôn giáo nhiều hơn.

Mối thù tôn giáo gây những cuộc chiến đẫm máu
Mối thù tôn giáo gây những cuộc chiến đẫm máu

Đối với trường hợp Iraq, cuộc xâm lược và chiếm đóng do Mỹ dẫn đầu bị dư luận chỉ trích là đã đưa một cách không chính thức sự phân biệt về mặt giáo phái vào quốc gia này. Thực tế, chủ nghĩa giáo phái đã luôn tồn tại và phát triển ở Iraq, nhưng nó hiện đã trở thành một động cơ chính và một nguyên tắc tổ chức của nền chính trị tại quốc gia vùng Vịnh này. Có một thực tế là khi mà các giáo phái hoặc người dân tộc thiểu số điều hành đất nước, như người Sunni tại Iraq, họ đặc biệt quan tâm tới việc coi nhẹ tính chất giáo phái hay sắc tộc. Họ thường đi đầu trong việc đưa ra một quan điểm rộng mở, bao trùm tất cả mọi người dân trong đất nước. Ở Iraq, quan điểm đó là Chủ nghĩa Bath và khi quốc gia Trung Đông này do cộng đồng thiểu số Sunni điều hành (thay vì những người Shiite đa số như hiện nay), Chủ nghĩa Bath đã trở thành động lực cho sự thống nhất quốc gia, mặc dù đó là một sự thống nhất thô bạo và độc đoán. Tuy nhiên, khi Đảng Bath, cùng với hệ tư tưởng về xã hội công dân của mình bị xóa sổ tiếp sau sự chiếm đóng của Mỹ, đã không có một quan điểm mới tương tự nào thay thế. Khi đó, chủ nghĩa giáo phái trở thành nguyên tắc tổ chức đáng tin cậy duy nhất trong nền chính trị Iraq.

Như vậy, chủ nghĩa giáo phái đã hủy hoại nền chính trị Iraq, khiến Baghdad về cơ bản không thể tổ chức các đảng chính trị phi giáo phái hoặc cùng chia sẻ các lợi ích kinh tế-xã hội. Tại đất nước Iraq ngày nay (cùng tồn tại với cộng đồng người Kurd), rất hiếm khi một người Arab Sunni bỏ phiếu cho một người Arab Shiite và ngược lại. Bên cạnh đó, luôn có sự cạnh tranh giữa các đảng của người Shiite và người Sunni và rất ít cử tri dám vượt qua ranh giới giáo phái kể trên – một thực tế tàn nhẫn mà dường như sẽ khó có thể thay đổi trong nhiều năm tới.

Đổ lỗi cho Mỹ cho các vấn đề tại Iraq có thể phần nào có lý, song việc để chính quyền Đảng Bath của cố Tổng thống Saddam Husein tiếp tục tồn tại cũng không phải là một phương án hay ho (đối với Phương Tây). Điều tương tự cũng đúng đối với trường hợp tại Libya, mặc dù Mỹ không đi đầu trong việc can dự vào quốc gia Bắc Phi này. Và Mỹ cũng không xâm lược bất kỳ quốc gia nào tại Trung Đông, như Liban, Syria, Yemen, song tại các quốc gia này sự tồn vong của nhà nước cũng đang trở nên khá bấp bênh.

Hậu quả của Mùa xuân Arab

Có rất nhiều lý do khiến các chính thể nhà nước Arab suy yếu, một trong số các lý do gần đây nhất đó là di sản của Mùa xuân Arab. Trong thời kỳ đầu của “cuộc cách mạng đường phố” này, công chúng Arab xuống đường nhằm lật đổ các chế độ độc tài hoặc quân chủ, vốn được coi là đã mất đi sức sống và khả năng lãnh đạo. Nhưng những cuộc biểu tình sơ khởi này, thường thiếu các nhà lãnh đạo và chương trình rõ ràng, đã sớm tạo lối mòn cho những thói quen xưa cũ.

Cuộc biểu tình trong cách mạng Mùa xuân Arab.
Cuộc biểu tình trong cách mạng Mùa xuân Arab.

Như vậy, đúng như lời hứa ban đầu về một sự chuyển giao chính trị tại Ai Cập, sau sự ra đi của chế độ được quân đội hậu thuẫn của cựu Tổng thống Hosni Mubarak, một chính phủ của Anh em Hồi giáo (MB) được thành lập. Hệ tư tưởng của MB đã biến lực lượng này thành một ứng cử viên khó có thể có được thành công lâu dài. Ngay từ đầu, đa số giới quan sát đều tin rằng sự tồn tại của chính quyền MB chỉ tính bằng ngày.

Khi quân đội lật đổ MB hồi năm ngoái, rất nhiều người Ai Cập đi theo phong trào Mùa xuân Arab đã tỏ ý bằng lòng. Ai Cập tiếp tục giữ được vị thế quốc gia mạnh trong khu vực, tuy nhiên, xã hội Ai Cập đã bị tan rã, chia cắt và sẽ phải mất nhiều năm để hồi phục.

Một số nhà nước khác thậm chí ít may mắn hơn. Sự sụp đổ của thể chế độc tài Muammar Gadhafi tại Libya đã mở đường cho chủ nghĩa bộ tộc Bedouin phát triển, một cộng đồng vốn rất khó khăn để hòa nhập vào một chính thể nhà nước tại Libya. Trong khi đó, Yemen cũng sôi sục trong vòng vây của lòng hận thù sắc tộc và tình hình giáo phái đặt ra các thách thức đối với sự thống nhất quốc gia. Đặc biệt là Syria, đất nước này dường như sẽ không bao giờ có thể tái thiết được để trở lại thành một quốc gia thống nhất trong bối cảnh tồn tại sự chia rẽ sâu sắc giữa các giáo phái dòng Sunni, Alawite, Kurd, Thiên Chúa giáo và nhiều giáo phái khác.

Thực tế này đòi hỏi các quốc gia Phương Tây cần phải có một chính sách tiếp cận toàn diện, rộng mở hơn đối với khu vực. Chính sách này cần phải tính tới sự phối hợp của khu vực và không cố tình quên đi sự liên quan ở mức độ nào đó của những thay đổi đang làm suy yếu các thể chế nhà nước. Trong đó, đặc biệt là Mỹ cần phải xem lại cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria và Iraq, đồng thời ngừng việc nhìn nhận 2 cuộc khủng hoảng này theo cách như thể là chúng không liên quan tới nhau. Bởi thực tế là trong khi Mỹ kêu gọi thay đổi chế độ tại Syria, Washington lại tìm cách bình ổn tình hình ở Iraq, có một điều cần nhớ rằng cả hai quốc gia này đều là Nhà nước Hồi giáo.

Theo Thái Nguyễn