Khó khăn chồng chất trước viễn cảnh đàm phán Mỹ - Triều
(Dân trí) - Sự ra đi bất ngờ của nhà ngoại giao kỳ cựu trong Bộ Ngoại giao Mỹ, người chuyên xử lý các vấn đề liên quan tới Triều Tiên, làm dấy lên lo ngại rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ khó thành công trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Sự ra đi bất ngờ
Ông Yoseph Yun, ngoài 60 tuổi, ngày 27/2 đã thông báo với CNN về quyết định nghỉ hưu và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đã chấp thuận đơn xin nghỉ của ông “mà không có sự tiếc nuối”. Ông Yun là một trong những nhà ngoại giao kỳ cựu hàng đầu của Mỹ, người chuyên phụ trách các vấn đề liên quan tới Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
Là người ủng hộ các biện pháp ngoại giao thay vì quân sự với Triều Tiên, ông Yun từng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán để thuyết phục Triều Tiên trả tự do cho Otto Warmbier - nam sinh viên từng bị Bình Nhưỡng bắt giữ vì ăn trộm biểu ngữ tuyên truyền khi tới Triều Tiên du lịch năm 2016.
Hiện chưa rõ lý do thôi chức bất ngờ của ông Yun và bản thân ông cũng không đề cập tới điều này. Trong khi đó, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết ông Yun nghỉ hưu “vì lý do cá nhân” và Ngoại trưởng Tillerson đã “miễn cưỡng chấp thuận quyết định” của ông.
“Đây thực sự là một tin buồn. Ông Yun là người ủng hộ mạnh mẽ việc đàm phán và thỏa hiệp (với Triều Tiên). Tiếng nói của ông dường như từ nay sẽ không còn được lắng nghe nữa”, New York Times dẫn lời Andrei Lankov, Giáo sư Đại học Kookmin tại Seoul, Hàn Quốc, cho biết.
Theo một nguồn tin thân cận với ông Yun, thông báo rời khỏi Bộ Ngoại giao Mỹ của ông là quyết định được đưa ra do nhiều yếu tố. Một số nguồn tin khác nói rằng ông Yun ngay từ đầu đã lên kế hoạch chỉ phục vụ cho chính quyền Trump trong khoảng thời gian 1 năm tính từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1 năm ngoái.
Tuy nhiên, nguồn tin thân cận với nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ tiết lộ thêm rằng, ông Yun cảm thấy thất vọng về sự thiếu nhất quán trong chính sách đối với Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Trump và điều này từng nhiều lần gây khó khăn cho ông trong việc định hình con đường đi tiếp theo.
Theo nguồn tin trên, việc hoạch định chính sách của chính quyền Trump bị xem là không chuyên nghiệp. Tuy nhiên, CNN cho rằng đây không phải là lý do duy nhất dẫn tới quyết định thôi chức của nhà ngoại giao chuyên nghiệp vốn đã quá quen với quy trình chính sách rắc rối như ông Yun.
Quyết định sai thời điểm?
Một số quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ rất thất vọng khi ông Yun chọn thời điểm hiện tại để rời khỏi chính quyền Trump. Theo họ, đây là lúc Mỹ cần đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao để giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và vai trò của một nhà ngoại giao như ông Yun là rất cần thiết.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Heather Nauert đã bác bỏ ý kiến cho rằng, ông Yun là người duy nhất có thể giải quyết vấn đề Triều Tiên hiện nay.
“Bộ Ngoại giao có 75.000 nhân viên đang làm việc trên toàn thế giới. Và Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Susan Thornton hay Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Hàn Quốc Marc Knapper là hai trong số những người có thể đảm nhận công việc này”, bà Nauert nói, đồng thời khẳng định “chính sách của chính quyền Mỹ với Triều Tiên vẫn không thay đổi”.
