Chùm ảnh
Khủng hoảng chính trị Thái Lan đang đổi màu
(Dân trí) - Kịch bản chính trị buồn ở Thái Lan một lần nữa được lặp lại. Nhưng lần này, “sắc màu” đã thay đổi từ vàng sang đỏ, bởi những người biểu tình là những người ủng hộ Thaksin và các đồng minh của ông, những người mới bị phế truất cách đây hai tuần.
Hôm qua, tân Thủ tướng Thái Lan đã phải tránh hàng ngàn người biểu tình bao vây tòa nhà quốc hội và phải thực hiện bài phát biểu về chính sách đầu tiên của mình tại Bộ Ngoại giao, với cam kết sẽ hàn gắn bất ổn đang làm chao đảo đất nước và nền kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch của nước này.
Ông Abhisit được bầu làm thủ tướng tại quốc hội ngày 15/12 vừa qua.
Ông Abhisit đã buộc phải dời và hoãn bài phát biểu đầu tiên trên cương vị thủ tướng của mình một ngày do những người biểu tình phản đối chính phủ gây lộn xộn bên ngoài tòa nhà quốc hội, cùng địa điểm, cùng chiến thuật mà những người ủng hộ ông đã sử dụng để đưa ông lên nắm quyền hai tuần trước đây.
Người ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin tập hợp lực lượng ở sân vận động Supachalasai, Bangkok, ngày 13/12.
Trong suốt nhiều tháng qua, Thái Lan đã bị chao đảo bởi các nhóm biểu tình hoặc ủng hộ hoặc phản đối cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, từng là một trong những người giàu nhất Thái Lan và hiện đang phải sống lưu vong sau khi bị phế truất trong cuộc đảo chính năm 2006.
Bất ổn chính trị, cùng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã gây thương tích nghiêm trọng đối với ngành du lịch nước này, mà đỉnh điểm là cuộc phong tỏa hai sân bay Bangkok trong 8 ngày, đe dọa đẩy Thái Lan vào suy thoái.
Người biểu tình ủng hộ Thaksin ném gạch đá vào xe của một nghị sỹ tại tòa nhà quốc hội.
Ông Abhisit chính thức được bầu làm thủ tướng vào ngày 17/12, với nhiều người hi vọng ông sẽ mang lại bình yên cho Thái Lan.
Một người biểu tình ủng hộ Thaksin trong cuộc biểu tình ở tòa nhà quốc hội.
Nhưng hôm thứ hai vừa qua, hàng ngàn người trung thành với ông Thaksin, tự xưng là Liên minh dân chủ chống độc tài, đã thề sẽ bao vây tòa nhà quốc hội cho đến khi có một cuộc tổng tuyển cử mới được tổ chức.
Bangkok đã bị nhuộm đỏ trong những ngày này.
Những cuộc biểu tình trên đường phố lần này giống hệt những cuộc biểu tình đã đưa ông Abhisit lên nắm quyền vài tuần trước. Khi đó, những người phản đối ông Thaksin đã chiếm giữ tòa nhà của thủ tướng và hai sân bay chính của Bangkok.
Người biểu tình "áo đỏ" trước hàng rào cảnh sát chống bạo động trước tòa nhà quốc hội ngày hôm qua 30/12.
Hôm qua, trong bài phát biểu của mình Thủ tướng Abhisit đã cam kết sẽ “tiếp tục đàm phán và thương lượng” để kết thúc cuộc khủng hoảng.
Không lâu sau khi ông tránh được người biểu tình và vào được trong Bộ Ngoại giao để có bài phát biểu đầu tiên, những người biểu tình phản đối chính phủ đã rời tòa nhà của bộ. Họ còn cho biết cũng sẽ rời bỏ vị trí chiếm giữ ở tòa nhà quốc hội vào sớm ngày hôm nay, ngày nghỉ của chính phủ.
“Việc chúng tôi tập hợp trong bao lâu không quan trọng. Điều quan trọng là chúng tôi có cơ hội thể hiện quan điểm của chúng tôi về chính phủ hiện tại”, lãnh đạo cuộc biểu tình Chakrapob Penkhair cho biết.
Liên minh dân chủ chống độc tài, hay còn được biết đến là liên minh “áo đỏ”, là liên minh rộng gồm những người trung thành với ông Thaksin, nông dân, người lao động ở nhiều thành phố trên cả nước, trong đó có thủ đô Bangkok.
Họ yêu cầu chính phủ mới phải giải thể cơ quan lập pháp và kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử mới, mà họ tin rằng những người ủng hộ ông Thaksin sẽ dễ dàng giành chiến thắng bởi họ có thành trì vững chãi ở các vùng nông thôn.
Họ thề sẽ không để yên nếu chính phủ không sớm tổ chức một cuộc tổng tuyển cử công bằng mới.
Còn đảng của tân thủ tướng Abhisit là đảng đối lập từ năm 2001. Đảng này đang dẫn dắt một liên mình mà nhiều phân tích lo ngại không đủ mạnh để tồn tại cho đến cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào năm 2011.
Giới phân tích cho rằng những biến động trong thời gian tới sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới ngành du lịch và các ngành kinh tế khác của Thái Lan.
Phan Anh
Theo AP