1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Khối Schengen liệu có sụp đổ?

(Dân trí) - Trong khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu vẫn đang có nhiều bất đồng xung quanh việc giải quyết vấn đề người nhập cư, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã cảnh báo châu lục này chỉ còn “chưa đầy hai tháng” để kiểm soát cuộc khủng hoảng người nhập cư, nếu không khối Schegen sẽ sụp đổ.

 


(Ảnh minh họa: schengenvisainfo)

(Ảnh minh họa: schengenvisainfo)

Niềm tự hào khu vực

Cho đến nay, Hiệp ước Schengen có 26 thành viên châu Âu tham gia, với 400 triệu dân. Công dân các nước tham gia Hiệp ước này có thể đi lại tự do giữa các nước mà không cần xin thị thực và không bị kiểm soát. Schengen có đường biên giới chung với quy chế về tị nạn, hệ thống thông tin về tội phạm và cảnh sát các nước có quyền truy sát nghi can xuyên biên giới của nhau. Khu vực Schengen bằng gần 30% diện tích nước Mỹ, nhưng chỉ với một thị thực duy nhất Schengen là có thể đi lại tự do. Tuy nhiên, nước Anh hiện vẫn đứng ngoài khu vực này.

Cựu Chủ tịch EC, ông José Manuel Barroso, từng khẳng định việc mở rộng biên giới sẽ thúc đẩy thương mại và du lịch của châu Âu, mang lại sức sống mới cho nền kinh tế khu vực. Du lịch hiện chiếm khoảng 4% kinh tế EU và được dự đoán sẽ tăng lên 11% trong thời gian tới. Đối với những du khách cần phải có thị thực trước khi vào EU, đây quả là một chuyển biến hết sức tích cực, giúp họ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.

Lãnh đạo nhiều nước châu Âu cũng khẳng định, Hiệp ước Schengen sẽ góp phần bảo đảm tự do, hoà bình, an ninh và đoàn kết trong khu vực. Tuy nhiên, sự quan ngại của nhiều nước Tây Âu về hoạt động tội phạm và nhập cư trái phép, thì nay đã thành hiện thực.


Các quốc gia thuộc khối Schengen, màu xanh đậm và xanh lá (Đồ họa: www.imoplaces.com)

Các quốc gia thuộc khối Schengen, màu xanh đậm và xanh lá (Đồ họa: www.imoplaces.com)

Mạnh ai nấy làm

Kể từ khi có làn sóng di cư từ các nước Trung Đông–Bắc Phi sang châu Âu gia tăng, thì các nước thành viên Schengen lại ứng xử theo cách “mạnh ai nấy làm” với những lập luận khác nhau.  Theo đó, Áo là nước đầu tiên siết chặt kiểm soát biên giới và kiểm tra từng người nhập cảnh, tăng cường kiểm tra người di cư và trục xuất những người không có quyền tị nạn. Điều này đi ngược với quy định của Hiệp ước Schengen.

Ngày 16/1, Thủ tướng Áo ông Werner Faymann đã tuyên bố tạm ngừng thực thi hiệp ước Schengen về miễn thị thực giữa 22 nước thành viên EU và 4 quốc gia ngoài EU. Trong khi đó, Đan Mạch và Thụy Điển lại có những biện pháp nhằm siết chặt kiểm soát người nhập cảnh vì lo ngại các nguy cơ mất an ninh do dòng người di cư ồ ạt. Những hành động này đang đe dọa tới sự sụp đổ của Hiệp ước Schengen, vốn là “niềm tự hào” của EU.

Cuộc khủng hoảng người di cư ở Đức tiếp tục gây ra những bất đồng và tranh cãi trong liên minh cầm quyền, trong khi đa số người dân Đức hoài nghi khả năng giải quyết được cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay. Ngày 16/1, ông Horst Seehofer, Chủ tịch đảng CSU-đảng liên kết với CDU của Thủ tướng Merkel, đã đưa ra tối hậu thư buộc bà Merkel phải thay đổi chính sách. Hiện chỉ có 44% vẫn tin tưởng vào khả năng chèo lái của Thủ tướng Merkel trong cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.

Ngày 17/1, Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman tuyên bố “không thể” hội nhập cộng đồng người di cư Hồi giáo vào xã hội châu Âu. Ông Zeman cho rằng, những người di cư có văn hóa riêng tại đất nước của họ song không thể áp dụng những nét văn hóa ấy vào châu Âu, nếu không sẽ dẫn tới kết cục giống như các vụ việc ở Đức trong đêm giao thừa vừa qua.

Nguy cơ tan vỡ

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu ngày 19/1, Chủ tịch EC Donald Tusk cảnh báo châu Âu còn “chưa đầy hai tháng” để kiểm soát cuộc khủng hoảng người di cư, nếu không khối Schegen sẽ sụp đổ.

Ông Tusk nói: “Các số liệu thống kê cho thấy đợt Giáng sinh vừa qua có đến 2.000 người di cư đến châu Âu mỗi ngày. Tháng 3 tới sẽ là thời điểm cuối cùng để EC đưa ra chiến lược hoạt động. Nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng như sự sụp đổ của khối Schegen”. Ngoài ra, ông Tusk cũng cho rằng nếu không thể kiểm soát phù hợp các đường biên giới ngoài của mình, EU cũng sẽ thất bại với tư cách là một thực thể chính trị.

EU hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất kể từ sau Thế chiến II, với hơn 1 triệu người tị nạn và di cư đến liên minh này chỉ trong năm 2015.

Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo quốc tế mới đây đã đưa ra cảnh báo, hàng nghìn trẻ em tị nạn trong hành trình di cư sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong vì thời tiết băng giá trong hai tuần tới.

Như vậy, Schengen niềm tự hào của châu Âu giờ đây đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Tháng 3 đang tới gần, sức ép đã đè nặng lên các nhà lãnh đạo EC, liệu họ có quyết sách gì để tháo gỡ “quả bom” nhập cư? nếu không, EC sẽ khó mà cản nổi phản ứng dây chuyền về sự ra đi khỏi EU của một số nước như: Hy lạp, Anh Quốc, Ý, Bồ Đào Nha.

Vì thế, theo giới phân tích các nhà lãnh đạo EC sẽ buộc phải đưa ra chính sách, ít nhất cũng là tạm thời cứu vã tình hình để tránh nguy cơ nảy sinh hiệu ứng “domino” đe dọa sự toàn vẹn của EU, điều mà cả châu Âu quan ngại.

Quang Huy