Tổng thống Trump cho đến nay vẫn chưa bổ nhiệm Đại sứ thường trực của Mỹ tại Hàn Quốc dù ông đã lên nắm quyền được hơn một năm. Thay vào đó, đại diện cho Washington tại Seoul hiện mới chỉ là Đại biện lâm thời. Việc Nhà Trắng từ chối tiết lộ khi nào Tổng thống Trump sẽ công bố vị trí Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc đã làm dấy lên nhiều hoài nghi về cách tiếp cận của chính quyền Mỹ đối với tình hình bán đảo Triều Tiên.
“Tôi không có trong tay thời gian biểu cụ thể và tôi cũng không có bất kỳ thông báo cá nhân nào về vị trí này”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết.
Vị trí Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc bị bỏ trống, kết hợp với sự ra đi của nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm về Triều Tiên như ông Yun, khiến nhiều người lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Trump đang thực sự thiếu kinh nghiệm ngoại giao trong việc xử lý một trong những thách thức lớn nhất về chính sách đối ngoại, đó là Triều Tiên.
“Việc Đại sứ Joe Yun, nhà ngoại giao hàng đầu về Triều Tiên, thôi chức là một bước thụt lùi tiếp theo trong cách tiếp cận lộn xộn và thiếu nhất quán của chính quyền Trump đối với chính sách ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên, cũng như đối với sự thống nhất về tổ chức của Bộ ngoại giao Mỹ”, Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez từ bang New Jersey, thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nhận định.
Chia rẽ quan điểm
Ngoài ra, quyết định nghỉ việc của ông Yun cũng đặt ra nhiều quan ngại về sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong các nhóm khác nhau của chính quyền Trump về việc làm thế nào để tiếp tục giải quyết vấn đề Triều Tiên, mặc dù viễn cảnh đàm phán ngoại giao giữa hai nước đã bắt đầu nhen nhóm sau Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang ở Hàn Quốc vừa qua.
“Những gì chúng ta thấy trong những tháng gần đây là sự lỏng lẻo trong chính sách (của Mỹ) với Triều Tiên dù trước đó từng là chính sách khá chặt chẽ”, chuyên gia phân tích quân sự John Kirby cho biết.
Giới phân tích cho rằng một trong những rào cản lớn nhất cho viễn cảnh đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên là chính quyền Trump liên tục phát đi những tín hiệu không đồng nhất, khi cứng rắn khi mềm mỏng, đối với Bình Nhưỡng. Theo Ankit Panda, biên tập viên cấp cao của tạp chí đối ngoại Diplomat, “chính quyền Trump dường như không đọc chung một cuốn sách về chính sách với Triều Tiên, do vậy chúng ta đã nghe thấy những quan chức khác nhau đưa ra những cách tiếp cận khác nhau”.
Theo chuyên gia Kirby, mặc dù Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nhiều lần tuyên bố Mỹ sẽ sử dụng tất cả các giải pháp ngoại giao trước khi cân nhắc phương án quân sự với Triều Tiên, việc thiếu vắng những tiếng nói ủng hộ ngoại giao như ông Yun có thể dẫn đến xu hướng “diều hâu” hơn tại Nhà Trắng.
Một số chuyên gia nhận định mặc dù cả Triều Tiên và Mỹ đều để ngỏ khả năng đàm phán, song hai bên đều theo đuổi những lập trường không giống nhau. Triều Tiên tuyên bố không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân, trong khi Mỹ đòi Bình Nhưỡng phải đưa vấn đề hạt nhân lên bàn đàm phán.
“Triều Tiên luôn nói rằng họ rất sẵn lòng đàm phán với Mỹ và thực tế là họ cũng muốn đối thoại với chúng ta, song với tư cách là hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên nếu nước này sẵn sàng đưa vấn đề vũ khí hạt nhân lên bàn đàm phán. Như vậy, cả hai bên đều sẵn sàng đàm phán, nhưng không phải về cùng một chủ đề”, chuyên gia Ralph Cossa tại Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế nhận định.
Thành Đạt
Tổng hợp