1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Khỉ lùn đuôi sóc: ông bố tuyệt vời trong tự nhiên

(Dân trí) - Loài khỉ tí hon này có cặp mắt tinh nhanh hình quả hạch, tai bị che khuất bởi lớp bờm dày, miệng rộng, lông hơi vằn loang màu xám pha vàng nâu, sống trong rừng rậm Nam Mỹ.

Chúng đặc biệt tập trung tại các vùng rừng Colombia, Ecuador, miền tây Brazil và bắc Peru và thường thích sống ở ven bờ sông, sát các nông trại và ở những khu vực có nhiều bụi tre.

Một số đặc điểm về hình dáng và đặc trưng của loài khỉ này:

 

Khỉ lùn đuôi sóc (Pygmy marmoset) là loài nhỏ nhất trong các loài khỉ sóc và là một trong những loại khỉ nhỏ nhất trong các dòng họ nhà khỉ. Chính vì vậy mà chúng thường được coi là loài khỉ nhỏ nhất trên thế giới. Thân khỉ trưởng thành có chiều dài trung bình từ 11,5 cm - 15,5 cm; đuôi dài từ 17 - 22cm; nặng khoảng 85 - 140g. Khỉ đực và khỉ cái nhìn bề ngoài đều giống nhau nhưng thường thì khỉ cái nhỉnh hơn khỉ đực đôi chút.

 

Chúng thường sống theo đàn khoảng 5-7 con, cũng có thể lên đến 15 con, bao gồm bố mẹ và các con của chúng. Mỗi đàn sống và bảo vệ “lãnh thổ” của mình trên diện tích gần 0,4 ha.

 

Các phương thức giao tiếp của chúng bao gồm đánh dấu bằng mùi hơi, chải lông cho nhau, biểu lộ bằng nét mặt và phát ra những âm thanh the thé… Chân có vuốt và thân hình nhỏ bé giúp cho chúng có thể bám chặt lấy thân và cành cây, sau đó dùng những cái răng cửa sắc như dao của mình khoét sâu vào lớp vỏ cây, rồi thưởng thức chất nhựa cây rỉ ra và để lại những vệt lõm hình ô van to khoảng trên 2 cm sau bữa ăn. 

 

 

Khỉ lùn đuôi sóc: ông bố tuyệt vời trong tự nhiên - 1
 

Một chú khỉ lùn đuôi sóc.

 

Loài khỉ này mắt tinh và có thể chạy rất nhanh. Chúng cũng rất hiếu kỳ, thích đùa nghịch và hoạt động suốt ngày. Khỉ lùn đuôi sóc có thể nhảy các bước xa trên 1 mét. Đặc biệt chúng nhảy rất nhanh và chính xác. Chính vì điều này nên rất khó phát hiện ra loài khỉ này ở các khu rừng tự nhiên. Khi gặp nguy hiểm, chúng có nhiều cách để “thoát thân” như: nhanh chóng “tót” lên cây và biến mất chỉ sau vài vòng di chuyển “xoắn ốc”; Chúng cũng có thể “cậy đông” là anh em, họ hàng mình để bao vây và tấn công trở lại cho đến khi dã thú kia phải rút lui. Hoặc cũng có thể tận dụng dáng vóc nhỏ thó của mình để ẩn nấp dưới các tán cây, tránh sự săn đuổi của kẻ săn mồi…

 

Việc khoét vỏ cây để hút nhựa chiếm tới 67% thời gian kiếm ăn. Ngoài ra các loài côn trùng như nhện và các động vật nhỏ như thằn lằn, nhái bén, ốc sên cũng là thức ăn khoái khẩu. Thi thoảng chúng cũng ăn một số loại trái cây và mật hoa.

 

Thời kỳ mang thai của khi lùn đuôi sóc là 136 ngày. Chúng thường sinh đôi nhưng hai khỉ con không giống nhau. Trong điều kiện môi trường thích hợp, một con khỉ cái có thể 5 tháng sẽ sinh một lứa.

 

Trong môi trường tự nhiên, tuổi thọ trung bình của khỉ chỉ khoảng 6,5 năm. Trong môi trường vườn thú, thì tuổi thọ của khỉ có thể lên tới 13 năm.

 

Một số nghiên cứu y học liên quan đến loài khỉ này:

 

Trên cơ sở đặc tính của loài khỉ này, các nhà khoa học đã tiến hành một số nghiên cứu y học. Đáng chú ý gần đây là một số nghiên cứu về mối liên quan giữa yếu tố “làm bố” với hành vi tình dục và sự tiến triển của bộ não của khỉ. Theo đó, việc “làm bố” đã có những tác động rất tốt tới sự tiến triển của bộ não và hành vi tình dục của khỉ đực.

 

Đối với hành vi tính dục, các nhà khoa học phát hiện các chú khỉ đực đã làm bố có phản ứng sinh lý “làm ngơ”  trước bất cứ nàng khỉ đuôi sóc nào, trừ người bạn đời của mình. Chức năng sinh học của con đực đã chế áp việc tiết ra hoóc môn, mà có thể sẽ khiến nó phải “dằn vặt” sau này. Nghiên cứu này mở ra một hướng mới trong xem việc làm cha có ảnh hưởng gì đến “thói trăng hoa” của đàn ông hay không. Nếu ở người mà cũng có được kết quả như nghiên cứu trên thì đó sẽ là một thông tin rất đáng mừng cho các bà vợ!

 

Hồng Quân
(Tổng hợp)